Báo điện tử - Bước phát triển mới của Báo Bình Định
16:28', 6/8/ 2003 (GMT+7)

Vào ngày đầu tiên của năm 2003, một sự kiện lớn của báo chí tỉnh nhà đã diễn ra: Báo Bình Định điện tử (BĐĐT) chính thức xuất hiện trên mạng Internet toàn cầu. Đây là một cố gắng lớn và là bước phát triển mới của Báo Bình Định nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nắm bắt, cập nhật thông tin của bạn đọc.

* Bước phát triển phù hợp

Hiện nay việc sử dụng Internet đã trở nên phổ biến. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng hệ thống thông tin điện tử. Việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và Internet cũng như báo chí điện tử đang được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Do vậy, có thể nói, việc xây dựng báo BĐĐT là hoàn toàn phù hợp và là một bước cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh về ứng dựng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2001-2005.

Trong cả nước hiện có khoảng 30 tờ báo điện tử, gồm hai dạng: Báo điện tử là phiên bản của các tờ báo in và báo điện tử trực tuyến (như VietNamNet, VnExpress...). Đối với báo Đảng địa phương, hiện có các báo điện tử lên mạng Internet là: Sài Gòn giải phóng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Hà Nội mới... trong đó Báo Bình Định vinh dự là tờ báo Đảng đầu tiên của miền Trung - Tây Nguyên có báo điện tử.

Bước đi tiên phong của Báo Bình Định đã được các đồng nghiệp báo Đảng trong khu vực và cả nước hết sức hoan nghênh, cổ vũ và đặc biệt, đã được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận và chia sẻ. Rất nhiều bạn đọc là người Bình Định xa quê đã khẳng định: Báo BĐĐT thật sự là món ăn tinh thần hằng ngày của họ. Vì thế có thể khẳng định, báo BĐĐT đã góp phần nâng cao uy tín của tỉnh Bình Định nói chung, Báo Bình Định nói riêng; và qua đó đã khẳng định chủ trương xây dựng báo BĐĐT của Ban Biên tập Báo Bình Định là hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin hiện nay. Như vậy, hiện nay ở Bình Định đã đủ 4 loại hình báo chí: báo viết (báo in), báo hình, báo nói (phát thanh) và báo điện tử.

* Nhịp cầu không biên giới

Chúng tôi còn nhớ, tại lễ khai trương báo BĐĐT, ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đã gởi gắm rất nhiều vào báo BĐĐT. Ông nói: "Hình ảnh Bình Định trong lòng cả nước là hình ảnh tươi đẹp của một sứ sở có truyền thống thượng võ và một tinh thần nhân văn tràn đầy, còn vang vọng âm hưởng của vó ngựa Quang Trung, của tiếng trống tuồng Đào Tấn, của trường thơ Bình Định trữ tình, của những chiến thắng lừng lẫy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… Bằng những phương tiện và thế mạnh nghề nghiệp báo chí, nhất là báo điện tử, tôi mong rằng Báo Bình Định hãy nói với cả nước và thế giới rằng Bình Định sẽ không dừng ở mức biến truyền thống thành một thứ trang sức để tự hào, mà là biến truyền thống thành động lực để Bình Định tiến lên không ngừng trong hành trình văn minh của đất nước và nhân loại. Nhân dân Bình Định lam lũ và dũng cảm, giầu nghĩa khí, biết trọng đãi hiền tài, biết sống đúng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết vươn vai xốc tới đầy bản lĩnh và trí tuệ với tinh thần của thời đại hôm nay. Báo Bình Định nói chung, báo BĐĐT nói riêng hãy giới thiệu và tô đẹp thêm truyền thống đó trong lòng bạn đọc gần xa, làm cho người đọc thấy được đằng sau cuộc sống chưa hết gian lao của người Bình Định là những trái tim ấm áp nghĩa tình."

