Nhân sự kiện Báo Bình Định xuất bản số 2000
Chuyện vui nhặt ở Quy Nhơn
16:27', 6/8/ 2003 (GMT+7)

Tập thể cán bộ, PV Báo Bình Định (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Tôi ở Quy Nhơn đúng 2 năm thì chia tỉnh phải về Quảng Ngãi, nhưng "sống" với Quy Nhơn, với Bình Định thì đã 16 năm nay. Mới đây, nhân chuyến công tác tại Quy Nhơn, mấy đồng nghiệp ở Báo Bình Định có khoe với tôi rằng đầu tháng 8 này, báo sẽ tổ chức gặp mặt thân mật nhân xuất bản số báo thứ 2000 và có nhã ý mời tôi cộng tác với báo một bài. Tôi giật mình và nhẩm tính, đã mấy ngàn ngày đi qua đời mình, nhanh đến mức "vui buồn chưa kịp cũ". Trong hàng ngàn số báo ấy, tôi chỉ "ghé" qua có vài bài, lại không được đọc báo Bình Định thường xuyên do điều kiện cách trở nên thật khó để có một cái nhìn toàn cảnh. Thôi thì nhớ gì viết nấy. Trong ký ức chớp sáng của đời mình, tôi đã kịp ghi lại dưới đây mấy khoảnh khắc với đất Quy Nhơn, với báo Bình Định.

Năm 1987, tôi vác chiếc ba lô rỗng từ Tây Nguyên về tá túc với Nguyễn Thanh Mừng (hiện nay anh là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định) tại khu tập thể của Sở Văn hóa Thông tin. Hồi ấy chưa vợ con gì nên chúng tôi hay la cà quán xá vào mỗi chiều. Nhưng cũng chỉ được 15 ngày đầu của mỗi tháng thôi, nửa tháng sau đó là lo di tản về các huyện vì hết tiền. Một hôm, tôi thấy Mừng hồ hởi hẳn: "Qua bên Tăng Bạt Hổ làm xị đi!". Tăng Bạt Hổ có mấy quán cóc cạnh tòa soạn Báo Nghĩa Bình. Đang đói meo, nghe bạn rủ đi nhậu, tôi mừng quýnh quáng suýt vấp chân ở cầu thang của khu tập thể. Vừa bước vào quán, Mừng ấn tôi xuống chiếc ghế, dặn: "Ngồi đợi một chút, tao quay lại ngay". Tôi ngồi đợi Mừng trong hồi hộp. Không biết anh chàng đi đâu mà có vẻ bí hiểm. Một lúc sau Mừng về, cầm theo xấp tiền, đưa ra trước mặt tôi: "Nó đây, không phải ký sổ, nhé!". Mừng hay hóm trong mỗi cuộc vui nhưng anh không bao giờ "chuyện không nói có" với bạn. Tôi bán tín bán nghi: "Moi đâu ra giỏi vậy?". Anh ngoắc tay về phía tòa soạn, vẻ mặt như người vừa trúng số: "Nhuận bút ở Báo Nghĩa Bình!". Nghe mới oách làm sao! Chúng tôi uống mỗi người một xị rượu đế, nhưng có lẽ, ấy là cuộc rượu ngon nhất với tôi cho đến lúc đó. Nó ngon không hẳn vì đang đói lại được nhậu mà ngon vì số tiền ấy là kết quả từ công lao động của bạn. Đó là thứ lao động đặc biệt mà bạn tôi đã đánh vật mấy ngày trước đó. Sau cuộc rượu nhớ đời ấy, tôi bắt đầu… viết báo, với một động cơ duy nhất là hàng tháng được ngoắc tay về tòa soạn báo như Nguyễn Thanh Mừng và nói một câu: "Tiền nhuận bút đấy!". Sau mỗi lần ngoắc tay như thế, chúng tôi lại đến quán rượu Tăng Bạt Hổ. Rượu thì cho đến nay tôi chưa thấy mình ghiền nhưng viết báo thì ghiền thật rồi. Cảm ơn anh Mừng, cảm ơn Báo Nghĩa Bình-tiền thân của Báo Bình Định bây giờ, nơi tôi đã bén duyên như một mối tình đầu cho nghề nghiệp của mình.

