|
Một góc dãy nhà trọ cho công nhân ở gần KCN Phú Tài |
Dọc bên Quốc lộ 1A, đoạn ngang qua KCN Phú Tài thuộc phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn), chỉ cần vào hai, ba hẻm nhỏ, đã thấy lô xô hàng chục hộ có nhà cho công nhân thuê trọ. Dưới những dãy nhà trọ này là những mảnh đời công nhân xa nhà vui - buồn lẫn lộn.
* Từ quê ra phố
Tạt vào phòng đầu tiên của một dãy nhà trọ, đập vào mắt tôi là hai thanh niên, nguyên bộ quần áo công nhân trên người, chừng như sau một ca làm việc, đang ngủ mê mệt trên chiếc chiếu xộc xệch, trải vội trên nền xi măng. Nghe có tiếng động, cậu thanh niên nằm ngoài dụi mắt trở dậy. Tôi hỏi: "Ngủ say như chết thế này, không sợ trộm à?". "Công nhân nhà trọ như tụi em, có gì mà sợ trộm hả anh" - Người thanh niên, mà sau vài phút trò chuyện, tôi mới biết tên là Phương Ngọc Tàu, nói. Tôi liếc vội: dăm ba bộ quần áo vắt trên chiếc dây chăng ngang căn phòng chừng hơn chục mét vuông. Tàu là người thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, mới xin vào làm công nhân gỗ tại KCN Phú Tài được 8 tháng. Tàu tâm sự: "Có tháng, hàng chưa xuất được, công ty chưa trả lương, tiền trọ tụi em cũng đành khất. Được cái, không lo đói, vì bọn em ăn ở nhà ăn công ty, có thể ghi sổ trừ lương sau". Trần Văn Tèo, bạn cùng phòng của Tàu cũng là người Ân Nghĩa. "Cả xóm tụi em đã có hơn chục thanh niên rủ nhau vào đây làm. Mỗi tháng, sau khi trừ tiền ăn, ở cũng còn dư vài trăm. Vậy đã là khá. Ở quê, làm nông, kiếm đâu ra chừng ấy". Tàu và Tèo mới chỉ 19, 20 tuổi.
Tại một xóm trọ khác, chúng tôi gặp hai nữ công nhân, Lan và Hồng, đang lui cui chuẩn bị cho bữa trưa. Lan là người Thái Bình, Hồng là người Hà Tĩnh đều là công nhân làm tại Công ty Lâm nghiệp Nguyễn Huệ. Họ cho biết, mỗi phòng trọ được cho thuê với 200.000 đồng. Lan nói: "Với mức thu nhập vài trăm một tháng như tụi em, đành chấp nhận 4 - 5 người chen nhau hơn chục mét vuông".
Còn Cương, công nhân Công ty TNHH Mỹ Tài, trọ tại một dãy nhà gần đó, cho biết, cô từ Hoài Hảo (Hoài Nhơn) mới vào làm được hơn một năm nay. Công việc của Cương chủ yếu là đánh bóng và lau chùi gỗ. Cương tâm sự: "Làm công nhân gỗ vất vả mà công việc lại không thường xuyên. Có hôm, làm 2 ca đến mãi 9, 10 giờ tối mới về. Nhưng lại có những tháng thiếu việc, chỉ biết ngáp ngắn ngáp dài. Như tụi em còn tranh thủ về nhà, chứ những bạn ở xa, về cũng dở mà ở cũng chẳng hay". Rồi Cương cho biết thêm: "Làm công nhân gỗ như tụi em tuy cực, nhưng còn đỡ hơn so với công nhân may. Mỗi tháng trung bình lương của công nhân gỗ nằm mức 700-800 ngàn đồng. Trong khi đó, làm công nhân may, lương tháng chỉ bốn, năm trăm ngàn đồng.
* Làm ngày làm đêm
Cưới nhau được hơn hai tháng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Luyện khăn gói từ Phù Mỹ vào Quy Nhơn xin làm công nhân gỗ tại một công ty TNHH trong thành phố. Mỗi tháng, vợ chồng Luyện phải bỏ ra 200.000 đồng thuê nhà trọ. Trừ các chi phí sinh hoạt khác, hàng tháng hai vợ chồng dành dụm khoảng 700.000 đồng… "Vậy là đã ăn đứt ở nhà quê chúng em rồi đấy, anh ạ!" - Ngồi trong căn phòng thuê vỏn vẹn hơn chục mét vuông, Luyện nói với tôi vậy.
