Chuyện về ba phụ nữ vượt lên nỗi đau
15:50', 25/7/ 2003 (GMT+7)

Những phụ nữ từng cầm súng tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, sau chiến tranh họ đã sống thật mạnh mẽ và nghị lực, dù bao bất hạnh đã dồn lên vai họ.

1. Về quê dừa Tam Quan, nghe câu chuyện của chị Nguyễn Thị Nga không ai là không xúc động. Năm 14 tuổi, chị đã tham gia công tác cách mạng, làm quân báo xã Tam Quan Bắc (nay là thị trấn Tam Quan). Năm 1964, chị xây dựng gia đình với một anh du kích cùng xã. Ba năm sau, chị lần lượt cho ra đời 2 đứa con. Một mình vừa lo toan cho gia đình cùng một mẹ già 72 tuổi, vừa tiếp tục tham gia hoạt động. Rồi người chồng hy sinh, nén đau thương, chị càng hăng hái trong công tác. Sau đó chị bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn. Không khai thác được gì, chúng đành thả chị về. Chị gửi các con cho ông bà ngoại để tiếp tục lao vào hoạt động.

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chị làm Hội trưởng Hội LHPN xã Tam Quan Bắc và tái lập gia đình với một anh bộ đội người xã lân cận. Là bộ đội, người chồng luôn xa nhà, một tay chị lại vừa lo toan gia đình vừa nhiệt thành với hoạt động đoàn thể. Chị làm nghề chế biến nước mắm. Để tiêu thụ sản phẩm, chị phải dậy thật sớm, đạp xe chở nước mắm vượt hàng chục km, rồi tất tả trở về cho kịp giờ đi làm. Chị có thêm hai con nhỏ. Nhưng bất hạnh lại đến với chị: Năm 1985, người chồng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Những đau thương có lúc tưởng quật ngã chị nhưng cả một đại gia đình đang trông cậy vào đôi bàn tay chị, rồi trách nhiệm với công việc, đã không cho phép chị yếu lòng. Chị Nga còn giúp đỡ rất nhiều chị em khác kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Với những chị có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, chị Nga rất sẵn lòng giúp đỡ, khi vài trăm ngàn đồng, khi vài ba chỉ vàng để họ mua thêm heo giống, mua vật liệu sửa lại nhà.... Chị còn hòa giải thành công 6 gia đình có mâu thuẫn trong tình cảm vợ chồng, trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu…

Hiện nay, chị Nga không còn phải tất tả đi bán mắm như trước. Ba người con của chị đã xây dựng gia đình riêng, có công ăn việc làm; riêng cô con gái út đang học ngành kế toán xây dựng tại Phú Yên. Cuộc sống gia đình tạm ổn, chị lại để nhiệt tâm vào công tác xã hội.

2. Chị thương binh Võ Thị Hường (phường Quang Trung - TP Quy Nhơn) lại đáng trân trọng ở ý chí vươn lên, thoát khỏi hoàn cảnh đói nghèo. Hai anh chị đều là thương binh. Sau khi người chồng xuất ngũ, anh chị gom góp được ba chỉ vàng, mua một ngôi nhà nhỏ 30 m2 ở phường Trần Phú, để ở. Niềm vui chưa kịp đến, thì ngôi nhà đã bị bão cuốn sạch. Đồng đội, bà con xóm giềng giúp công giúp sức che tạm lại chỗ ở cho anh chị. Hoàn cảnh lúc đó thật khốn đốn: anh thì đau ốm triền miên, con cái lại đang tuổi ăn, tuổi lớn, thiếu thốn trăm bề. Chị phải xoay xở đủ bề, từ việc sắm thuyền cho anh đi biển, đến chuyện đi làm thuê, gánh cá, chùi rổ… để có tiền nuôi con, phụ giúp chồng.

