Tái định cư: Người dân vẫn chưa an cư
16:6', 10/8/ 2003 (GMT+7)

Tái định cư là một tất yếu của những thay đổi diện mạo đô thị Quy Nhơn. Nhưng gắn liền với nó là hàng loạt những số phận người dân cụ thể. Làm sao để sớm ổn định cuộc sống những hộ dân này?

* Tái định cư: bài toán khó giải

Khu tạm cư Xóm Tiêu (ảnh: V.T)

Ông Lê Chánh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng TP Quy Nhơn, tâm sự: "Bây giờ, nói đến xây dựng những công trình, là đụng đến chuyện giải tỏa. Giải tỏa đã khó, nhưng tái định cư cho những hộ dân này cũng khó khăn không kém".

Quả thật, chỉ với một dự án đường Xuân Diệu, đã thấy các nhà quản lý chật vật với bài toán tái định cư. Thực hiện dự án này, sẽ có 2.441 hộ với khoảng 12.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng; 2.284 hộ phải bố trí tái định cư, trong đó có 484 hộ là chủ thuyền và 767 hộ liên quan đến nghề biển. Số hộ bị giải tỏa đợt 1 là 1.550 hộ. Thành phố đã tiến hành xây dựng khu tạm cư khoảng 1.000 hộ tạm cư tại xóm Tiêu (khu vực 4 và 5 phường Quang Trung), còn lại sẽ bố trí nơi khác. Hiện nay, tại Xóm Tiêu, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục: san nền, thoát nước, đường giao thông nội bộ, điện chiếu sáng, cấp nước sinh hoạt… Tuy nhiên, do vướng giải tỏa nên tại khu này hiện mới chỉ xây dựng được khoảng 860 căn, bình quân mỗi căn 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tiến hành quy hoạch thêm đất tái định cư để di dời dân tại khu dân cư đảo 1 Bắc sông Hà Thanh, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án, với diện tích 22,62 ha, quỹ đất tạm cư cho khoảng 1.000 hộ. Tại khu dân cư Đông đường Võ Thị Sáu, có diện tích quy hoạch xây dựng giai đoạn 1 là 4,75 ha, ngoài tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cầu đường Quy Nhơn- Nhơn Hội, còn bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án khác, trong đó có dự án đường Xuân Diệu. Quỹ đất dành cho tái định cư tại khu này khoảng 200 hộ. Ngoài ra, tại các khu quy hoạch dân cư Bông Hồng, Nam sông Hà Thanh, đầm Đống Đa vẫn có quỹ nhà chung cư, tái định cư chuyển nhượng tự do cho các hộ có khả năng và nhu cầu.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hai khu dân cư tại đảo 1 Bắc sông Hà Thanh và khu Đông đường Võ Thị Sáu đến thời điểm này mới triển khai thiết kế các hạng mục hạ tầng như san nền, thoát nước, đường giao thông, điện, cấp nước... Theo kế hoạch, khu Bắc sông Hà Thanh sẽ tiến hành san lấp mặt bằng trong hai năm 2003-2004, khu Đông đường Võ Thị Sáu hiện vẫn chưa triển khai được dự án. Như vậy, hiện vẫn chưa đủ chỗ bố trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong hành lang giải tỏa đợt 1 dự án đường Xuân Diệu.

Ngoài ra, còn phải tính đến việc bố trí tái định cư cho chính các hộ dân bị ảnh hưởng từ các dự án xây dựng các khu tái định cư trên: Dự án khu tái định cư cho dân bị giải tỏa đầu cầu Quy Nhơn- Nhơn Hội có 31 hộ bị ảnh hưởng; Dự án khu dân cư Bông Hồng với 215 hộ bị ảnh hưởng; Dự án khu tái định cư phía Đông đường Võ Thị Sáu với 61 hộ bị ảnh hưởng; Dự án khu quy hoạch dân cư Bắc, Nam sông Hà Thanh… Số lượng hộ như vậy không lớn nhưng không phải không đáng kể trong tình hình quỹ đất hiện nay của thành phố.

* Nhưng vẫn chưa an cư?

Cần nói thêm là với khu Xóm Tiêu, khoảng 1.000 hộ dân nói trên chỉ được bố trí tạm cư trong vài năm. Còn sau đó, họ sẽ đi đâu, về đâu? Theo kế hoạch khi lập dự án đường Xuân Diệu, những hộ có phương tiện tàu thuyền và gắn liền với nghề đánh bắt thủy hải sản, sẽ được bố trí vào khu dân cư Bắc sông Hà Thanh, nơi có điều kiện cho ghe thuyền neo đậu. Nhưng với tiến độ như hiện nay, câu hỏi: "Bao giờ chúng tôi mới được định cư thật sự?" của những hộ dân này xem ra thật khó trả lời.

