Những người lưu giữ ký ức
16:52', 17/8/ 2003 (GMT+7)

Họ là những người đọc lịch sử qua lớp phủ của thời gian, nhận chân giá trị của hôm nay từ quá khứ đã chìm sâu dưới lòng đất. Những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng - tôi muốn gọi họ là những người lưu giữ ký ức.

* Góp nhặt cát đá

Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, mở đầu câu chuyện: "Chúng tôi cứ như những con ong, cần mẫn góp nhặt, vậy thôi. Vất vả, nhưng thấy gắn bó, bởi yêu ngành, yêu nghề".

Quả thật, mới nhìn qua công việc của họ - những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng - tưởng là đơn giản, nhưng càng tìm hiểu mới thấy, nếu không có tình cảm gắn bó với nghề thì không dễ trụ lại được.

Này nhé, bắt đầu là chuyện khảo cổ. Hết khảo sát, thám sát rồi khai quật; nghĩa là cứ phải đào bới, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đúng nghĩa, mới hy vọng tìm ra chút gì từ quá khứ đã chìm sâu vào lòng đất. Có mặt tại các đợt khai quật khảo cổ học ở Gò Hời (Tây Vinh- Tây Sơn), Động Cườm (Tam Quan Nam- Hoài Nhơn)… dưới cái nắng, nóng như đổ lửa của miền Trung, chúng tôi mới thấy hết sự vất vả của công việc này. Tiếp đến là các công đoạn xử lý hiện vật, phải tiếp xúc với đủ loại hóa chất để xử lý; lập hồ sơ trưng bày… Và việc không thể thiếu là lo trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích. Hết đợt khai quật này đến đợt khai quật khác; hết bộ sưu tập này đến bộ sưu tập khác… công việc nối công việc, tưởng như không bao giờ có điểm kết thúc cho những cố gắng không mệt mỏi.

Nay thì trong tay Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có 12.000 hiện vật. Đây là một con số có ý nghĩa khi mà mỗi năm, kinh phí dành cho công tác sưu tầm hiện vật chỉ ở mức chừng 30 -35 triệu đồng. Trong đó, có những bộ sưu tập khá hấp dẫn. Chẳng hạn, bộ sưu tập trống đồng tìm thấy tại Bình Định. Toàn tỉnh hiện có 13 trống đồng thì Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có 9 cái, trong đó, phần lớn là trống đồng Heger loại I. Hay như bộ sưu tập tượng, phù điêu Champa với hàng trăm hiện vật, đủ loại hình dạng, kích cỡ, từ tượng tròn đến phù điêu, lớn nhỏ. Bộ sưu tập này được tập hợp từ các huyện, từ những phát hiện rải rác tại các tháp đổ trên địa bàn tỉnh, nên khá phong phú và đa dạng. Trong đó, không ít hiện vật quý giá như: phù điêu nữ thần Mahisamardini, phù điêu nam thần Brahma… Rồi bộ sưu tập gốm Gò Sành Bình Định với hàng ngàn hiện vật. Gốm với nhiều hình dáng, kích cỡ, loại hình, được sưu tầm từ các đợt khai quật khảo cổ học tại Gò Sành, Gò Hời. Mới nhất là bộ sưu tập mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh khá đa dạng với chum táng, mộ nồi cùng nhiều hiện vật tùy táng đặc trưng như hạt cườm, mã não, dọi xe chỉ, rìu sắt, chỉa bắt cá…

Ngoài ra, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang quản lý về mặt chuyên môn các di tích trong tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 231 di tích, trong đó, 55 di tích đã được xếp hạng với 29 di tích cấp quốc gia. Những năm qua, một số di tích đã được trùng tu, tôn tạo, bảo vệ như tháp Đôi, tháp Bánh Ít và sắp tới sẽ là tháp Dương Long, Cánh Tiên, đình làng Vinh Thạnh, mộ Đào Tấn, lăng Mai Xuân Thưởng, di tích thảm sát Bình An… cùng loạt các di tích khác được chống xuống cấp, trong đó có một phần đóng góp công sức của cán bộ Bảo tàng.

* Ấp ủ những dự định

Ngoài việc tiếp tục làm phong phú thêm các bộ sưu tập đã có, Bảo tàng đang sưu tầm hiện vật để hình thành các bộ sưu tập khác. Chẳng hạn: bộ sưu tập dân tộc học về văn hóa các tộc người trên đất Bình Định; bộ sưu tập về các ngành nghề truyền thống trên đất Bình Định từ hiện vật đến tranh ảnh mô tả kỹ thuật, các công đoạn làm ra sản phẩm; bộ sưu tập giới thiệu về võ cổ truyền Bình Định gồm các loại binh khí, môn võ, những bài thiệu và hình ảnh về các làng võ, lò võ dân gian; bộ sưu tập về nghệ thuật hát bội Bình Định với hiện vật là các phục trang, hình ảnh mặt nạ tuồng và các đạo cụ phục vụ biểu diễn… Phục dựng lại nhà lá mái, nhà ở dân gian truyền thống của người Bình Định, cũng là một trong những mong muốn của họ, nhưng hiện vẫn chưa có điều kiện để tiến hành.

Những dự định, ấp ủ cho tương lai chính là những động lực, để họ vượt qua những khó khăn, góp phần vào mục tiêu chung: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hơn thế, khi hoạt động du lịch của tỉnh phát triển, chính những di tích, những bộ sưu tập mà họ đang bảo vệ, lưu giữ mới chính là yếu tố có sức nặng để thu hút, giữ chân du khách.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hôi chợ Việc làm tỉnh Bình Định được tổ chức sinh động, thiết thực   (16/08/2003)
Thu hoạch ngày đầu tiên từ Hội chợ Việc làm   (16/08/2003)
Những người "trong cuộc" nói gì?   (15/08/2003)
Cơ hội làm việc và học nghề cho người lao động đang đến  (14/08/2003)
Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ nói gì?  (14/08/2003)
Nhà nước và nhân dân cùng... chỉnh trang đô thị   (13/08/2003)
Còn đó nạn chảy máu động vật rừng!   (12/08/2003)
Heo xuống giá, người chăn nuôi khó khăn   (11/08/2003)
Tái định cư: Người dân vẫn chưa an cư   (10/08/2003)
Từ nay đến năm 2005, KCN Phú Tài sẽ có nhu cầu tiếp nhận 10.000 lao động?   (08/08/2003)
Đưa tin học vào nhà trường   (07/08/2003)
Báo điện tử - Bước phát triển mới của Báo Bình Định   (06/08/2003)
Chuyện vui nhặt ở Quy Nhơn   (06/08/2003)
Sốt rét ở miền Trung - Tây Nguyên: Vẫn là mối đe dọa lớn   (05/08/2003)
Gian nan nội trú cho học sinh trường chuyên   (05/08/2003)