|
Tranh vẽ cảnh khởi nghĩa cướp chính quyền ở Quy Nhơn trong Cách mạng tháng Tám (ảnh chụp lại) |
Cách đây vừa đúng 58 năm, trong khí thế sục sôi, cuồn cuộn của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bình Định đã vùng lên giành chính quyền thắng lợi, góp phần vào thành công của Cách mạng tháng Tám – một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 58 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi xin kể lại không khí sục sôi tại Bình Định trong những ngày tháng Tám lịch sử đó.
Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, thời cơ nổi dậy của các nước châu Á đã đến. Ngày 13-8-1945, tại Hội nghị Tân Trào, Trung ương Đảng đã kêu gọi chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã gởi "Thư kêu gọi quốc dân": Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Chúng ta không được chậm trễ.
Từ 15-8-1945, tại Quy Nhơn đã rầm rộ diễn ra các cuộc mít tinh, cổ động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Một số đội tự vệ cứu quốc ráo riết tập luyện quân sự, bên cạnh đó là các hoạt động vận động các tầng lớp nhân dân đứng lên tham gia khởi nghĩa và thu được nhiều kết quả. Chiều 21-8, gần 1 ngàn quần chúng đã tham gia mít tinh tại bến xe Quy Nhơn, vừa tập dượt vừa thăm dò phản ứng của Nhật và chính quyền bù nhìn. Đến sáng 23-8, cả Quy Nhơn sục sôi khí thế cách mạng. Hàng ngàn công nhân, người lao động và các tầng lớp nhân dân giong trống mở cờ từ các nơi, mang theo cờ đỏ sao vàng và các loại vũ khí thô sơ, rầm rập tiến về Quy Nhơn. Tại sân vận động Quy Nhơn, sau khi Ủy ban khởi nghĩa đọc lời hiệu triệu, quần chúng nhân dân đã nhất tề xông lên khởi nghĩa. Trong khí thế ngất trời, lực lượng quần chúng (có các đội tự vệ cứu quốc đi đầu) đã chia thành 2 đoàn tiến chiếm 2 mục tiêu quan trọng là Đốc bộ đường và Tòa đốc lý rồi hợp lại chiếm trại bảo an tỉnh. Trước khí thế sục sôi của quần chúng, tại Đốc bộ đường, tỉnh trưởng Phạm Phú Tiết xin nạp ngay ấn tín, kiếm lệnh cùng toàn bộ hồ sơ, tài sản và các công sở cho nhân dân. Tại đồn bảo an, trước khí thế áp đảo của quần chúng, tên đồn trưởng đã phải nạp vũ khí, giao đồn và kho tàng cho Việt Minh. Tiếp đến, quần chúng chia thành nhiều toán đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Sau đó, tại khu đất đối diện với Đốc bộ đường (nay là Bệnh viện TP Quy Nhơn), quần chúng tham gia cuộc mít tinh chào mừng việc thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ do đồng chí Võ Xán làm Chủ tịch.
|
Tranh vẽ cảnh khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hoài Nhơn trong Cách mạng tháng Tám (ảnh chụp lại) |
Trong khi đó, tại huyện Bình Khê (Tây Sơn), ngay từ đầu tháng 8-1945, lực lượng của Ủy ban vận động Việt Minh gần như đã làm chủ tình hình tại thị trấn Phú Phong. Ngày 22-8, Ủy ban khởi nghĩa Bình Khê huy động tự vệ của hãng Delignon tước vũ khí đơn vị lính bảo an do Nhật đưa lên. Sáng 23-8, 200 công nhân và tự vệ cứu quốc của huyện Bình Khê xuống Quy Nhơn tham gia cướp chính quyền tỉnh lỵ. Ngày hôm sau, hơn 3 ngàn quần chúng yêu nước, có tự vệ cứu quốc dẫn đầu, sôi sục tiến về huyện lỵ. Quần chúng chiếm huyện đường, buộc tri huyện Bình Khê giao ngay chính quyền cho Việt Minh. Còn tại Hoài Ân, ngày 24-8, đoàn đại biểu của Ủy ban khởi nghĩa huyện đột nhập huyện đường, buộc tri huyện giao ấn tín và sổ sách cho Việt Minh. Đây cũng được xem là ngày khởi nghĩa của huyện Hoài Ân. Từ 26 đến 28-8, nhiều làng xã của 3 tổng Quy Hóa, Phú Hữu và Kim Sơn, được cán bộ Việt Minh huy động, quần chúng đã đứng lên tước bằng triện của lý hương, làm chủ xã thôn. Ngày 26-8, trong cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng ngàn đồng bào, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hoài Ân được thành lập. Ngay sau đó, Ủy ban đã huy động lực lượng tước vũ khí đồn bảo an An Lão.
Hoài Nhơn là nơi có phong trào Việt Minh mạnh của tỉnh Bình Định. Đến giữa tháng 7-1945, quần chúng ở nhiều làng đã gần như hoạt động công khai. Từ 21-8, cả Hoài Nhơn sục sôi khí thế cách mạng. Tại những làng xã thuộc các tổng Vân Sơn, Tài Lương, An Sơn, Trung Yên…, chính quyền bù nhìn tan rã, bọn tổng lý tìm cán bộ Việt Minh để giao bằng, triện. Ngày 24-8, Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn huy động quần chúng 3 tổng phía Bắc biểu tình thị uy mấy ngày liền. Ngày 26-8 tại Bồng Sơn, hàng ngàn quần chúng có tự vệ dẫn đầu đã biểu tình thị uy, đi từ An Sơn xuống Tài Lương, Trường An và chặn tịch thu súng của bọn bảo an đồn Tam Quan đang rút chạy. Đến ngày 29-8, tại sân vận động Bồng Sơn, hơn 5 ngàn quần chúng lại tham gia cuộc mít tinh thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Hoài Nhơn. Cùng ngày, quần chúng đã chiếm các công sở của ngụy quyền, tước vũ khí của bọn lính bảo an đồn Bồng Sơn.
Tại các địa phương còn lại như Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn…, trước khí thế cuồn cuộn của quần chúng, ngụy quyền bù nhìn tại các huyện này đã giao chính quyền cho Việt Minh. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần lễ, từ 23 đến 31-8-1945, nhân dân Bình Định đã vùng lên giành chính quyền toàn tỉnh thắng lợi; bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến từ làng, xã đến huyện, tỉnh bị sụp đổ hoàn toàn trước cơn bão táp cách mạng của quần chúng. Ngày 3-9-1945 tại sân vận động Quy Nhơn, hàng chục vạn quần chúng nhân dân đã tham gia mít tinh chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa toàn tỉnh. Trong ngày hội lớn này, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời mới của tỉnh được thành lập (lấy tên tỉnh là Tăng Bạt Hổ) do đồng chí Trần Quang Khanh làm Chủ tịch.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Bình Định đã góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám - một trong những cuộc cách mạng chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1930–1945), thắng lợi trọng đại của cuộc khởi nghĩa ở Bình Định không chỉ là thành quả của chặng đường 15 năm đấu tranh rất vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân địa phương, mà còn là thành tựu to lớn của 69 năm (1876-1945) không ngừng đứng lên chống đế quốc và tay sai của các thế hệ chiến sĩ yêu nước Bình Định.
. Hoàng Bảo
(Bài viết có tham khảo và sử dụng tư liệu từ các tài liệu: Lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945 (Viện lịch sử Đảng) và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định 1930-1945) |