Gian nan nội trú cho học sinh trường chuyên
17:2', 5/8/ 2003 (GMT+7)

Khu nội trú của trường vừa được đưa vào sử dụng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của HS (ảnh: L.T.H)

Việc có con em được học ở trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn là một niềm vinh dự đối với nhiều gia đình ở Bình Định. Tuy nhiên, việc học của các học sinh (HS) ở ngôi trường "danh giá" nhất tỉnh này đang gặp phải "sự cố" nên đã xảy ra chuyện, dù đã chiến thắng hàng loạt đối thủ để có mặt trong "đội tuyển" của trường nhưng nhiều HS đành phải ngậm ngùi rút tên ra khỏi danh sách vì một chuyện giản đơn: Nội trú.

* Chỉ còn 7 suất, nhiều HS rút tên

Kỳ thi tuyển đầu vào của HS khối 10 năm nay, trường Lê Quý Đôn có hơn 280 HS. Với những gia đình khá giả thì chẳng có gì để nói. Cái khổ là có gần nửa (137) số học sinh ở huyện về nhưng gia đình lại nghèo. Số HS này rất cần có được một suất ăn, ở trong khu nội trú. Nhiều gia đình khó khăn xem đây như một nhu cầu thiết yếu để con em họ có thể theo đuổi nghiệp học ở trường.

Trong cuộc họp đầu năm học vào ngày 20-7 với toàn thể phụ huynh HS, Ban giám hiệu nhà trường ra thông báo chỉ còn 7 suất nội trú dành cho HS lớp 10, chủ yếu dành cho HS thuộc diện chính sách như con liệt sĩ, thương bệnh binh, mồ côi cả cha lẫn mẹ, con hộ nghèo có giấy chứng nhận của địa phương. Nếu làm phép tính chia (7/137) thì cuộc đua giành một suất nội trú vào trường Lê Quý Đôn còn khó hơn cả đi... du học nước ngoài. Do vậy, nhà trường buộc phải làm phép loại trừ đến mức tối đa và sự chênh lệch quá lớn này đã gây khó khăn cho cả Ban giám hiệu lẫn phụ huynh HS.

Trước thực trạng này, ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn, đã không giấu được nỗi lo âu: "Mới bắt đầu học được hơn 10 ngày đã có tới 12 HS rút tên ra khỏi danh sách. Chưa chắc số còn lại sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng vì ngày nào cũng có phụ huynh đến xin rút tên. Thật xót xa khi nhiều HS ở vùng sâu, vùng xa học rất giỏi nhưng phụ huynh cứ một mực lên xin nhà trường cho rút đơn về lại huyện để học".

* Và những chuyện đáng lo

Tình cờ trong cuộc gặp vào chiều 4-8, chúng tôi đã được nghe lời tâm sự của một phụ huynh. Đó là chị Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Phước Hưng (Tuy Phước), có cậu con trai út học giỏi nhất nhà. Lương "ba cọc ba đồng" của một giáo viên cấp I nuôi 3 con ăn học đâu phải chuyện dễ nhưng khi thấy con có nguyện vọng học ở trường Lê Quý Đôn, chị không ngại khổ thêm nữa mà chỉ canh cánh mỗi chuyện con mình không vào được nội trú. Chị cho biết: "Vì chưa vào năm học chính thức nên chúng tôi mới để cháu học thử. Còn nếu sau này không vào được nội trú thì phải về trường huyện gần nhà chứ ở ngoài vừa tốn kém lại vừa không an toàn".

