|
Một góc KCN Phú Tài (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Khu Công nghiệp (KCN) Phú Tài được đánh giá là một trong những KCN thành công của miền Trung và cả nước. Từ sự thành công của KCN này, đã từng bước giải quyết được việc làm cho một số lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh.
* Đã giải quyết việc làm cho 11.168 lao động
Đến nay, đã có 107 dự án đăng ký đầu tư vào KCN, trong đó, 61 DN đã đi vào hoạt động. Các ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu (25 DN); sản xuất, chế biến đá xuất khẩu (6 DN); sản xuất bao bì carton (4 DN); sản xuất chế biến thức ăn gia súc (3 DN) và một số ngành nghề khác như sản xuất bia, gạch block, cồn, gas, may mặc… Hàng năm, các DN trong KCN đã đóng góp 1/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và các DN này hiện đang giải quyết việc làm cho 11.168 lao động.
Phần lớn các DN này là DN dân doanh nên tùy theo ngành nghề sản xuất, các DN tự đứng ra tổ chức tuyển chọn công nhân cho đơn vị mình. Các DN này, đặc biệt là các DN ngành chế biến lâm sản, do sản xuất theo mùa vụ, nên số lượng công nhân dao động theo từng thời điểm. Giải quyết số lượng lao động nhiều nhất hiện nay là DNTN Duyên Hải (1.271 người), ít nhất là Công ty TNHH Nguyên Đạt (8 người). Mức thu nhập bình quân của công nhân tại KCN khoảng 700.000 đến 800.000 đồng/người/tháng.
* Quản lý lao động: những vấn đề đang đặt ra
Như vậy, với sự hình thành và phát triển của KCN Phú Tài, đã góp phần tạo nên các nhà quản lý kinh doanh có tri thức, năng lực và kinh nghiệm; đồng thời cũng hình thành một đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp, có trình độ kỹ thuật và tay nghề, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lực lượng lao động trong KCN hiện nay hầu hết là lao động trẻ, tuổi đời trung bình từ 25-30 tuổi, có sức khỏe tốt, nhiệt tình với công việc. Tuy nhiên, trình độ tay nghề vẫn còn hạn chế so với nhu cầu. Số lao động có trình độ đại học, cao đẳng là 850 người; trung cấp và công nhân kỹ thuật 1.272 người; còn lại, chủ yếu là lao động phổ thông 9.046 người.
Có những thời điểm công nhân không có việc làm, một số DN đã có hình thức hỗ trợ trả lương cho công nhân để "giữ chân" chờ mùa sản xuất. Nhưng phần lớn các DN chỉ hợp đồng theo thời vụ, dẫn đến tình trạng công nhân tự ý bỏ việc đi làm cho DN khác. Hiện nay, số lao động làm việc theo hợp đồng thời vụ khá đông, khoảng 7.600 người; hợp đồng lao động từ 1 đến 3 năm là 2.183 người; còn lại hợp đồng không xác định thời hạn chiếm tỷ lệ ít, tập trung vào các DN Nhà nước.
Mặt khác, một số công nhân làm việc trong các DN là nông dân tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thêm nên sự gắn bó, ràng buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động lỏng lẻo, tình trạng quản lý lao động thêm khó khăn. Việc thực hiện chính sách với người lao động cũng còn ở mức hạn chế. Việc đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho công nhân còn rất ít. Mới có 44 DN thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân với tổng số công nhân được đóng bảo hiểm xã hội chỉ 2.924 người.
Một số cá nhân vi phạm hợp đồng lao động nhưng vẫn chưa có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng, chưa thông báo rộng rãi nên đã xảy ra trường hợp công nhân vi phạm kỷ luật ở DN này đi đến DN khác lại tiếp tục vi phạm kỷ luật.
Nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của các DN, trong hai năm 2002, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho 5 DN, mức hỗ trợ 50% kinh phí, đào tạo 420 lao động. Năm 2003, dự kiến sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho 7 DN với khoảng 957 học viên và sẽ khai giảng các lớp đào tạo nghề này vào tháng 9.
Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, Công đoàn các KCN đã được thành lập. Đến nay, đã có 16 tổ chức công đoàn các DN trong KCN được thành lập với 1.400 đoàn viên. Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đã được xây dựng.
* Đến 2005, có nhu cầu tuyển dụng thêm 10.000 lao động
Ngoài 61 DN đã hoạt động tại KCN Phú Tài, hiện vẫn còn 47 DN đăng ký đầu tư. Như vậy, từ nay đến năm 2005, nếu các DN này được tạo điều kiện để sớm đi vào hoạt động, số lượng công nhân sẽ tăng thêm khoảng 10.000 người. Khi đó, KCN sẽ có khoảng 20.000 công nhân. Đó là chưa kể các KCN khác của tỉnh sẽ hình thành trong thời gian tới. Đây là một cơ hội lớn với người lao động. Tuy vậy, vấn đề quản lý lao động sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Hồ Văn Hòa, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh, để giải quyết những vấn đề này, thời gian tới, Ban Quản lý các KCN và các DN sẽ có những biện pháp chặt chẽ để quản lý số lao động này đi vào làm việc nề nếp, ổn định hơn; cũng như có biện pháp xử lý những công nhân vi phạm kỷ luật lao động và thông báo rộng rãi trong toàn KCN, đồng thời xử lý những vi phạm của chủ DN với người lao động. Sẽ thành lập thêm khoảng 10 tổ chức công đoàn các DN thuộc KCN, nâng tổng số tổ chức công đoàn trong KCN lên 26. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Bộ luật Lao động. Ông Hồ Văn Hòa khẳng định: "Mục tiêu đặt ra là ít nhất người lao động phải được hưởng 60-70% chế độ theo quy định hiện có của Nhà nước".
. Thu Hà