Hãy trở lại khu tái định cư Nam sông Hà Thanh, nơi tái định cư cho 120 căn hộ bị hỏa hoạn của phường Hải Cảng. Tái định cư từ năm 1998, đến nay họ mới được đồng ý cho hóa giá nhà và chuyển quyền sử dụng đất. Các thủ tục đang được các cơ quan chức năng đang tiến hành lập thủ tục để hoàn thành trong tháng 8 này. Như vậy, sau 5 năm những hộ dân này mới thật sự được định cư.

Lo cho được định cư đã khó, nhưng cái lo nhất với các hộ dân diện bị ảnh hưởng bởi các dự án là vấn đề việc làm. Hàng ngàn hộ dân sống bám vào biển ở phường Trần Phú, nay tạm cư trong những căn nhà phân lô trên ba chục mét vuông, đậu ghe thuyền ở đâu, việc làm như thế nào… là chuyện nan giải. Để rồi vài năm sau, họ lại di dời khỏi nơi tạm cư hiện nay để được tái định cư. Một người dân tâm sự: "Cứ tưởng tượng, với chừng ấy sự thay đổi trong vòng vài ba năm, làm sao chúng tôi yên tâm làm ăn?".

* Tìm đâu lời giải?

Tái định cư bằng nhà chia lô sẽ làm cho bộ mặt đô thị manh mún, khập khiễng, vụn vặt và kéo theo nhiều vấn đề về kiến trúc, đô thị và môi trường. Hơn nữa, chất lượng xây dựng nhà chia lô tại khu nhà tạm tái định cư Nam sông Hà Thanh đã là một vấn đề đáng suy nghĩ. Với nhà chung cư, đây là lựa chọn tất yếu để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân khi quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp, và góp phần tạo sắc thái đô thị hiện đại; nhưng chung cư có lẽ khó thích hợp với những người dân quen với đất đai, ruộng vườn, biển giã. Thực tế cho thấy, người nghèo không quen sử dụng kiểu nhà ở này, thường làm hỏng hóc kỹ thuật: tắc hố xí, nhà tắm…

Thêm vào đó, khi bị mất đi những tư liệu sản xuất cũ mà lại chưa chuẩn bị đào tạo cho họ nghề mới, việc làm mới; tái định cư xong, đời sống của họ sẽ rất khó khăn. Bố trí tái định cư tại một địa điểm phù hợp với điều kiện làm nghề của các hộ dân là yêu cầu chính đáng. Với những hộ làm nông nghiệp, trước khi giải tỏa, di dời, cần có phương án dạy nghề và tạo việc làm mới cụ thể.

Tái định cư là tất yếu của sự phát triển đô thị. Người dân có thể hy sinh nhiều thứ vì cái chung, tuy nhiên, khi đụng đến những số phận cụ thể thì không thể quyết định một cách giản đơn. Các nhà đầu tư cần có một kế hoạch tái định cư được tính toán cụ thể, đầy đủ và phù hợp hơn trước khi khởi công một dự án.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Từ nay đến năm 2005, KCN Phú Tài sẽ có nhu cầu tiếp nhận 10.000 lao động?   (08/08/2003)
Đưa tin học vào nhà trường   (07/08/2003)
Báo điện tử - Bước phát triển mới của Báo Bình Định   (06/08/2003)
Chuyện vui nhặt ở Quy Nhơn   (06/08/2003)
Sốt rét ở miền Trung - Tây Nguyên: Vẫn là mối đe dọa lớn   (05/08/2003)
Gian nan nội trú cho học sinh trường chuyên   (05/08/2003)
Những chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính ở Sở Kế hoạch - Đầu tư   (04/08/2003)
Thấy gì qua công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm?   (04/08/2003)
Để thật sự là cầu nối giữa người và việc   (03/08/2003)
Hoài Xuân với công tác Đền ơn đáp nghĩa   (01/08/2003)
Một cô giáo yêu nghề, mến trẻ   (31/07/2003)
An Nhơn với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"  (31/07/2003)
"Tôm tặc" sa lưới   (29/07/2003)
Hậu nấm linh chi ở An Lão   (27/07/2003)
Chuyện về ba phụ nữ vượt lên nỗi đau   (25/07/2003)