Như vậy, ngoài chuyện nhiều gia đình nghèo không đủ chu cấp cho con thì vấn đề chọn môi trường học tập được các bậc phụ huynh đặt lên hàng đầu. Mục đích để họ đưa con mình vào nội trú là an ninh được đảm bảo và môi trường tập trung tốt để các em cùng thi đua học tập. Ở nội trú, HS được bao cấp chỗ ở, mỗi tháng chỉ phải trả tiền điện, nước. Phòng được bố trí khép kín nên rất tiện lợi cho sinh hoạt và học tập. Ban giám hiệu là người quản lý trực tiếp, có đề ra quy định nên mọi mắc mứu, phản ánh của HS được tháo gỡ nhanh chóng. Trong khi đó, số HS ngoại trú nhà trường không thể quản lý được (ngoại trừ một số hộ ở khu nhà mới xung quanh do Ban giám hiệu trường trực tiếp liên hệ). Tình trạng HS bị mất đồ, điều kiện ăn ở không tốt đã xảy ra và gây ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng học tập của các em. Theo một số HS trọ ở khu nhà mới, vì chưa quen với việc cho thuê nhà nên dịch vụ ăn uống ở đây không đảm bảo, buộc các em phải đi đến các khu vực khác để ăn. Đó là chưa kể đến sự tác động của các thói xấu với các cô cậu trong tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" vừa từ huyện lên thành phố.

* Sao không tháo gỡ?

Trường Lê Quý Đôn đã có 3 năm tuổi nghề nhưng trước đây cơ sở phải mượn tạm, nằm chung trong khuôn viên trường Quốc học. Năm 2002, từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh (900 triệu đồng) và Hiệp hội các nhà đầu tư-phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương (5,5 tỉ đồng), trường chính thức có cơ sở hoạt động độc lập, trong đó số tiền 900 triệu đồng của tỉnh đầu tư dùng để xây dựng tường rào, khu nội trú và sân thể thao.

Các năm học trước, cả 3 khối lớp của trường chỉ có khoảng 100 HS ở các huyện về học nên nhà trường lo được chỗ ở. Nhưng do chất lượng đào tạo ngày càng được khẳng định nên số HS giỏi ở các huyện nộp đơn xin "đầu quân" vào trường ngày càng đông. Hiện tại, trường chỉ có một khu nội trú, gồm 10 phòng cho 60 HS. Khi đặt câu hỏi các giải pháp tháo gỡ, ông Bắc cho biết: "Mấy ngày vừa rồi, giáo viên của trường phải tận dụng cả ngày nghỉ để cùng vào cuộc đi tìm nhà trọ cho các em nhưng cũng không đáp ứng được. Chúng tôi đã năm lần bảy lượt "kêu" với Sở GD&ĐT mà vẫn không có kết quả. Nhiều phụ huynh quá khó khăn đến xin cho con mình có chỗ nội trú để học nhưng biết làm sao đây? Các em rút tên, chúng tôi cũng buồn và tiếc lắm. Muốn giải quyết tương đối chỗ ở cho các em, phải có một khu nội trú 3 tầng thì may ra mới đủ. Điều này nằm ngoài khả năng của nhà trường".

Thiết nghĩ, Sở GD&ĐT và các cấp lãnh đạo sớm quan tâm đến việc này để trường Lê Quý Đôn thật sự là địa chỉ tập trung và đào tạo nguồn nhân tài của tỉnh. Lẽ nào lại để những HS giỏi của tỉnh không được tập trung bồi dưỡng ở một môi trường học tập cao như trường Lê Quý Đôn chỉ vì một... chỗ ở.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính ở Sở Kế hoạch - Đầu tư   (04/08/2003)
Thấy gì qua công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm?   (04/08/2003)
Để thật sự là cầu nối giữa người và việc   (03/08/2003)
Hoài Xuân với công tác Đền ơn đáp nghĩa   (01/08/2003)
Một cô giáo yêu nghề, mến trẻ   (31/07/2003)
An Nhơn với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"  (31/07/2003)
"Tôm tặc" sa lưới   (29/07/2003)
Hậu nấm linh chi ở An Lão   (27/07/2003)
Chuyện về ba phụ nữ vượt lên nỗi đau   (25/07/2003)
Đi tìm đồng đội   (25/07/2003)
Đòn bẩy của năng suất, chất lượng, hiệu quả   (24/07/2003)
Thi công Dự án cấp nước TP Quy Nhơn: Vì sao gặp nhiều trở ngại?   (23/07/2003)
Hè... muôn năm cũ   (22/07/2003)
Phát triển làng nghề và vấn đề giải quyết việc làm   (21/07/2003)
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động   (20/07/2003)