"Đổi nhà" cho con vào đại học
15:22', 29/8/ 2003 (GMT+7)

Ở phường Thị Nại (TP Quy Nhơn) hầu như ai cũng biết tên vợ chồng anh. Không phải là một gia đình giàu có, hay một thương nhân làm ăn phát đạt, nhưng tên vợ chồng anh được biết đến bởi là người nghèo lại dám "đổi nhà" cho con ăn học. Đó là anh chị Phạm Ngọc Bính và Đặng Thị Sương, ở số nhà 39, Phan Văn Lân, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn.

Anh Bính là một thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, về hưu sớm vì sức khỏe không đảm bảo. Chị Sương là một "tiểu thương" bán trứng lộn, giá ở chợ Đầm, chợ Lớn. Năm 1993 đứa con đầu lòng của anh chị là Phạm Ngọc Trương (sinh năm 1975), học sinh trường THPT Trưng Vương tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi - cũng là năm vợ chồng anh gặp khó khăn nhất vì vừa mới về hưu mất sức, các vết thương chiến tranh còn mang trên người hoành hành mỗi khi trái gió, trở trời. Chị Sương chân ướt chân ráo từ nhà quê xuống tỉnh chưa kiếm được việc gì làm ra tiền trong khi phần lo thuốc thang cho chồng, phần lo tiền cho con ăn học. Anh chị chỉ vẻn vẹn có căn nhà cấp 4 tuềnh toàng là tài sản duy nhất. Nghĩ cũng thắt ruột, con học giỏi, nhà không tiền, không cách nào khác, vợ chồng anh quyết định bán căn nhà mặt đường, vào con hẻm nhỏ để mua nhà, dành tiền để cho con vào đại học. Không phụ lòng cha mẹ, Trương đã thi đỗ vào trường Đại học Tài chính - Kế toán tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài hệ chính quy, Trương còn theo học đại học Hàng hải hệ tại chức. Ra trường với 2 tấm bằng loại khá, được nhận ngay vào công tác tại Tổng công ty vận tải và cho thuê tàu biển tại TP Hồ Chí Minh. Chỉ một năm công tác, Trương được cơ quan cho đi thi tuyển Nghiên cứu sinh thạc sĩ về hàng hải và đã trúng tuyển. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, Trương tốt nghiệp thạc sĩ về hàng hải tại Đại học Hoàng gia Thụy Điển, trở về nước công tác.

Tiếp đến đứa con thứ 2 là Phạm Văn Trưng, năm 1995 nối gót anh mình tiếp tục thi đỗ vào trường Đại học Tài chính - Kế toán. Sau 5 năm, tốt nghiệp với tấm bằng khá, Trưng làm việc cho một công ty liên doanh. Rồi đứa con thứ 3 cũng là con út của vợ chồng anh, đó là Phạm Văn Trình, năm 1998 tiếp tục thi đỗ vào 2 trường đại học: Đại học Kiến trúc và Đại học Xây dựng với số điểm khá cao. Trình chọn trường ngành Xây dựng. Sau 5 năm học tập nghiên cứu, Trình đã tốt nghiệp loại giỏi, được nhận vào làm việc ở Tổng công ty Cầu đường. Năm 2003 được cơ quan cho đi thi Nghiên cứu sinh thạc sĩ, Trình đã đỗ thủ khoa và nay đang chuẩn bị theo học.

Hơn 9 năm vợ chồng anh rất vất vả, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Anh chị đã lần lượt trải qua các nghề như thợ hồ, chạy xích lô, vác mướn..., miễn sao có tiền gửi cho con ăn học.

Để đáp lại công ơn cha mẹ, Trương đã dành dụm khoản tiền chi tiêu ở nước ngoài, cộng lương của Trưng và Trình gom góp gửi về, vợ chồng anh Bính, chị Sương đã "tậu" ngay căn nhà cấp 4 tại 39 Phan Văn Lân. Tuy vẫn còn đơn sơ nhưng căn nhà ấm cúng hạnh phúc đối với vợ chồng anh. 3 người con của anh chị cũng đang có ý định vài năm nữa đón cha mẹ vào sum họp tại TP Hồ Chí Minh.

. Nguyễn Văn Hùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phước Mỹ - Còn đó nỗi lo phá rừng   (28/08/2003)
Năm học mới đến sớm  (27/08/2003)
Mưu sinh bên bãi sông   (26/08/2003)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)
Sôi sục những ngày tháng Tám ở Bình Định   (18/08/2003)
Những người lưu giữ ký ức   (17/08/2003)
Hôi chợ Việc làm tỉnh Bình Định được tổ chức sinh động, thiết thực   (16/08/2003)
Thu hoạch ngày đầu tiên từ Hội chợ Việc làm   (16/08/2003)
Những người "trong cuộc" nói gì?   (15/08/2003)
Cơ hội làm việc và học nghề cho người lao động đang đến  (14/08/2003)