Chạy đua chọn trường cho con
10:0', 23/8/ 2003 (GMT+7)

Như chúng tôi đã đưa tin, bắt đầu từ năm học 2003-2004, TP Quy Nhơn tiến hành huy động đóng góp thêm đối với học sinh chọn trường học các lớp đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) ở các trường nằm trên địa bàn mà học sinh đó không có hộ khẩu thường trú (còn gọi là học "trái tuyến"). Vì vậy trong những ngày qua, các bậc phụ huynh có nhu cầu chọn trường đã phải chạy đôn chạy đáo... Có thể nói, chưa có năm nào việc tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 ở TP Quy Nhơn lại sôi động như năm nay.

* 6 trường được thu "trái tuyến"

Đó là các trường: Tiểu học Lý Thường Kiệt, tiểu học Lê Hồng Phong, tiểu học Lê Lợi, Thực nghiệm giáo dục phổ thông Quy Nhơn, trung học cơ sở Lê Hồng Phong và trung học cơ sở Quang Trung. Các phụ huynh có nhu cầu chọn các trường này cho con em mình theo học sẽ phải đóng góp thêm theo các mức như sau: Đối với các trường Lê Lợi, Thực nghiệm và Quang Trung, mỗi trường là 1,5 triệu đồng/học sinh; 2 trường Lê Hồng Phong mỗi trường 2 triệu đồng/học sinh; trường Lý Thường Kiệt là 3 triệu đồng/học sinh. Nguồn kinh phí này sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học ở các trường để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Khi chủ trương thu tiền "trái tuyến" được triển khai, trong dư luận có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Người thì đồng ý, người lại bảo đóng góp như vậy thì cao quá… Thế nhưng trong suốt những ngày qua, khi các trường triển khai thu nhận hồ sơ, thì trường nào cũng có rất đông phụ huynh đến làm thủ tục đăng ký cho con em mình theo học. Anh Lục Thanh Tùng, ở phường Ngô Mây, đăng ký cho con mình theo học tại trường Thực nghiệm, cho chúng tôi biết: "Việc nộp tiền để chọn trường cho con theo học theo tôi là rất hợp lý, bởi như thế việc tuyển sinh sẽ công bằng hơn khỏi phải xin xỏ. Còn chuyện nộp tiền theo tôi cũng phù hợp vì tôi không phải là công dân của ở địa phương đó nên tôi không được hưởng các quyền lợi như những người trong phường, phải đóng góp là điều đương nhiên. Tôi ủng hộ chủ trương này." 

* Chỉ tiêu ít, đăng ký nhiều

Cũng có nhiều người có chung suy nghĩ như anh Tùng nên tại hầu hết 6 trường được thu "trái tuyến" đều có số hồ sơ đăng ký vượt quá chỉ tiêu. Trong đó, trường tiểu học Lê Hồng Phong có 40 chỉ tiêu nhưng có đến 69 hồ sơ đăng ký, trường Lê Lợi có 75 chỉ tiêu nhưng có đến 103 hồ sơ đăng ký, trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong có hơn 130 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ tiêu được tuyển chỉ có 30 em. Trường Thực nghiệm có 120 hồ sơ đăng ký trong lúc chỉ tiêu là 115 em. Và trong số 6 trường đã nêu chỉ có 2 trường Lý Thường Kiệt và Quang Trung là có số hồ sơ đăng ký thấp hơn chỉ tiêu. Đối với trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong, khi số hồ sơ đăng ký cao hơn chỉ tiêu, việc xét tuyển của nhà trường rất đơn giản là căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp và thành tích học tập của từng học sinh. Thế nhưng đối với các trường tiểu học thì do không có căn cứ gì để làm tiêu chí xét tuyển chọn học sinh nên tất cả các trường chọn vượt chỉ tiêu đều chọn giải pháp tình thế là bốc thăm… đầy may rủi. Điều đó cũng có nghĩa là, có tiền để chọn trường cho con nhưng cũng chưa chắc đã chọn được.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều phụ huynh đều tỏ ra đồng tình với cách làm này vì theo họ dẫu sao như thế cũng đảm bảo được tính công bằng. Anh Phạm Văn Nam ở phường Thị Nại, đăng ký cho con vào học tại trường tiểu học Lê Hồng Phong, tâm sự: "Việc đóng góp thêm theo chủ trương của thành phố, phụ huynh chúng tôi nhất trí. Việc bốc thăm nói chung cũng đảm bảo tính công bằng nhưng như thế sẽ có nhiều cháu bị "loại".  Nếu con tôi bị loại thì tôi rất thất vọng vì mấy ngày nay tôi phải gác lại mọi công việc để lo cho cháu."

