Trước đây gần 100% dân Long Thành (xã Phước Mỹ, Tuy Phước) sống bằng "nghề" chặt rừng đốt than. Đến tháng 6-2003, nhân dân Long Thành nói riêng và toàn dân Phước Mỹ nói chung quyết định cam kết không phá rừng nữa. Nhưng...
* Ước mơ đổi đời
Không cách xa thành phố là bao nhưng Phước Mỹ có khung cảnh heo hút và buồn tẻ mang nét đặc trưng của một xã miền núi. Đến đây, chúng tôi không gặp nhiều thanh niên trai tráng mà chỉ thấy toàn người già, trẻ con và một vài người buôn bán nhỏ. Hỏi ra mới biết một số người đã đi làm ăn xa, một số khác vẫn tiếp tục công việc đi "làm núi".
Theo lời một người dân thì, sau khi cam kết không phá rừng, số người trong độ tuổi lao động chuyển sang đi làm mướn, công việc chủ yếu là đập vỏ cây bạch đàn ở vùng rừng lân cận hoặc ở tận Phù Mỹ, Phù Cát. Tuy nhiên, ngồi ở quán nước hồi lâu chúng tôi vẫn thấy nhiều người chở củi, than từ phía núi đi ra. Chị chủ quán cho biết hằng ngày vẫn có nhiều người chở củi, than lén lút ngang qua đây.
Tìm gặp ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch xã, chúng tôi được biết, thật ra không phải nhân dân xã Phước Mỹ đều làm than mà phần lớn những người làm công việc đó là dân ở thôn Long Thành. Long Thành là một vùng kinh tế mới, đất canh tác xấu, không có nhiều điều kiện làm ăn, người dân lại không có vốn nên chỉ sống dựa vào công việc mà họ đã gắn bó từ hơn hai mươi năm nay. Đó là đốt than và buôn bán than.
Ông Bình cho biết thêm: "Chính quyền địa phương đã đến từng nhà để tuyên truyền, vận động kết hợp với việc bắt giữ xử lý nên nhân dân đã cam kết thực hiện bảo vệ rừng. Tuy nhiên số người hiện nay vẫn còn lén lút đi chặt cây, làm than còn cao ở mức 50%". Khách quan mà nói, hầu hết nhân dân Long Thành không muốn làm công việc này nữa, có chăng cũng vì bất đắc dĩ. Họ ước mong sẽ làm công việc nào khác mà không phải phá rừng để có một cuộc sống bình yên hơn. Anh Nguyễn Đôn, người từng được coi là người chặt rừng "chiến" nhất vùng, tâm sự: "Tôi hết muốn lên rừng, lên núi rồi, bây giờ chỉ muốn làm đồng nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu". Anh Lê Hùng, trước đây đã từng làm than, tâm sự: "Tôi thường lái đò chở người dân vào mỗi mùa mưa bão, cây rừng đầu nguồn gần như không còn nên mọi năm ở đây lũ lụt rất lớn". Nhưng vì cuộc sống họ vẫn tiếp tục chặt và đốt; vùng này hết cây thì di chuyển đến vùng khác xa hơn.
Người dân ở đây vẫn biết rằng, công việc đốn củi, đốt than đến nay đã không còn phù hợp nữa nhưng họ không biết phải làm gì sau khi từ bỏ công việc mà họ đã làm trong suốt bao nhiêu năm nay?
* Chưa tìm được việc làm, chưa... gác rựa
Sau khi vận động nhân dân ký cam kết, chính quyền xã Phước Mỹ đã có kế hoạch hỗ trợ việc làm như: thành lập tổ tín chấp cho vay vốn; giao đất ruộng, đất rừng; quan hệ với các doanh nghiệp để được ưu tiên nhận lao động; chuẩn bị cho việc xây dựng Khu công nghiệp Long Mỹ… Tuy nhiên đây vẫn là những việc trong dự định. Theo ông Phạm Thanh Bình: "Xã đang cố gắng thực hiện giải quyết việc làm từng bước nhưng lực bất tòng tâm. Nhân dân Long Thành gốc không phải từ nghề nông nên chưa quen với việc làm ruộng; vả lại làm ruộng không cho năng suất cao do đất xấu. Có quá ít người biết khai thác tiềm năng của vùng để phát triển kinh tế như trồng cây công nghiệp ngắn ngày hay chăn nuôi bò, dê...".
Hiện nay một bộ phận lao động đã tìm được việc làm thuê là đập vỏ cây bạch đàn, thu nhập một ngày từ 15 - 30 ngàn đồng, thấp hơn nghề làm than trước đây một nửa. Một số khác thì vẫn tiếp tục công việc cũ vì "không lên núi thì lấy gì mà sống", "được ngày nào hay ngày đó". Ngoài ra, có không ít người ở đây đang thất nghiệp. "Trước đây chúng tôi chỉ biết có làm than, bây giờ các lò than đã bị đập, cây rừng cũng chẳng còn vả lại chúng tôi không muốn làm công việc này vì nó cực quá. Chúng tôi đang chờ chính quyền giải quyết việc làm hay cho vay vốn nhưng vẫn chưa thấy gì" - đó là lời tâm sự của nhiều người dân chưa tìm được việc làm. Còn một vài người như anh Nguyễn Đôn thì khẳng định: "Tôi chưa thể "gác rựa" khi tôi chưa tìm được việc khác để làm".
Và như thế, nguy cơ rừng Phước Mỹ tiếp tục bị phá vẫn còn nếu những người như anh Nguyễn Đôn vẫn chưa chịu... "gác rựa". Đó cũng chính là nỗi bức xúc mà chính quyền xã và các ngành liên quan cần quan tâm tìm ra giải pháp khắc phục.
. Bích Dâng
|