Tiến tới Hội chợ Việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất
Để thật sự là cầu nối giữa người và việc
16:23', 3/8/ 2003 (GMT+7)

Hiện nay, mỗi năm, các trung tâm dịch vụ việc làm trong tỉnh giới thiệu việc làm (GTVL) cho trên dưới cả ngàn lao động, góp phần vào việc giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động GTVL vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động.

* Nhiều khó khăn

Thực ra, trong con số trên dưới cả ngàn lao động được giới thiệu mỗi năm đó, số lao động được làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, phần lớn vẫn là giới thiệu và đưa lao động đi làm việc tại các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Thị trường lao động trong tỉnh đang trên đường hình thành và chưa trở nên sôi động chính là một trong những khó khăn lớn nhất với các trung tâm dịch vụ việc làm ở Bình Định. Hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều tự tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp ngoại tỉnh thỉnh thoảng có nhu cầu tuyển dụng thông qua các trung tâm GTVL của tỉnh, nhưng thường lại tập trung vào những ngành nghề khó tuyển dụng tại các thị trường lớn, có thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn. Loại ngành nghề, do vậy, cũng không đa dạng.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã có cầu, tìm được đầu ra, thì vấn đề đầu vào lại là một khó khăn lớn. Ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh), cho biết: "Hiện nay, 4 doanh nghiệp ngoại tỉnh, thông qua Trung tâm muốn tuyển dụng hơn 2.000 lao động để làm các nghề may, da giày… Trình độ lao động yêu cầu không cao. Ngoài một số lao động có nghề, họ còn có nhu cầu tuyển lao động phổ thông để về đào tạo, và sau đó, sẽ làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, qua hai đợt tuyển dụng, Trung tâm cũng mới tuyển được khoảng 80 lao động, một con số quá nhỏ bé." Lý giải nguyên nhân về hiện tượng này, theo ông Sơn, là do tâm lý của người lao động thích đi vào các trường cao đẳng, đại học hơn là làm công nhân; thích làm trong tỉnh, dù có thu nhập thấp hơn, hơn là đi làm việc ngoài tỉnh. Hơn nữa, làm việc ngoài tỉnh, còn phải lo về chỗ ở, phương tiện đi lại, nên người lao động không hào hứng.

Bên cạnh đó, theo chúng tôi, một nguyên nhân khác là tình trạng người lao động ở các địa phương thiếu thông tin. Thực trạng này, không chỉ đúng với người lao động, mà là tình trạng chung của đội ngũ cán bộ tại các xã, phường. Để khắc phục, mới đây, các trung tâm GTVL đã đẩy mạnh việc trực tiếp xuống các địa phương, làm việc với đội ngũ cán bộ địa phương, tuyên truyền cho người lao động để tuyển lao động, học viên học nghề, thông báo các chính sách mới của tỉnh về học nghề, xuất khẩu lao động…

Lao động phổ thông đã khó, tìm ra lao động kỹ thuật còn khó hơn. Ngay các doanh nghiệp trong tỉnh cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật, nhưng các trung tâm không thể đáp ứng vì không có nguồn. Điều khá đặc biệt là cả ba trung tâm GTVL đều gắn với dạy nghề nhưng cũng nằm trong tình trạng chung của các trường nghề là trang thiết bị giảng dạy và thực hành nhìn chung là thiếu và lạc hậu nên rất hạn chế trong công tác đào tạo. Các nghề đang có nhu cầu lớn trên thị trường lao động như cơ khí, động lực, gò, hàn... thì công tác đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

* Cơ hội mới với hoạt động GTVL

Với các trung tâm GTVL, Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất sẽ là một cơ hội rất lớn. Đây không chỉ là dịp để trực tiếp tuyển dụng lao động ngay tại Hội chợ, mà còn là cơ hội để trực tiếp tiếp xúc, thông tin và giải đáp cho người lao động về những chính sách, chủ trương mới của tỉnh về dạy nghề và việc làm; về những nhu cầu hiện tại của thị trường lao động; cũng như hướng dẫn những thủ tục cần thiết để lập hồ sơ xin việc... Bên cạnh đó, điều quan trọng không kém là thông qua việc tổ chức Hội chợ việc làm, sẽ góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường lao động tỉnh nhà. Đây mới chính là khởi tạo những tiền đề để các trung tâm GTVL có "đất dụng võ", hoạt động tích cực hơn trong thời gian tới.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Xuân với công tác Đền ơn đáp nghĩa   (01/08/2003)
Một cô giáo yêu nghề, mến trẻ   (31/07/2003)
An Nhơn với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"  (31/07/2003)
"Tôm tặc" sa lưới   (29/07/2003)
Hậu nấm linh chi ở An Lão   (27/07/2003)
Chuyện về ba phụ nữ vượt lên nỗi đau   (25/07/2003)
Đi tìm đồng đội   (25/07/2003)
Đòn bẩy của năng suất, chất lượng, hiệu quả   (24/07/2003)
Thi công Dự án cấp nước TP Quy Nhơn: Vì sao gặp nhiều trở ngại?   (23/07/2003)
Hè... muôn năm cũ   (22/07/2003)
Phát triển làng nghề và vấn đề giải quyết việc làm   (21/07/2003)
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động   (20/07/2003)
Hạnh phúc của đôi vợ chồng người thương binh xứ dừa   (18/07/2003)
Trả lời thỏa đáng những bức xúc của cử tri  (17/07/2003)
Xã Cát Tài chăm lo công tác khuyến học   (17/07/2003)