Còn đó nạn chảy máu động vật rừng!
16:58', 12/8/ 2003 (GMT+7)

Vì có thu nhập cao, những người chuyên săn bắt động vật hoang dã đã không màng nguy hiểm lặn lội vào sâu trong rừng những mong gặp được vài con thú quí hiếm. Cũng vì "siêu lợi nhuận" mà những người chuyên kinh doanh, mua bán động vật hoang dã chẳng sợ pháp luật. Và như thế, máu của các loài động vật hoang dã vẫn không ngừng chảy!

* Chuyện kể của các phường săn

Anh Trần Văn S., một người chuyên săn bắt động vật hoang dã ở huyện Vĩnh Thạnh, không dấu giếm cho biết: "Hiện nay mọi cánh rừng đều đã cạn thú rồi. Mọi năm chỉ cần đặt bẫy ngoài bìa rừng thôi nhưng vẫn bắt được nhiều thú. Còn bây giờ thì phải đi thật sâu vào các khu rừng đặt bẫy thì may ra mới dính được vài con mồi. Ở khu vực thủy điện Vĩnh Sơn trước đây là "giang sơn" của loài rùa quí hiếm: rùa hộp (rùa vàng), thế nhưng bị bắt ráo riết quá chúng không kịp đẻ nên giờ hầu như đã bị tận diệt. Thế nhưng bù lại, giá cả mọi loài thú đều tăng cao hơn trước gấp nhiều lần, nên dù bẫy được ít thú nhưng vẫn kiếm ăn được!". Theo những thợ săn thì những loài càng quí hiếm, giá cả càng cao. Những loài bình thường nhất như mang, cheo... cung cấp cho các quán đặc sản thôi cũng đã kiếm được kha khá: con mang có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi con kiếm chắc từ 200.000 - 300.000 đồng! Thịt cheo thấp hơn nhưng cũng kiếm được từ 50.000 - 60.000 đồng/con. Nếu chuyến nào "son", bẫy được nai hoặc heo rừng thì "trúng" hơn! Thực đơn ở các quán nhậu thịt rừng cũng rất phong phú, muốn nhậu thịt con gì cũng có.

Đó chỉ là mới nói đến những loài thú rừng cung cấp cho nhu cầu ẩm thực, nếu phường săn nào gặp được những con thú quí hiếm đang được thị trường Trung Quốc "ăn" mạnh như: beo, tê tê... thì mới gọi là "trúng quả"! Một ký thịt hơi tê tê được thu mua với giá hơn 600.000 đồng/kg. Còn nếu phường săn nào "may mắn" hơn bẫy được loài thú "sách đỏ" như Gấu ngựa (ở miền Trung còn gọi là Gụ lợn) thì coi như trúng số độc đắc! Mà chuyện này cũng rất thường xảy ra đối với những phường săn chuyên nghiệp. Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đã từng phát hiện và thu hồi được nhiều con Gấu ngựa như thế. Vụ gần đây nhất xảy ra vào tháng 8-2002, từ nguồn tin báo của nhân dân, lực lượng kiểm lâm Vĩnh Thạnh phục kích và phát hiện một số thợ săn đang khiêng 1 con gấu ngựa nặng 14kg. Biết mình đang bị truy bắt, phường săn đã bỏ của chạy lấy người. Con gấu sập bẫy bị thương 1 chân trước được đưa về nuôi và dưỡng thương tại hạt kiểm lâm và sau đó chuyển cho công viên sinh thái.