Vợ chồng anh Phạm An Khai, lại khác. Cả hai đều từ Hà Tĩnh vào làm công nhân gỗ, họ đã gặp nhau và nên vợ, nên chồng từ nhà trọ. Hằng ngày, vợ chồng Khai phải đạp xe đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới về lui cui cơm nước. Khai nói: "Những hôm làm ca, ai lo việc nấy, cả ngày không gặp nhau là thường".
Khai và Luyện hóa ra lại là những người may mắn, bởi họ đã có "một nửa" của mình trong những tháng ngày lăn lộn với nhà trọ. Còn những công nhân mà chúng tôi gặp, hầu như không ra ngoài điệp khúc làm ngày làm đêm. Đặng Văn Hồng, công nhân Công ty TNHH Phước Hưng, cho biết: "Thỉnh thoảng, được ngày nghỉ, anh em rủ nhau nhậu tí chút hay đánh bài vậy thôi". Sinh hoạt tinh thần với đời công nhân xa nhà chỉ là vậy. Ngay như Cương, ở Quy Nhơn non một năm, vậy mà hầu như Cương chỉ biết mỗi ngã ba Phú Tài. "Cương có hay vào Quy Nhơn?"- tôi hỏi. Cương nói: "Đi làm về thì chỉ muốn nằm lăn ra ngủ. Thời gian đâu mà đi!". Còn một nữ công nhân ngành may, xin được giấu tên, lại tâm sự: "Buồn nhất là nữ công nhân ngành may tụi em! Làm ngày làm đêm, hầu như không thấy lúc nào có thời gian để đi chơi. Ngoảnh đi ngoảnh lại, thời con gái đã qua".
Công nhân gỗ còn phập phồng bởi những tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập. Một công nhân gỗ nửa đùa nửa thật: "Tai nạn đã thành chuyện thường ngày rồi anh ơi". Tai nạn nho nhỏ là đứt tay, chảy máu, cũng có khi dễ dàng "đi" vài lóng tay chỉ vì sơ ý. Nguy hiểm nhất là những khi hàng nhiều, phải làm thêm ca ba. Nhiều người vì quá buồn ngủ đã đưa cả gỗ lẫn tay vào máy tiện.
Trong câu chuyện của các công nhân xa nhà, ngoài chuyện ngay ngáy vì tai nạn, họ còn chịu nhiều thiệt thòi về các chính sách dành cho người lao động. Các DN chủ yếu vẫn ký hợp đồng miệng hoặc theo thời vụ với công nhân. Một công nhân cho biết: "Em có thấy ký tá gì đâu. Người ta kêu vào làm thì làm. Làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu thôi". Không ít DN dùng "chiêu" này, kể cả khi công nhân đã làm tại các DN nhiều năm, để "né" đóng bảo hiểm xã hội. Còn theo số liệu của Ban Quản lý các KCN, hiện nay, tại KCN Phú Tài, mới chỉ có 44 DN thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân với tổng số 2.924 người. Để lách luật, các DN ký hợp đồng ngắn hạn hoặc thời vụ. Bên cạnh đó, chỉ có 1.386 lao động tại KCN, chủ yếu là lao động ở các DN Nhà nước, được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ký hợp đồng từ 1 đến 3 năm là 2.183 lao động; còn lại, chủ yếu vẫn là hợp đồng thời vụ với 7.599 lao động.
Trong khi đó, hiện tại, mới chỉ có 16 tổ chức công đoàn các DN trong KCN được thành lập với 1.400 đoàn viên. Khoan nói đến hiệu quả hoạt động, chỉ riêng về số lượng, những con số này quá ít ỏi so với 11.800 lao động đang làm việc tại KCN.
Còn về các chính sách dành cho lao động nữ, với nhiều DN, e vẫn là chuyện quá xa xôi.
. Lê Viết Thọ