Mưu sinh bên bãi sông
17:17', 26/8/ 2003 (GMT+7)

Đào phểnh trên bờ sông Hà Thanh

Giữa trưa. Nắng như đổ lửa, đã thấy những người cào súc, đào phễnh lục tục kéo nhau ra bãi sông Hà Thanh. Đó cũng là lúc con nước bắt đầu xuống…

* Nguồn sống bãi sông

Gia đình anh Sáu đã ra đến bãi. Anh cầm thuổng đi trước, chị lễ mễ theo sau với cái giỏ nhựa đựng đầy nước uống, gàu đựng. Hai đứa con, một trai một gái, đứa lớn chừng 7 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi líu ríu theo sau, vẻ mặt hớn hở. "Chỗ này được rồi", anh Sáu lên tiếng và cả gia đình bắt đầu soạn sửa "đồ nghề", bắt đầu công cuộc đào phễnh. Anh dùng thuổng, nhẹ nhàng đào từng lớp đất bùn tìm kiếm những con phễnh giấu mình trong cát. Bên này, chị Sáu đưa cho hai đứa con những cây xăm nhỏ hơn cây tăm xe đạp - dụng cụ để bắt những con móng tay. "Xăm ở hang nhỏ, dài mới có" - chị dặn hai đứa con. "Còn tôi, dụng cụ chỉ có vầy" - chị vừa nói vừa chìa cho tôi xem cái vá múc canh đã mòn vẹt.

Giữa lòng sông Hà Thanh lúc này nước đã rút hẳn, lộ ra một bãi đất bùn rộng lớn, đen sì. Gió thổi lộng đưa lại mùi tanh đặc trưng của sông nước. Trên đầu nắng vẫn gắt. Vậy mà, đâu chỉ riêng gia đình anh Sáu, trên năm chục người, đa số là phụ nữ, vẫn ngồi nhẫn nại cặm cụi móc từng con phễnh, con móng tay bỏ vào chiếc gàu hay chiếc bao để bên cạnh. Đất dưới chân họ xới tung lên thành khoảnh lớn. Phía bờ bên kia, một chiếc thuyền chở đầy người, neo lại. Có đến hơn chục người kẻ cầm thuổng, người mang bao lên bờ. "Họ ở Lộc Hạ (Tuy Phước) xuống", những người ở bờ bên này cho chúng tôi biết.

Ở lòng sông này đủ các loài nhuyễn thể, từ con súc, phễnh đến trai, hàu, móng tay… Gặp gì đào nấy. Giá mỗi loại cũng khác nhau. Súc bắt rất dễ, chỉ cần dùng thau hay rổ xúc ngoài bờ sông, đãi cho cát trôi đi, giá chỉ 500 đồng/kg; phễnh và móng tay lâu công hơn, có giá dao động 3.000-10.000 đồng/kg tùy theo mùa; cùng là phễnh nhưng loại phễnh chó giá chỉ 700-1.000 đồng/kg, dùng làm thức ăn cho gia súc.

* Nghề cực nhọc

"Làm nghề này chỉ có những người nghèo như chúng tôi mới chịu nổi" - anh Hùng, người đã "thoát ly" khỏi nghề, kết luận. Quả thật, làm việc cật lực dưới trời nắng chang chang từ 12 giờ trưa đến 6, 7 giờ tối, cũng chỉ kiếm chừng mười lăm, hai chục ngàn. "Vậy là hên rồi đó, chớ có bữa chỉ được năm, bảy nghìn thôi" - chị Hoa, làm kế bên anh Sáu, tiếp chuyện. Nhìn cái gàu mới chứa non nửa những con móng tay - công sức của cả buổi chiều của chị - tôi ái ngại: "Từng này thì được bao nhiêu hả chị?" - "Chừng bốn, năm ngàn thôi. Ít thế này chả bõ bán. Thôi thì về nấu canh chua hay xào lên cho cả nhà ăn cũng được, đỡ tiền chợ".