Trái với ý kiến vừa nêu, chị Trần Thị Tuyết, một phụ huynh ở phường Trần Phú, cho rằng việc thu tiền "trái tuyến" mà đặc biệt là việc xét tuyển bằng hình thức bốc thăm đầy may rủi còn có cái gì đó chưa ổn. Chị Tuyết nói: Việc các trường thu tiền được thu tiền "trái tuyến" phải chăng là do những trường này có chất lượng hơn các trường khác? Nếu vậy thì ngành GDĐT cần có sự quan tâm đầu tư đồng đều giữa các trường. Mặt khác, việc thu tiền "trái tuyến" đã tạo ra sự mặc cảm trong giáo viên của các trường khác vì họ không thể không suy nghĩ rằng trường mình dạy không tốt nên không được thu tiền? Theo tôi hình thức bốc thăm là không công bằng mà chỉ là may rủi. Tôi đi bốc thăm trong tâm trạng chẳng có gì vui nhưng "vì tương lai con em chúng ta" nên đành chấp nhận.

* Thay lời kết

Qua tiếp xúc với các bậc phụ huynh có nhu cầu đăng ký chọn trường cho con em mình theo học, nhiều phụ huynh cho chúng tôi biết:  Hiện nay, hầu như các trường học trên địa bàn TP Quy Nhơn đều có cơ sở vật chất khá tốt, chất lượng giáo dục giữa các trường cũng tương đối đồng đều nhau và không có sự cách biệt lớn lắm. Tuy nhiên sở dĩ có nhiều người trong số họ muốn chọn trường cho con theo học là vì các trường tiểu học mà họ chọn đều là những trường có lớp bán trú và họ muốn gởi con học cả ngày ở đó sẽ yên tâm hơn khi cả 2 vợ chồng đều là phải làm việc cả ngày không thể chăm sóc việc ăn, lo việc học của con được. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng mức đóng góp thêm mà các trường đang thu là cao và đóng một lần như vậy thì rất khó khăn đối với nhiều gia đình vì họ cũng đang phải tập trung lo chuẩn bị quần, áo, sách vở cho con em mình bước vào năm học mới.

Đây là năm đầu tiên TP Quy Nhơn triển khai việc thu tiền "trái tuyến" nên chắc chắn, sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc. Chúng tôi cho rằng, các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm xem xét đến những ý kiến và kiến nghị của các bậc phụ huynh mà chúng tôi vừa nêu để chủ trương này nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía người dân.

. Xuân Nguyên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)
Sôi sục những ngày tháng Tám ở Bình Định   (18/08/2003)
Những người lưu giữ ký ức   (17/08/2003)
Hôi chợ Việc làm tỉnh Bình Định được tổ chức sinh động, thiết thực   (16/08/2003)
Thu hoạch ngày đầu tiên từ Hội chợ Việc làm   (16/08/2003)
Những người "trong cuộc" nói gì?   (15/08/2003)
Cơ hội làm việc và học nghề cho người lao động đang đến  (14/08/2003)
Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ nói gì?  (14/08/2003)
Nhà nước và nhân dân cùng... chỉnh trang đô thị   (13/08/2003)
Còn đó nạn chảy máu động vật rừng!   (12/08/2003)
Heo xuống giá, người chăn nuôi khó khăn   (11/08/2003)
Tái định cư: Người dân vẫn chưa an cư   (10/08/2003)
Từ nay đến năm 2005, KCN Phú Tài sẽ có nhu cầu tiếp nhận 10.000 lao động?   (08/08/2003)