|
Khu nội trú trường chuyên Lê Quý Đôn |
Sau khi Báo Bình Định đăng bài "Gian nan nội trú cho học sinh trường chuyên", phản ảnh việc nhiều phụ huynh (PH) đã xin rút tên con em họ ra khỏi danh sách học sinh (HS) của trường chuyên Lê Quý Đôn chỉ vì không có… chỗ ở nội trú, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi bạn đọc và của cơ quan chức năng. Hiện nay số HS xin rút đã "chững" lại do trường Lê Quý Đôn đang thực hiện nhiều hình thức "giữ chân". Tuy nhiên, tìm hiểu thêm, chúng tôi nhận thấy vụ việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau đây là ý kiến của một số người trong cuộc.
* Từ sự chủ quan của PH và HS
Khi chúng tôi tiếp xúc và đề cập đến vấn đề nội trú cho con em mình trong quá trình học tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, câu trả lời là hầu như không một PHHS nào tìm hiểu kỹ chuyện ăn, ở của con em mình. Đến lúc trúng tuyển và nộp đơn vào học, cả PH lẫn HS đều phải một phen "dở khóc dở cười". Chị Hạnh (Phước Hưng, Tuy Phước) cho biết: Vì nhà ở xa nên trước khi cho con thi vào trường, tôi cũng không rõ lắm về chuyện này. Hơn nữa, nghe nói ở trường có khu nội trú dành cho HS ở huyện về, cũng không đến nỗi nào nên gia đình chủ quan.
Có thể nói, đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều PH và HS rơi vào trường hợp như mẹ con chị Hạnh. Trong khi HS còn chưa biết lo lắng đến chỗ ở thì PH lại chỉ lo bồi dưỡng kiến thức cho con để nhắm vào đích cuối cùng. Mê mải dồn sức lực cho kết quả thi, các PH quên mất rằng, điều đầu tiên không kém phần quan trọng là phải ổn định được môi trường ăn, ở đảm bảo cho con mình học tập.
Dù đã biết trường không thể giải quyết chỗ nội trú mới để con ở ngoài được vài ngày; sáng 12-8, anh Nguyễn Chiểu từ thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) vẫn hớt hải cầm trên tay một xấp giấy chứng nhận để vào trường "tiếp tục" xin... nội trú cho con vì theo anh, việc ăn ở ngoại trú không đảm bảo, phức tạp trong các mối quan hệ với người xung quanh...
Với các em HS, chuyện buộc phải rút tên ra khỏi trường gần như một cú sốc. Trong suy nghĩ của Hùng (Văn Quang, Phước Quang, Tuy Phước), em muốn vào học ở trường bởi ở đây tập trung thầy cô giáo giỏi và có nhiều cơ hội cọ xát cùng với các bạn học giỏi. Nhưng bây giờ, Hùng đang ngồi trước mặt chúng tôi với nụ cười thật buồn. Gia đình Hùng chỉ cho cậu học thử một năm. Nếu sau này vẫn ở ngoại trú thì phải về học ở trường THPT Tuy Phước I. Khi chúng tôi hỏi có tìm hiểu trước chuyện ăn ở trong nội trú, Hùng cho biết: "Lúc mới nộp đơn vào thi, em đã có nghe nói chuyện nội trú nhưng vì chỉ lo cố gắng thi đậu vào trường nên cũng không để ý mấy". Hùng chấm dứt cuộc trò chuyện bằng một câu nói: "Em đã cố gắng học để thi vào trường này, vậy mà đến phút cuối lại không được, tiếc lắm!"
* Đến chuyện của những người trong cuộc
Trả lời câu hỏi liệu PH và HS có được thông báo trước về thực tế chỗ ở nội trú, ông Phạm Quang Bắc cho biết: "Khu nội trú nhà trường mới xây chỉ chứa được 60 HS nên ngay khi thu nhận hồ sơ thi vào, nhà trường đã có thông báo trước đến PH thông qua HS và giáo viên ở trường PTCS. Tuy nhiên, nhà trường thấy có rất ít ý kiến quan tâm từ phía PH và HS". Lý giải vấn đề này, ông cho biết thêm, trước đây, số HS ở xa về của 3 khối lớp còn ít nên các em có chỗ ở trong khu nội trú. Nhưng năm học 2003-2004, HS các huyện "đổ xô" về đầu quân cho trường nên con số này tăng rất nhanh. Trong 287 HS thì đã có hơn phân nửa số HS vào trường là ở các huyện. Điều kiện sống khác, đi lại thăm nom khó khăn nên PH chỉ yên tâm khi con mình nằm trong sự quản lý của nhà trường. Vì đã dự tính trước chuyện này nên ngay khi vừa có bản thiết kế khu nội trú, nhà trường đã có kiến nghị lên Sở GD-ĐT cho xây thành 2 tầng nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên không được Sở chấp nhận.
Mặc dù có khá nhiều HS "rậm rịch" rút tên ra khỏi danh sách học ở trường chuyên Lê Quý Đôn nhưng Sở GD-ĐT hầu như không nắm rõ. Theo ông Võ Tiến Bộ - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT): "Trong dự kiến của Sở GD-ĐT khi cho xây dựng khu nội trú thì HS ở huyện về chỉ chiếm một phần nhỏ. Nếu số HS quá đông thì phải xét ưu tiên HS gia đình chính sách và gia đình nghèo". Điều này là không sai nhưng xét trong thực tế, nhiều hộ gia đình không rơi vào diện nghèo có "sổ" chứng nhận của địa phương nhưng lại rơi vào diện nghèo không đủ điều kiện để con theo học (lại là HS học xa nhà).
* Lời kết
Ngay sau khi Báo Bình Định phản ảnh về chuyện thiếu chỗ ở nội trú cho học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo trường lập ngay đề án khắc phục và Ban giám hiệu nhà trường cũng đã gửi tờ trình đề xuất giải pháp lên UBND tỉnh. Theo đó, trường đề nghị được nâng tầng khu nội trú hiện có; còn trước mắt nhà trường động viên các em tự túc tìm nơi ở tạm.
Đó là những động thái hết sức kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, đến bao giờ trường Lê Quý Đôn mới thật sự có được một khu nội trú đảm bảo chỗ ở cho HS ở xa (?!). Câu hỏi này hiện nay rất khó tìm câu trả lời bởi theo ông Võ Tiến Bộ "cũng chỉ biết trông chờ vào nguồn kinh phí".
Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn ra đây tâm sự của ông Trần Hà Nam - giáo viên trường Lê Quý Đôn: "Các em thi vào trường tức là đã chứng minh được năng lực học tập của mình. Thầy trò chúng tôi hy vọng chuyện này sớm được khắc phục, khi đó chúng ta sẽ không mất đi quá nhiều nhân tài".
Vâng, chúng tôi cũng hy vọng như ông Trần Hà Nam là việc giải quyết chỗ ở nội trú cho HS ở trường Lê Quý Đôn sớm được khắc phục, để những tài năng tương lai của Bình Định không bị thui chột chỉ vì... một chỗ ở.
. Lê Thu Hiền
|