Năm 1996, sau bao năm ky cóp, anh chị mua được mảnh đất 120 m2 tại phường Quang Trung, vừa để ở, vừa để chăn nuôi và trồng rau. Không tiền làm nhà, một hôm, thấy bờ tường một cơ quan nọ bị đổ, chị đánh liều vào hỏi xin. Tận dụng số gạch này, anh dựng tạm một gian phòng nhỏ và xây chuồng heo. Ngày ngày, chị tất tả đạp xe về chỗ ở cũ cách đó trên 3 km lấy nước cơm, thức ăn thừa về nuôi heo. Nhờ công chăm chút của anh chị, đàn heo mau ăn chóng lớn, từ một con ban đầu, nay trong chuồng thường xuyên có hàng chục con. Mỗi năm, anh chị bán được 30 triệu đồng, thu lãi khoảng 20 triệu. Anh chị đã xây một ngôi nhà cấp 4 trên 50 triệu đồng, sắm xe máy và một số đồ dùng sinh hoạt gia đình.

3. Người phụ nữ thứ ba mà chúng tôi muốn đề cập đó là một nữ thương binh có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt khắc khổ lớn hơn tuổi rất nhiều.

Sinh ra ở thôn Bình An, xã Phước Thành (Tuy Phước), năm 17 tuổi chị Võ Thị Hòa cùng người anh là Võ Đình Hiệp nối bước người cha hoạt động tiếp tế lương thực cho cách mạng. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quân và dân miền Nam, bọn ngụy quyền ra tay đàn áp các gia đình cơ sở cách mạng. Chúng bắt mẹ, anh của chị, rồi đến lượt chị đem giam ở nhà tù Tuy Phước và Quy Nhơn. Hơn một năm bị giam cầm, với đủ các đòn tra tấn dã man nhưng chị kiên quyết không khai nửa lời. Bọn chúng đưa chị ra tòa xử án, nhưng không đủ chứng cứ đành thả chị về địa phương và từ đó chị lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng.

Sau giải phóng, chị xây dựng gia đình với anh Lê Quyết Hường, sinh được 2 người con. Rồi anh Hường phát bệnh và qua đời khi người con út của chị vừa đầy 1 tuổi.

Trở về với cuộc sống đời thường, chị Hòa gặp muôn vàn khó khăn. Năm 1986, chị xin về quê ở thôn Bình An, xã Phước Thành và được chính quyền sở tại cấp cho một lô đất để xây dựng nhà ở. Không thể làm nông nghiệp vì thương tật, chị vay mượn bà con dòng họ, cộng với số tiền trợ cấp ít ỏi, lập ra một gánh tạp hóa nho nhỏ hàng ngày buôn bán ở chợ An Trạch. "Tích thiểu thành đa", chị dành dụm, xoay xở hàng ngày để chăm sóc 2 con ăn học nên người. Người con trai lớn của chị là Lê Kim Hùng năm nay đã 23 tuổi, hiện đang theo học năm thứ tư Trường Đại học Công an; còn người con út là Lê Thanh Hải đã được 21 tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hải đã được nhận vào làm cho Công ty TNHH Viễn Thông Tuy Phước.

. Lê Viết Thọ- Hồ Văn Be

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi tìm đồng đội   (25/07/2003)
Đòn bẩy của năng suất, chất lượng, hiệu quả   (24/07/2003)
Thi công Dự án cấp nước TP Quy Nhơn: Vì sao gặp nhiều trở ngại?   (23/07/2003)
Hè... muôn năm cũ   (22/07/2003)
Phát triển làng nghề và vấn đề giải quyết việc làm   (21/07/2003)
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động   (20/07/2003)
Hạnh phúc của đôi vợ chồng người thương binh xứ dừa   (18/07/2003)
Trả lời thỏa đáng những bức xúc của cử tri  (17/07/2003)
Xã Cát Tài chăm lo công tác khuyến học   (17/07/2003)
Dạy nghề: Để cung gặp cầu   (15/07/2003)
Một ngày với xóm lưới...   (14/07/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên   (14/07/2003)
Nhanh chóng làm rõ vụ cướp trên bãi biển Quy Nhơn   (13/07/2003)
Khi người nghiện đã quyết tâm   (13/07/2003)
Những quả ngọt đầu mùa   (11/07/2003)