Năm học mới đến sớm
15:33', 27/8/ 2003 (GMT+7)

Không chỉ học sinh ở những vùng hay bị ngập lụt, từ năm học 2002-2003, học sinh các khối lớp 1, lớp 6 và năm học 2003-2004 này thêm học sinh lớp 2, lớp 7 ở Bình Định đã đi học trước ngày khai giảng.

* Ngày đầu tiên đến lớp

Ngày 25-8, trước cổng trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn), đã có rất nhiều phụ huynh chở con đến trường. Các em mặc đồng phục áo trắng, quần (váy) xanh, vai đeo cặp sách mới… Tuy nhiên, ngày đầu tiên đến trường không có cảnh rực rỡ cờ hoa, bóng bay, không khí tựu trường vẫn hầu như im ắng… Cậu bé Cao Nhuận Phát, học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt vừa được mẹ chở đến trường líu lo cho biết: "Ba mẹ chuẩn bị cho con rất nhiều thứ trước khi vào lớp một, nào là quần áo mới, giày mới, cặp sách, bút, vở…" Tiếp xúc với chị Trương Thị Tuyết Đông có con là Nguyễn Minh Hoàng, học lớp 1A, được chị cho biết: "Đi học trước cũng tốt, cho cháu có thêm thời gian quen với cô giáo, ổn định chỗ ngồi. Tôi thấy yên tâm hơn." Còn cô giáo Trần Thị Kim Phụng, một giáo viên của lớp 1 thì cho rằng: "Học sớm như thế này tôi có dịp làm quen trước với học sinh, các em bước vào ngày khai giảng cũng bớt bỡ ngỡ hơn."

Đến trường THCS Ngô Mây, THCS Quang Trung… không khí "ngày đầu tiên đến lớp" của các bạn lớp 6, lớp 7 cũng lặng lẽ như các em tiểu học. Ông Lê Thanh Hải, Hiệu phó trường THCS Quang Trung cho biết: "Để tạo ấn tượng cho học sinh, nhất là ngày đầu tiên khi bước vào lớp đầu cấp, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo với việc bố trí "dàn" giáo viên chuẩn, có năng lực giảng dạy vững vàng…".

Như vậy, ngày 25-8, các trường tiểu học, THCS trong toàn tỉnh đã thật sự bước vào năm học mới 2003-2004 và học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 7 đã chính thức bước vào tuần học đầu tiên theo chương trình học chính khóa của Bộ GD-ĐT.

* Ngày khai trường không phải là ngày đầu tiên

Việc học trước khai giảng được tiến hành ở Bình Định bắt đầu từ năm học 2001-2002 thể theo nguyện vọng của học sinh những vùng hay bị lũ lụt của huyện Tuy Phước và đến năm học này, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tổ chức dạy trước ngày khai giảng đối với học sinh ở tất cả các trường vùng sâu hay bị ngập lụt và học sinh các lớp 1, 2 và 6, 7 trong toàn tỉnh. Thời gian học trước là 1 tuần, bắt đầu từ ngày 25-8 đến 30-8-2003, sau đó học sinh sẽ được tiếp tục nghỉ để chuẩn bị năm học mới. Xung quanh việc học trước khai giảng có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Trọng Phiệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết: "Việc tổ chức học một tuần trước ngày khai giảng là phù hợp chương trình lớp 1, lớp 2 mới với cấu trúc chương trình gồm 35 tuần (chương trình cải cách cũ chỉ có 33 tuần). Học sinh lớp 1, lớp 2 đi học trước để đảm bảo cùng kết thúc học kỳ và năm học với các khối lớp còn lại." Tuy nhiên, với lãnh đạo một trường tiểu học khác (muốn giấu tên) thì có ý kiến ngược lại: Đi học trước 1 tuần là không cần thiết, vì trên thực tế khoảng nửa đầu tháng 5 học sinh đã hoàn thành chương trình và thi xong học kỳ II. Do đó, có thể kéo dài thêm 1 tuần học nữa về cuối năm, vừa đảm bảo được chương trình vừa giữ được ý nghĩa cho ngày khai giảng truyền thống… Ông Lê Thanh Hải, Hiệu phó trường THCS Quang Trung, thì cho rằng việc dạy trước, học trước chẳng qua là giải pháp tình thế để "đối phó" với quỹ thời gian thực hiện chương trình vốn đã rất eo hẹp mà Bộ GD-ĐT đã đặt ra theo quy định biên chế năm học (bao gồm những mốc thời gian lớn như ngày khai giảng, ngày kết thúc học kỳ, nghỉ tết nguyên đán, tổng kết năm học, thi tốt nghiệp…) do đó, nếu không dạy trước thì khi gặp phải những "sự cố" bất khả kháng như mưa, bão, lũ lụt… sẽ không còn thời gian để dạy bù.

Ông Trần Văn Quí, giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho rằng việc dạy trước khai giảng nhằm đảm bảo hoàn thành chương trình lớp 1, 2 và 6, 7 mới của Bộ GD-ĐT với phân phối chương trình 35 tuần. Việc chỉ đạo dạy trước khai giảng là quyền chủ động của Sở GD-ĐT theo tình hình thực tế của địa phương đã được Bộ GD-ĐT cho phép.

Như vậy, theo từng năm triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, học sinh các khối lớp sẽ lần lượt phải học một tuần trước ngày khai giảng. Đó là sự tính toán, cân nhắc của những nhà quản lý giáo dục. Tuy nhiên, riêng về góc độ xã hội, chúng tôi thấy việc dạy trước như thế có cái gì đó chưa ổn. Ngày 5-9, ngày khai giảng, ngày "toàn dân đưa trẻ đến trường", đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ học sinh và người Việt Nam hơn một nửa thế kỷ qua. Đó là ngày đầu tiên đến trường mang ấn tượng khó quên trong cuộc đời của mỗi học sinh, mỗi con người. Lẽ nào, đối với học sinh, bây giờ ngày đầu tiên đi học không còn là ngày khai giảng.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mưu sinh bên bãi sông   (26/08/2003)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)
Sôi sục những ngày tháng Tám ở Bình Định   (18/08/2003)
Những người lưu giữ ký ức   (17/08/2003)
Hôi chợ Việc làm tỉnh Bình Định được tổ chức sinh động, thiết thực   (16/08/2003)
Thu hoạch ngày đầu tiên từ Hội chợ Việc làm   (16/08/2003)
Những người "trong cuộc" nói gì?   (15/08/2003)
Cơ hội làm việc và học nghề cho người lao động đang đến  (14/08/2003)
Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ nói gì?  (14/08/2003)
Nhà nước và nhân dân cùng... chỉnh trang đô thị   (13/08/2003)