Thời còn Báo Nghĩa Bình, tôi không nhớ là nhuận bút một bài thì được bao nhiêu, chỉ nhớ láng máng rằng, nếu chỉ uống rượu thì hai người cũng đủ tưng tưng. Thế mà có hôm, nhận nhuận bút một bài báo, lại chỉ có hai người uống rượu, một già một trẻ, vậy mà tôi cháy túi! Chả là, đám trẻ bọn tôi có một quy định bất thành văn là một cái nem chợ Huyện gói bằng lá ổi phải "tải" cho được vài ly rượu. Ấy thế mà bác Vũ Ngọc Liễn (anh em chúng tôi hay tếu táo gọi cụ là "Liễn già") đã làm tôi bối rối thật sự. Chúng tôi ghé vào một quán rượu trên đường Lê Hồng Phong. Với tư cách là "chủ chi", tôi gọi chủ quán bằng giọng của kẻ vừa nhận… nhuận bút: "Cho hai xị, nửa gói thuốc lá Jet và ít nem. Nhanh nhanh nhé!". Bác Liễn hôm đó không giống mọi ngày, nghĩa là bác nói năng rất nhỏ nhẹ. Chỉ có mỗi một tội là cụ "phá mồi" quá, làm tôi sốt ruột. Thay vì một cái nem phải uống vài ly rượu, cụ cứ nhấp môi một tý rượu nhưng "chơi" nguyên cái nem! Rốt cuộc, nem thì sạch nhẵn mà rượu vẫn còn, tiền trả cho việc "phá mồi" ấy cũng vừa đủ, tôi bèn lấy cớ có việc và đánh bài chuồn. Bác Liễn cũng chỉ mong có vậy và lên xe vọt luôn! Mới đây, tôi gặp bác Liễn và nhắc chuyện cũ, cụ cười như tuổi mười tám: "Ối cha mẹ ơi! Thằng này nhớ dai dữ? Giờ khác rồi nhé, mày lên Báo Bình Định, cộng tác với chúng nó một bài, nhuận bút mua đủ nửa số nem chợ Huyện!". Tôi nghĩ bác Liễn đang "tuồng" với tôi thế thôi chứ làm gì có chuyện một tờ báo địa phương mà lại trả nhuận bút lên đến vài ba trăm ngàn một bài! Hóa ra chính tôi mới là người nghĩ sai chứ không phải bác Liễn nói trạng.

Còn nhớ đầu năm nay, tỉnh Bình Định tổ chức hội chợ và hội thảo kêu gọi đầu tư. Cơ quan phân công tôi vào dự hội nghị và đưa tin về hoạt động này. Trước khi đi, anh thư ký tòa soạn Báo Lao Động có dặn: "Anh vô Quy Nhơn theo dõi và viết một bài cho xứng tầm với hội thảo. Nếu chỉ đưa tin không thôi thì đừng đi, nhé?". Tôi vặn: "Vì sao cậu lại nói vậy?". Một giọng cười mỉa từ đầu dây bên kia: "Vì ở Hà Nội, cứ khoảng 9 -10 giờ sáng, tôi chỉ cần "nhắp chuột" vào trang Web của báo Bình Định là có thể "luộc" được cái tin rồi". Hóa ra ở Hà Nội thì đã biết có tờ báo Bình Định điện tử còn ở Quảng Ngãi như tôi, lại ngơ ngơ như cờ bắp khi nghe tin ấy! Tôi đem chuyện nọ kể lại với mấy đồng nghiệp của Báo Bình Định và cũng gián tiếp để anh Trần Trung Kiên – Tổng Biên tập nghe luôn. Báo Bình Định lúc ấy chơi luôn một gian hàng trong hội chợ, mang đủ máy móc và "nhắp chuột" tại chỗ cho dân đi xem hội chợ coi một thể. Anh Kiên đang "sướng" với tờ điện tử vừa ra mắt, lại nghe tôi kể chuyện "Hà Nội cũng biết tờ báo ấy" nên anh giao việc luôn: "Em viết cho Báo Bình Định một bài. Chủ đề tùy thích, nhưng phải cho hay". Miệng nói, tay anh Kiên móc túi "xì" luôn 300 ngàn trước mặt tôi: "Anh ứng trước. Hy vọng rằng 7 giờ sáng mai, em không trả lại anh số tiền này mà là giao một bài báo!". Không cầm thì cũng dở, mà cầm tiền ấy thì cũng kẹt vì chẳng biết viết gì cho đủ một bài báo đây. Đáng đời cho cái tật bông phèng của tôi đã phải trả giá ngay trên đất Quy Nhơn! Cầm tiền anh Kiên trao, tôi lại nhớ đến bác Liễn với gói nem chợ Huyện trong một quán cóc trên đường Lê Hồng Phong 15 năm trước. Mua nửa số nem chợ Huyện như bác Liễn nói, chắc là không đủ nhưng với ngần ấy tiền, tôi có thể cho ông cụ "phá mồi" cả ngày cũng không hết! Tôi biết, anh Kiên quý tôi mà trả nhuận bút "trên trời" thế thôi nhưng cũng phản ảnh một điều rằng, làm anh Tổng biên tập một tờ báo, có lúc cũng cần phải "máu" như thế. Dám làm báo điện tử đầu tiên ở miền Trung, nếu không "máu", không tâm huyết với nghề, chắc là không dám nghĩ đến chứ đừng nói làm.