Hiện nay, nhu cầu cung ứng cho các quán nhậu đặc sản rừng ngày càng tăng cao nên những chiếc bẫy làm bằng dây thắng xe Honda và dây thép (bẫy được cả heo rừng) được các phường săn thường xuyên đặt dày cả những cánh rừng trên các lối mòn các loài thú thường đi. Bên cạnh đó giá cả các loài rắn nghe cũng "nóng lạnh" lắm. Loại rắn "bèo" nhất là rắn lãi, thời cao điểm (mùa mưa là mùa đi rắn sang Trung Quốc mạnh do thời tiết mát mẻ, rắn ít bị chết) cũng bán được hơn 100.000 đồng/kg. Các loại rắn hổ chúa, hổ sơn, mái gầm (cạp nia) hiện có giá đến 560.000 đồng/kg (vào mùa mưa còn cao hơn). Con nhỏ nhất cũng nặng vài ba kg, có nhiều con nặng đến trên 10kg. Bắt được vài con rắn thuộc chủng loại xuất khẩu này thì khoản tiền kiếm được bằng người làm ruộng dành dụm cả đời. Bởi thế, mặc dù ở khắp nơi đã xảy ra nhiều vụ bắt rắn bị rắn cắn chết, nhưng hiện vẫn còn nhiều người "nhắm mắt" lao vào cái nghề nguy hiểm này.

Anh Nguyễn Văn Đ. ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) - một thợ bắt rắn cho biết: "Làm nghề này phải trở nên chuyên nghiệp thì mới tồn tại được. Những loại rắn không độc như hổ hành, rắn lãi... thì thoải mái bắt bằng tay trần. Còn những loại rắn độc như hổ chúa, hổ sơn, mái gầm... thì phải bắt bằng dụng cụ chuyên dụng: dây thòng lọng hoặc kích điện chứ sơ xuất một chút là bỏ mạng ngay. Chỉ trong vòng 1 năm (1996) mà ở quê tôi đã có đến hàng chục thợ bắt rắn bị chết do rắn độc cắn".

* Con đường "hành phương Bắc"

Từ rừng ra, những con thú lập tức được đưa về các điểm thu mua. Trước đây, những tấm bảng "Tại đây có thu mua rắn, rùa..." được dựng lên nhan nhản khắp nơi. Bây giờ những tấm bảng ấy đã được dẹp đi, nhưng hoạt động bên trong vẫn không kém phần sôi động. Mỗi điểm thu mua đều có của riêng mình một số bạn hàng ruột, đến hẹn lại tới, giá cả sòng phẳng tùy thời điểm. Từ những điểm thu mua này, lũ thú lại được chuyển đến các đại lý lớn. Để qua mắt ngành chức năng, lũ thú được cho vào những túi xách du lịch nhiều kích cỡ tùy con thú to nhỏ. Sau khi thu gom đủ chuyến hàng đi Trung Quốc, những con thú được các đại lý cho vào những chiếc thùng gỗ đóng thưa có lót xốp được đục nhiều lỗ thông hơi. Anh Lê Đình H. ở Nhơn Hưng (An Nhơn) kể chuyện: "Tôi từng một thời "sắm vai" người đóng hàng cho một chủ hàng chuyên đi động vật hoang dã sang Trung Quốc. Những năm còn "thong thả" (cách đây 5-6 năm), đêm nào cũng đi một chuyến hàng từ 7-8 sọt các loại thú: ba ba, kỳ đà, tê tê, chồn hương... Thậm chí có chuyến có cả beo con. Lúc ấy hàng đi chủ yếu bằng xe đông lạnh. Xe đến, chúng tôi phải dỡ hết hàng đông lạnh trên xe ra, cho các sọt hàng thú vào sâu trong xe (sau lưng tài xế) rồi xếp hàng đông lạnh ra ngoài...".

