Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2003):
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng
16:55', 20/8/ 2003 (GMT+7)

Bác Hồ chúc mừng Bác Tôn được Quốc hội khóa II bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (7-1960)

Ngày 20-8-1958, mừng thọ Bác Tôn Đức Thắng 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh thưởng và đích thân gắn Huân chương Sao Vàng đầu tiên của Nhà nước ta cho Bác Tôn. Tại buổi lễ trao tặng, Bác Hồ đã đọc lời chúc mừng, ca ngợi: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, chín năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, bốn năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà… Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…".

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình nông dân nghèo ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1906, giữa tuổi 18, người thanh niên Tôn Đức Thắng đến thành phố Sài Gòn, bắt đầu đến với giai cấp công nhân Việt Nam đang trong quá trình hình thành. Là người thợ học nghề, nhưng Tôn Đức Thắng đã tham gia vận động anh chị em lính thủy bỏ học (1909), anh chị em công nhân Sở Kiến trúc cầu đường và nhà ở Sài Gòn chống bọn chủ, cai ký cúp lương, đánh đập vô lý và đòi tăng lương (1910). Sau đó, Tôn Đức Thắng vào học ở trường của những người thợ máy châu Á tại Sài Gòn, trung tâm duy nhất đào tạo thợ máy tàu thủy của Pháp ở Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, Tôn Đức Thắng vào làm việc ở xưởng Ba Son. Năm 1912, Tôn Đức Thắng tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh Trường Bá nghệ Sài Gòn bãi khóa. Bọn thực dân Pháp ra sức tìm mọi thủ đoạn để dập tắt phong trào và bắt những người lãnh đạo đấu tranh, trong đó có Tôn Đức Thắng. Lúc này Người phải lánh sang Pháp làm thủy thủ trên tàu La-coóc của một công ty tàu biển chạy trên Đại Tây Dương. Năm 1916, Tôn Đức Thắng vào Hải quân Pháp. Năm 1919, Người tham gia cuộc phản chiến ở Hắc Hải, chống sự can thiệp của đế quốc Pháp nhằm bóp chết nước Nga Xô-viết vừa mới ra đời. Tôn Đức Thắng là người đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm Phờ-răng-xờ (France) để chào mừng Nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người. Hành động cách mạng cao cả của Người tượng trưng cho tinh thần quốc tế vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam và tình cảm sâu sắc của dân tộc Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Sau cuộc phản chiến Hắc Hải, Tôn Đức Thắng ra khỏi Hải quân Pháp vào làm cho hãng ô tô Rơ-nôn (Pháp). Bác gia nhập Công đoàn và cùng với giai cấp công nhân Pháp đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản Pháp.

Năm 1920, Bác Tôn trở về Sài Gòn. Với những kinh nghiệm hoạt động trong phong trào công nhân và công đoàn ở Pháp, Bác Tôn đã bí mật tổ chức Công hội ở Trường Bá nghệ, xưởng Ba Son, hãng FACI, hãng rượu Bình Tây, Nhà đèn Chợ Quán và nhiều cơ sở Công hội khác ở Nam Bộ. Đến năm 1925, hơn 300 công nhân đã trở thành hội viên Công hội bí mật. Tôn Đức Thắng - người anh cả, người thợ cả - làm Hội trưởng. Công hội đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son (8-1925) thắng lợi. Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI (1928) đã đánh giá cao sự kiện này.

Năm 1926, Tôn Đức Thắng liên lạc được với tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và năm 1927, gia nhập tổ chức này. Là Ủy viên Kỳ bộ Nam Kỳ, Người đã cùng nhiều đồng chí trong Kỳ bộ ra sức xây dựng phong trào cách mạng ở Nam Bộ ngày càng lớn mạnh.

Tháng 12-1928, thực dân Pháp ở Đông Dương tăng cường khủng bố, chúng bắt một số người trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, trong đó có Tôn Đức Thắng.

Ngày 26-7-1929, chúng lập phiên tòa Đề hình Sài Gòn và tuyên án Tôn Đức Thắng 20 năm tù khổ sai. Ngày 2-7-1930, Người bị đày ra Côn Đảo. Cuối năm 1932, Người cùng với các đồng chí Nguyễn Hới, Tống Văn Trân, Tạ Uyên…. Thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 23-9-1945, Tôn Đức Thắng cùng anh em tù chính trị ở Côn Đảo được Chính phủ ta cho về thăm quê.

Ngày 15-10-1945, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc xứ Nam Kỳ, họp ở ngoại ô Mỹ Tho, Tôn Đức Thắng được bầu làm Bí thư Xứ ủy. Người còn là đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ.

Tháng 2-1946, Bác Hồ và Chính phủ đón Bác Tôn ra miền Bắc, và mời Bác làm Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Khi Mặt trận Liên Việt mở rộng thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong Đại hội Đảng Lao động Việt Nam năm 1951, Bác Tôn được bầu vào BCHTƯ Đảng. Sau đó, Bác Tôn được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Tháng 7-1960, Bác Tôn giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1969, Bác Hồ qua đời (2-9-1969), đến ngày 23-9-1969, Bác Tôn được cử giữ chức Chủ tịch nước.

Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bác Tôn vừa nhân danh Chủ tịch nước, vừa là người con của miền Nam, đã về dự lễ mừng chiến thắng với đồng bào, cán bộ và chiến sĩ ở Sài Gòn.

Năm 1976, Bắc Nam thống nhất thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Bác Tôn được bầu lại làm Chủ tịch nước, và Bác đã đảm nhiệm trọng trách này cho đến ngày 30-3-1980, Bác mất tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, suốt đời hết lòng phục vụ nhân dân. Bác Tôn là hiện thân của những đức tính mà Bác Hồ đòi hỏi ở mỗi người cộng sản: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị, mình vì mọi người.

Bác Tôn là niềm tự hào của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

. Nguyễn Xuyến

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)
Sôi sục những ngày tháng Tám ở Bình Định   (18/08/2003)
Những người lưu giữ ký ức   (17/08/2003)
Hôi chợ Việc làm tỉnh Bình Định được tổ chức sinh động, thiết thực   (16/08/2003)
Thu hoạch ngày đầu tiên từ Hội chợ Việc làm   (16/08/2003)
Những người "trong cuộc" nói gì?   (15/08/2003)
Cơ hội làm việc và học nghề cho người lao động đang đến  (14/08/2003)
Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ nói gì?  (14/08/2003)
Nhà nước và nhân dân cùng... chỉnh trang đô thị   (13/08/2003)
Còn đó nạn chảy máu động vật rừng!   (12/08/2003)
Heo xuống giá, người chăn nuôi khó khăn   (11/08/2003)
Tái định cư: Người dân vẫn chưa an cư   (10/08/2003)
Từ nay đến năm 2005, KCN Phú Tài sẽ có nhu cầu tiếp nhận 10.000 lao động?   (08/08/2003)
Đưa tin học vào nhà trường   (07/08/2003)
Báo điện tử - Bước phát triển mới của Báo Bình Định   (06/08/2003)