Chính từ gợi ý định hướng đó của ông Nguyễn Xuân Dương, Ban Biên tập Báo Bình Định đã quyết định nội dung của báo BĐĐT phải phần nào khác báo in, vì ngoài mục đích thông tin, báo BĐĐT còn có nhiệm vụ quảng bá về đất nước, con người Bình Định trên mạng toàn cầu; đồng thời có thêm một số chuyên mục mới, như: Bình Định tiềm năng - triển vọng, Chủ trương chính sách mới, Thư Quy Nhơn - Bình Định, Văn học nghệ thuật, Tàu xe đi và đến Bình Định, Dành cho bạn trẻ, Bình Định qua ảnh… Nói cách khác, báo BĐĐT không phải hoàn toàn là phiên bản của tờ báo in như một số báo điện tử của các tờ báo khác.

Trong hơn 7 tháng qua, chúng tôi đã cập nhật tổng cộng gần 2.600 tin, bài, ảnh. Điều đáng mừng là lượng bạn đọc của báo BĐĐT ngày càng tăng. Nếu như trong những ngày đầu, chỉ có khoảng vài trăm lượt bạn đọc truy cập vào báo BĐĐT mỗi ngày thì càng về sau, con số này càng "phình ra" đến mức chính chúng tôi cũng không ngờ tới: Trung bình mỗi ngày có từ 8 đến 10 ngàn lượt truy cập vào website của báo BĐĐT. Thậm chí trong đợt tuyển sinh Đại học vừa rồi (tháng 6-2003), khi báo BĐĐT mở trang Thông tin tuyển sinh để phục vụ cho thí sinh các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, lượng bạn đọc truy cập vào báo BĐĐT tăng đột biến, có những ngày có trên 15 ngàn lượt truy cập. Không dừng lại ở đó, rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước, nhất là những người Bình Định xa quê, đã liên tục điện thoại, gởi thư về để chia sẻ và góp ý cho báo BĐĐT. Qua đó đã khẳng định một điều chắc chắn: Báo BĐĐT đã và sẽ tiếp tục được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận, thật sự là nhịp cầu không biên giới, giúp bạn đọc là người Bình Định xa quê gần gũi hơn với quê nhà qua mỗi lần nhấp "chuột".

* Thay lời kết

So với các loại hình báo chí khác, báo điện tử có các ưu thế vượt trội: Chuyển tải tức thì, khả năng lan truyền không biên giới, tính chất diễn đàn, khả năng siêu liên kết, lưu trữ thông tin và tìm kiếm thuận tiện. Lợi thế và thuận tiện là vậy, nhưng ngược lại công việc làm báo điện tử đòi hỏi khắt khe hơn các loại hình báo chí khác. Đối với báo BĐĐT, dù gặt hái được một số kết quả bước đầu nhưng chúng tôi cũng tự nhận thấy vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Và vì thế, chúng tôi càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng sự tin yêu của bạn đọc, để báo BĐĐT xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trên mạng thông tin toàn cầu. 

. Thúc Giáp

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện vui nhặt ở Quy Nhơn   (06/08/2003)
Sốt rét ở miền Trung - Tây Nguyên: Vẫn là mối đe dọa lớn   (05/08/2003)
Gian nan nội trú cho học sinh trường chuyên   (05/08/2003)
Những chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính ở Sở Kế hoạch - Đầu tư   (04/08/2003)
Thấy gì qua công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm?   (04/08/2003)
Để thật sự là cầu nối giữa người và việc   (03/08/2003)
Hoài Xuân với công tác Đền ơn đáp nghĩa   (01/08/2003)
Một cô giáo yêu nghề, mến trẻ   (31/07/2003)
An Nhơn với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"  (31/07/2003)
"Tôm tặc" sa lưới   (29/07/2003)
Hậu nấm linh chi ở An Lão   (27/07/2003)
Chuyện về ba phụ nữ vượt lên nỗi đau   (25/07/2003)
Đi tìm đồng đội   (25/07/2003)
Đòn bẩy của năng suất, chất lượng, hiệu quả   (24/07/2003)
Thi công Dự án cấp nước TP Quy Nhơn: Vì sao gặp nhiều trở ngại?   (23/07/2003)