Họ chủ yếu là cư dân khu vực 7, 8 phường Đống Đa (Quy Nhơn), một số ở tận Tuy Phước chèo thuyền xuống. Phần đông không coi đây là nghề, mà chỉ xem như việc làm thêm khi rảnh rỗi. Nhưng với bà Hai Bửu (khu vực 7, phường Đống Đa) thì khác, đây là kế sinh nhai một đời. Năm nay đã bước vào tuổi 76, răng chỉ còn lưa thưa, vậy mà trông bà vẫn rắn rỏi. "Từ ngày 5 - 6 tuổi, tôi thường lấy vá ra ngoài bờ sông đào nhặt chơi. Ngờ đâu cái nghề này lại nuôi sống tôi cả đời" - bà kể. Thời con gái, đến lúc lấy chồng, có con và bây giờ đã có cháu, chắt, quanh năm bà cứ như con cồng cộc lặn mò dưới lòng sông. "Tôi cứ lặn xuống các bãi đá, bê từng tảng lên để gỡ hàu. Con nước xuống, lại đi đào đến tận sáng, mỗi lần được cả thúng to. Lúc về, nước đã ngập đầu, đội thúng bơi về. Hồi đó còn khỏe, chứ giờ thì mỗi lần đi chỉ mong được vài kg đủ tiền gạo, mắm qua ngày…" - bà chép miệng tiếc rẻ.

Những người xuống nước bắt phễnh, hàu… tuy được nhiều nhưng cực và nguy hiểm hơn những người làm trên bờ. Họ thường đi đôi, một người xúc, người kia sàng phễnh. Làm từ lúc con nước xuống đến lúc nước lên, có khi kiếm được cả trăm nghìn bạc. Hai chị Nguyễn Thị Bích và Trần Thị Nga cho biết: "Bọn tôi làm cật lực mới kiếm được chừng ấy tiền. Mỗi lần về, tay chân cứ như muốn rời ra, nhiều khi phải đổi cả bằng máu đấy". Nói rồi, chị Nga giơ cho tôi xem đôi bàn chân đầy sứt sẹo, có vết còn chưa khô: "Hàu cắt buốt đến tận óc, nhiều khi sâu đến tận xương". Nhẹ thì bị hàu cứa đứt chân chảy máu, nặng thì có khi mất luôn cả lóng ngón chân. Mà đâu chỉ có hàu không, còn có cả sắt, thép rỉ dưới lòng sông. Chưa kể đến nạn "sập hầm" do quá trình thổi cát làm nhà tạo thành. Những người không biết bơi hoặc trẻ con sẩy chân là chết ngay. "Những người đi không quen thì vậy, còn tôi lòng sông này tôi thuộc như lòng bàn tay, hàu cắt vài bữa là lành ngay. Cả đời lặn ngụp mà" - bà Hai Bửu không giấu vẻ tự hào.

* Lời kết

Buổi chiều chạng vạng, đã thấy thấp thoáng người mang thúng, giỏ đứng trên bờ. Họ là những người thu mua phễnh về cho tôm, cua ăn, loại nào cũng mua, đủ giá. Chị Hòa bảo: "Mấy năm trước loại phễnh chó chỉ vứt đi, giờ bán cũng được tiền. Nói tranh nhau thì hơi quá, nhưng giờ mọi người cũng phải nhanh. Con nước xuống là đi ngay, không thì chẳng còn đến lượt. Người khôn của khó mà!". Chẳng thế mà phễnh bây giờ vừa ít lại nhỏ chẳng bù cho mấy năm trước vừa nhiều, con nào con nấy to gần bằng ngón chân cái. "Người ta còn đem lưới nhỏ giăng khắp nơi rồi cào không sót cái gì, chẳng biết vài năm nữa phễnh có kịp sinh sôi nữa không" - bà Hai Bửu trầm ngâm.

. Thu Hà

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)
Sôi sục những ngày tháng Tám ở Bình Định   (18/08/2003)
Những người lưu giữ ký ức   (17/08/2003)
Hôi chợ Việc làm tỉnh Bình Định được tổ chức sinh động, thiết thực   (16/08/2003)
Thu hoạch ngày đầu tiên từ Hội chợ Việc làm   (16/08/2003)
Những người "trong cuộc" nói gì?   (15/08/2003)
Cơ hội làm việc và học nghề cho người lao động đang đến  (14/08/2003)
Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ nói gì?  (14/08/2003)
Nhà nước và nhân dân cùng... chỉnh trang đô thị   (13/08/2003)
Còn đó nạn chảy máu động vật rừng!   (12/08/2003)