|
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Bình Định - nơi diễn ra Hội chợ Việc làm. |
Ngày 15-8, Hội chợ (HC) Việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất chính thức khai mạc. Những cơ hội nào đang chờ người lao động khi đến với HC? Công tác chuẩn bị đến đâu? Trước giờ khai mạc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh.
- Thưa ông, đến thời điểm này, đã có bao nhiêu doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia hội chợ với bao nhiêu vị trí cần tuyển dụng? Những nghề nào được rao tuyển dụng nhiều nhất?
+ Đến hết ngày nhận đăng ký tham gia HC đã có 56 đơn vị, DN đăng ký tham gia. Số lao động các đơn vị đăng ký tuyển trên 18.000 người. Trong đó, có 14 DN ngoại tỉnh, 28 DN trong tỉnh, 3 trung tâm dịch vụ việc làm và 11 cơ sở đào tạo nghề. Lao động mà các đơn vị, DN đăng ký tuyển tại Hội chợ tập trung chủ yếu là lao động cho nghề may mặc xuất khẩu, chế biến gỗ tinh chế xuất khẩu, điện tử, cơ khí, xây dựng và tuyển lao động đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia… Ban đầu, Ban tổ chức chỉ dự kiến có khoảng 40 đơn vị, DN với khoảng 50 gian hàng và nhu cầu tuyển khoảng 10.000 người. Như vậy, số các đơn vị đăng ký tham gia HC và số lượng lao động đăng ký tuyển tại HC đã vượt dự kiến ban đầu.
- Còn về công tác chuẩn bị, đã tiến hành đến đâu, thưa ông?
+ Công tác chuẩn bị đã được triển khai đúng kế hoạch. Ban tổ chức HC đã phổ biến nội dung HC, nhu cầu tuyển dụng lao động, tuyển sinh của các đơn vị, DN đến các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động của các hội đoàn thể, đặc biệt là trong lực lượng thanh niên. Ban tổ chức đã lắp đặt và giao gian hàng cho các DN trang trí, chuẩn bị. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
- Người lao động khi đến Hội chợ có thể hy vọng được gì?
+ Vấn đề đáng quan tâm nhất với người lao động khi đến với HC Việc làm là tìm kiếm được việc làm phù hợp. Sẽ có trên 8.000 cơ hội tìm việc làm trong nước cho mọi trình độ, nghề nghiệp, từ kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, các nhà làm công tác quản lý DN, công nhân kỹ thuật lành nghề đến lao động phổ thông chưa qua đào tạo; cũng như có trên 3.000 cơ hội để đi làm việc ở nước ngoài và gần 7.000 cơ hội chọn lựa để học nghề phù hợp tại các cơ sở dạy nghề. HC cũng là nơi giúp người lao động, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nắm bắt được những thông tin về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhu cầu lao động cho các chương trình, dự án qua từng năm; những ngành nghề thu hút được nhiều lao động; những ngành nghề có thu nhập cao… từ đó sẽ định hướng cho người lao động, các bậc phụ huynh và con em họ trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
- Đến giờ phút này ông có tin tưởng về kết quả của Hội chợ hay không?
+ Ngay từ đầu, Ban tổ chức HC cũng đã lường trước những khó khăn, vì Bình Định là tỉnh nông nghiệp, các ngành công nghiệp, dịch vụ những năm gần đây có phát triển nhưng chưa mạnh, nhu cầu lao động của các DN chưa nhiều so với nguồn lao động của tỉnh. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Bình Định tổ chức HC Việc làm nên chưa có kinh nghiệm. Người lao động lại chưa có thói quen tìm việc làm tại HC. Do vậy, Ban tổ chức rất quan tâm đến công tác chuẩn bị, vận động các DN trong và ngoài tỉnh, các cơ sở dạy nghề tham gia HC.
Mặt khác, ngoài các DN tham gia tuyển dụng lao động và tuyển sinh học nghề, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh cũng tổ chức hội trại thanh niên với chủ đề Thanh niên với việc làm bên cạnh HC, nhằm hỗ trợ cho thanh niên, học sinh, sinh viên tiếp cận với các DN, các cơ sở đào tạo nghề để nhanh chóng tìm được việc làm, tìm được cơ hội học nghề phù hợp. Qua số DN đăng ký tham gia HC và công tác chuẩn bị, tôi tin rằng HC sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra.
- Xin cảm ơn ông!
. Lê Viết Thọ (Thực hiện) |