Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải
15:47', 24/8/ 2003 (GMT+7)

* Thu gom rác thải ở các thị trấn

Chăm sóc cây xanh góp phần làm sạch  môi trường

Ở An Nhơn, dịch vụ thu gom rác thải bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5-2002, do Liên hiệp HTX An Nhơn thực hiện. Địa bàn triển khai dịch vụ này gồm thị trấn Đập Đá, xã Nhơn Thành và xã Nhơn Hưng, trong đó chủ yếu là thị trấn Đập Đá. Nhưng thực tế, dịch vụ này chỉ hoạt động được ở xã Nhơn Thành, Nhơn Hưng và mở rộng sang một phần của xã Nhơn Hậu. Mặt khác, số hộ ký hợp đồng với đơn vị làm dịch vụ thu gom rác ở 3 địa phương trên cũng không nhiều và là những hộ sống dọc các trục đường chính. Theo tính toán của Liên hiệp HTX An Nhơn, trong năm 2002 dịch vụ này thu không đủ chi và bị lỗ 17 triệu đồng.

Tương tự, với HTXNN II thị trấn Phú Phong, đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom rác thải ở Tây Sơn, huyện phải trích ngân sách hỗ trợ cho HTX 8 triệu đồng/quí để duy trì dịch vụ này trong 5 năm qua. Việc thu gom rác ở đây cũng chỉ tiến hành trong khu vực thị trấn Phú Phong với 1.500 hộ có hợp đồng đổ rác.

Còn Tuy Phước là địa bàn gần TP Quy Nhơn nên việc thu gom rác có thuận lợi hơn. Huyện hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn để thu gom rác ở thị trấn cùng một số vùng lân cận và đổ ở bãi rác Long Mỹ.

Đến nay, trừ các huyện miền núi, còn lại hầu hết các huyện đồng bằng trong tỉnh đã tổ chức được dịch vụ thu gom rác thải ở các thị tứ, thị trấn. Vì thế tình hình môi trường ở những địa bàn này đã có bước cải thiện. Với sự hỗ trợ kinh phí của Sở KHCN&MT (khoảng 40 - 50%), các huyện trên đã quy hoạch lại các bãi rác nằm cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, với lực lượng công nhân còn mỏng, phương tiện thu gom là xe độ chế và cũng chỉ được ở các tuyến đường chính nên tỉ lệ thu gom rác ở các thị tứ, thị trấn còn thấp.

* Nông thôn đối diện với mối đe dọa từ rác thải

Ở Tuy Phước, sông Gò Bồi đoạn chảy qua 2 thôn Tùng Giản và Tân Giản của xã Phước Hòa đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sông trở thành bãi rác công cộng của chợ, và khoảng 500 hộ dân sống ở khu vực này. Một cán bộ xã nói rằng có cắm hàng ngàn biển "cấm đổ rác" ra sông thì cũng không thể cải thiện được tình hình, vì những gia đình sống ở khu vực này nhà rất chật, không có vườn và họ không có con đường nào khác là phải đổ rác ra sông.

Hiện nay, dịch vụ thu gom rác không thể vươn tới tận các làng quê được, đó là điều gần như hiển nhiên vì nhiều lý do: chi phí cao, giao thông khó khăn, dân cư sống không tập trung. Mặt khác, người dân sống ở vùng nông thôn thường có thói quen tự xử lý rác bằng cách đốt, chôn hoặc "tự quy hoạch" các bãi rác ở chân cầu, lề đường... Đặc biệt, ở những vùng có các làng nghề, nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển thì các bãi rác tự quy hoạch này đã và đang gây ra nhiều vấn đề nan giải cho việc bảo vệ môi trường.

Theo các thống kê về tình hình rác thải tại các đô thị ở Việt Nam cũng như thực tế tại Bình Định, lượng rác trung bình một người thải ra là 1kg/ngày – đối với người dân sống ở thành phố hoặc các thị trấn lớn, và 0,5 – 0,6 kg/ngày – đối với người dân sống ở nông thôn. Về tỉ lệ thì rác ở thành phố có khoảng 50% là rác hữu cơ (có thể xử lý thành phân bón được), tỉ lệ trên trong rác thải ở nông thôn có cao hơn một chút. Nếu tính bình quân mỗi người dân thải ra 0,7kg rác/ngày, Bình Định có 1,5 triệu dân, thì mỗi ngày có 1.050 tấn rác cần được thu gom. Nhưng tính cả lượng rác của Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn và các huyện thu gom được thì cũng chưa tới một nửa trong số hơn 1.000 tấn rác ấy, vậy còn hơn một nửa được người dân tự xử lý.

Để gom rác thải hiệu quả, cần phải có đội ngũ thu gom với phương tiện trang thiết bị và nhân lực đầy đủ. Nhưng ở các vùng chưa tổ chức được lực lượng này, cách hiệu quả nhất và đơn giản nhất để không bị ô nhiễm môi trường là không vứt rác bừa bãi, tận dụng môi trường vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại cho môi trường như túi nilon, các loại bao bì bằng nhựa... Tuy vậy, việc nâng cao ý thức cho người dân ở các vùng nông thôn về bảo vệ môi trường đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phương, cán bộ Phòng Quản lý môi trường (Sở KHCN&MT) đề xuất: "Trong khi kinh phí chi cho bảo vệ môi trường rất eo hẹp, các địa phương có thể thông qua các phương tiện truyền thông như đài truyền thanh xã, và vận động các đoàn thể, nhất là phụ nữ và thanh niên tham gia phổ biến trong nhân dân việc xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Về phía mình, chúng tôi có thể giúp các địa phương về tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn lập các kế hoạch bảo vệ môi trường".

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)
Sôi sục những ngày tháng Tám ở Bình Định   (18/08/2003)
Những người lưu giữ ký ức   (17/08/2003)
Hôi chợ Việc làm tỉnh Bình Định được tổ chức sinh động, thiết thực   (16/08/2003)
Thu hoạch ngày đầu tiên từ Hội chợ Việc làm   (16/08/2003)
Những người "trong cuộc" nói gì?   (15/08/2003)
Cơ hội làm việc và học nghề cho người lao động đang đến  (14/08/2003)
Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ nói gì?  (14/08/2003)
Nhà nước và nhân dân cùng... chỉnh trang đô thị   (13/08/2003)
Còn đó nạn chảy máu động vật rừng!   (12/08/2003)
Heo xuống giá, người chăn nuôi khó khăn   (11/08/2003)
Tái định cư: Người dân vẫn chưa an cư   (10/08/2003)