Để qua mắt ngành chức năng suốt một chặng đường dài hơn vài ngàn cây số, những lái buôn động vật hoang dã có 1001 cách ngụy trang. Lợi dụng những chuyến xe chở chó đi Trung Quốc (mà ở Bình Định có đến vài chục đại lý thu mua chó), những thùng thú rừng được xếp làm "nhân" giữa những giỏ chó. Mùi "chó" sẽ át hết mùi hôi của thú rừng nên khi bị kiểm tra khó phát hiện được. Bây giờ, khi việc truy bắt gắt gao hơn thì cách ngụy trang của họ cũng tinh vi hơn. Quy mô mỗi chuyến đi cũng được xé lẻ, thú không được đóng trong thùng nữa mà được cho vào bao chuyên dụng, một lớp lưới bên trong, ở ngoài bọc một lớp bao tải để dễ dấu kín nhưng không gây ngạt thở cho lũ thú. Có chủ hàng dùng những chiếc vây đựng lúa đan bằng tre (còn gọi là cà tăng) cắt rỗng chính giữa, khi cuộn lại 2 đầu thấy kín như một mặt hàng buôn bán phục vụ nông nghiệp, nhưng thực chất ở giữa là những bao động vật hoang dã. Thậm chí với những chủ hàng lớn vốn, có xe du lịch riêng thì lũ thú lại được đi xe du lịch. Những chiếc xe du lịch ấy được ngụy trang thành xe đám cưới (có cô dâu chú rể và họ hàng trên xe hẳn hoi), lũ thú cũng được xịt nước hoa để át mùi hôi khi qua những trạm kiểm soát.

Cứ thế, các loại động vật hoang dã (trong đó có không ít các loài có tên trong sách đỏ) của những cánh rừng Việt Nam liên tục "chảy" sang Trung Quốc. Mặc dù các cấp ngành chức năng đã có nhiều cố gắng ngăn chặn nhưng nạn vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã vẫn không thuyên giảm. Có chủ hàng vừa bị bắt đã tổ chức đi chuyến khác ngay. Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 5 và tháng 6-2003), tại cùng một địa điểm đội 12, thôn An Ngãi, xã Nhơn Hưng, đội cơ động của hạt Kiểm lâm huyện An Nhơn đã bắt 2 vụ cận chuyển trái phép động vật hoang dã của cùng một chủ hàng, tịch thu thả vào rừng hơn 50kg rắn, rùa.

Một nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại "bền bỉ" của nạn mua bán trái phép động vật hoang dã là do ngành chức năng của một số địa phương chưa xử lý thích đáng những vụ vi phạm, gây nên tâm lý "tự tin" cho những đối tượng mua bán. Thậm chí chính quyền một số địa phương "có biết" những hoạt động mua bán động vật hoang dã trên địa bàn, nhưng vì lý do nào đó cứ làm như "không biết", còn nhân dân chung quanh dù muốn báo cho ngành chức năng nhưng lại sợ "tư thù"! Và cứ như thế thì chắc chắn một ngày gần đây, những cánh rừng sẽ không còn bóng dáng một con thú.

. Vũ Đình Thung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Heo xuống giá, người chăn nuôi khó khăn   (11/08/2003)
Tái định cư: Người dân vẫn chưa an cư   (10/08/2003)
Từ nay đến năm 2005, KCN Phú Tài sẽ có nhu cầu tiếp nhận 10.000 lao động?   (08/08/2003)
Đưa tin học vào nhà trường   (07/08/2003)
Báo điện tử - Bước phát triển mới của Báo Bình Định   (06/08/2003)
Chuyện vui nhặt ở Quy Nhơn   (06/08/2003)
Sốt rét ở miền Trung - Tây Nguyên: Vẫn là mối đe dọa lớn   (05/08/2003)
Gian nan nội trú cho học sinh trường chuyên   (05/08/2003)
Những chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính ở Sở Kế hoạch - Đầu tư   (04/08/2003)
Thấy gì qua công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm?   (04/08/2003)
Để thật sự là cầu nối giữa người và việc   (03/08/2003)
Hoài Xuân với công tác Đền ơn đáp nghĩa   (01/08/2003)
Một cô giáo yêu nghề, mến trẻ   (31/07/2003)
An Nhơn với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"  (31/07/2003)
"Tôm tặc" sa lưới   (29/07/2003)