Đêm hôm đó, trong cơn tưng tưng sau một cuộc vui với các đồng nghiệp ở Báo Bình Định, tôi vẫn phải hì hục hoàn thành bài báo đúng như lời hẹn với Báo. Hay dở không biết nhưng các anh, chị trong Ban Biên tập Báo Bình Định vui ra mặt vì ít ra tôi cũng giữ đúng lời hứa với Báo Bình Định. 9 giờ sáng hôm đó, một cuộc điện thoại từ Hà Nội điện vô cảnh cáo cho cái trò "ăn vụng" của tôi (cơ quan tôi nghiêm cấm phóng viên viết cho báo khác). Tôi vừa sợ vừa sướng. Vì nếu không có tờ Bình Định điện tử thì biết đời thuở nào một anh thư ký tòa soạn tận Hà Nội lại "chộ mặt" một tờ báo địa phương ngay trong ngày. Làm báo mà "máu" (xin được hiểu "máu" đây là lòng say mê và có trách nhiệm với công việc), và "rẹt rẹt" cả trong viết bài lẫn trả nhuận bút như Báo Bình Định, tôi chưa gặp ở một tờ báo nào dọc miền Trung này. Chính cái "máu" ấy nên chi nửa đêm rồi mà anh em phóng viên vẫn còn ngồi "cày" cho đủ 4 trang báo chào mừng chiếc Cúp quốc gia mà đội bóng đất võ vừa rinh được ở sân Quy Nhơn. Tôi đã phải ngả mũ chào thua các đồng nghiệp ở báo Bình Định vì rằng lúc 5 giờ chiều hôm trước, các anh còn ở sân bóng Quy Nhơn, vậy mà 6 giờ sáng hôm sau đã có 4 trang báo nóng hổi cho sự kiện này. Cũng vì "máu" mà phóng viên Bá Phùng, 9 giờ đêm vẫn còn "truy lùng" một anh lãnh đạo của báo để nộp một bản tin "nóng" vừa xảy ra tại Quy Nhơn. Không "máu" thì không xà quần cả ngày với chiếc máy vi tính để kịp đưa lên mạng báo điện tử những tin tức nóng hổi như Huỳnh Thúc Giáp. Có thể nói, Bình Định là tờ báo địa phương, báo "tỉnh lẻ", song đội ngũ làm báo ở đây đã thoát ra khỏi lối mòn của thời bao cấp; tư duy của họ cũng đã thoát ra khỏi địa giới của Bình Định để bắt kịp với nhịp đi chung của các tờ báo lớn trong cả nước. Có trong tay một đội ngũ phóng viên vừa trẻ, vừa "máu" với nghề như thế, là đang sở hữu một tài sản quý. Chỉ có điều, nếu không biết giữ chân họ bằng những động thái như "chiêu hiền, đãi… nhà báo giỏi" chẳng hạn, thì họ ra đi, tiếc lắm.

Sau lưng tôi hiện nay là 2.000 số báo Bình Định kể từ cái mốc chia tỉnh. Từ một tuần 2 số, giờ đã là 5 số, cộng với tờ Bình Định nguyệt san, tờ điện tử cập nhật hàng ngày; từ nhuận bút một bài báo, giá bằng năm bảy cái nem, vừa uống rượu vừa sợ hết tiền, giờ giá một bài đã là một… rổ nem chợ Huyện, cho nên nói về sự lớn mạnh của Báo Bình Định bây giờ, tôi e hơi thừa. Đúng không các đồng nghiệp của tôi?

. Trần Đăng

(Báo Lao động)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sốt rét ở miền Trung - Tây Nguyên: Vẫn là mối đe dọa lớn   (05/08/2003)
Gian nan nội trú cho học sinh trường chuyên   (05/08/2003)
Những chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính ở Sở Kế hoạch - Đầu tư   (04/08/2003)
Thấy gì qua công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm?   (04/08/2003)
Để thật sự là cầu nối giữa người và việc   (03/08/2003)
Hoài Xuân với công tác Đền ơn đáp nghĩa   (01/08/2003)
Một cô giáo yêu nghề, mến trẻ   (31/07/2003)
An Nhơn với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"  (31/07/2003)
"Tôm tặc" sa lưới   (29/07/2003)
Hậu nấm linh chi ở An Lão   (27/07/2003)
Chuyện về ba phụ nữ vượt lên nỗi đau   (25/07/2003)
Đi tìm đồng đội   (25/07/2003)
Đòn bẩy của năng suất, chất lượng, hiệu quả   (24/07/2003)
Thi công Dự án cấp nước TP Quy Nhơn: Vì sao gặp nhiều trở ngại?   (23/07/2003)
Hè... muôn năm cũ   (22/07/2003)