Mùa thu, về Tân Trào
16:46', 1/9/ 2003 (GMT+7)

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bình Định tham quan di tích cây đa Tân Trào

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa là những di tích lịch sử đã đi vào tâm thức của bao người dân Việt và trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Về Tân Trào (huyện Sơn Dương - tỉnh Tuyên Quang), trong tôi dâng đầy những xúc cảm.

Từ thị xã Tuyên Quang nép mình bên dòng sông Lô, ngược lên 50 km, chúng tôi về Tân Trào, căn cứ địa của cách mạng Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 và là thủ đô lâm thời của khu giải phóng.

Xe đi qua những vùng rừng núi đượm nắng vàng ươm, những nếp nhà ngói đỏ ẩn hiện thấp thoáng lưng đồi trong ngút ngàn màu xanh của những cánh rừng, những đồi chè.

Chỉ về phía những đồi chè đang xanh, một đồng nghiệp ở Báo Tuyên Quang giải thích: "Cây thoát nghèo của người Tân Trào đấy! Cây chè đã phủ xanh trên 48,83ha đất trống, đồi trọc của Tân Trào". Nhưng không chỉ có vậy, từ hai năm trở lại đây, bên cạnh cây chè, Tuyên Quang cũng đã triển khai dự án nuôi bò ở 5 xã ATK (An toàn khu). Đời sống bà con, nhờ vậy, ngày càng được nâng lên.

Đây rồi mái đình Hồng Thái, trầm mặc, uy nghiêm bên gốc đa cổ thụ đã hiện ra trước mặt. Đây là nơi tiếp đón các đại biểu từ mọi miền của cả nước tới dự Quốc dân Đại hội. Xuôi thêm 4km, chúng tôi thăm di tích đình Tân Trào, rồi lại tiếp tục hành trình để đến với lán Nà Lừa đơn sơ, giản dị - nơi Bác ở và làm việc tại Tân Trào. Không gian lặng đi trong phút giây tưởng niệm. "Đó là vào những ngày cuối tháng 7, Bác thường bị sốt nóng, hay mê sảng..." - giọng thuyết minh nhỏ nhẹ của cô hướng dẫn viên Bảo tàng ATK Tân Trào, đưa chúng tôi trở lại với không khí của những ngày mùa thu lịch sử. Một buổi tối, thấy Bác rất mệt, đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định ở lại với Bác trên lán Nà Lừa. Ăn xong bát cháo, Bác thấy tỉnh táo lại và trao đổi ý kiến ngay với đồng chí Võ Nguyên Giáp về công việc. Bác đã khẳng định tính cấp bách của thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.

Đầu tháng 8, trước những chuyển biến nhanh chóng của cục diện chung, Bác chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc đi các nơi thúc giục các đại biểu về họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân. Trong các ngày 12 và 13 tháng 8, có tin Nhật đã gửi công hàm cho nhóm tứ cường, nói sẵn sàng chấp nhận tuyên bố Postdam, Bác hội ý cấp tốc với Thường vụ và khẳng định thời cơ khởi nghĩa đã tới, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước, quyết định thành lập Chính phủ lâm thời.

Ngay ngày 13 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, 11 giờ đêm, Ủy ban ra quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ngay trong ngày 13-8 và họp trong ba ngày. Trong bản báo cáo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: "Những điều kiện khởi nghĩa của Đông Dương đã chín muồi…".

Ngày hôm sau, 16-8, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, hội tụ đại biểu các giới trên cả ba miền đất nước và cả đại biểu Việt kiều ở Xiêm, ở Lào. Đại hội đã nhất trí với chủ trương tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, nhất trí bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chiều hôm đó, mọi người tề tựu gần cây đa Tân Trào, cách đình Tân Trào 100m về phía Bắc, đúng 14h30, dưới lá cờ đỏ sao vàng, một đại đội Quân giải phóng đội ngũ chỉnh tề, đã làm lễ xuất quân.

Bên mái đình Tân Trào, tôi cố hình dung lại quang cảnh đình Tân Trào khi ấy. "Ở ngoài nhìn vào, phía bên trái là một cuộc triển lãm nhỏ, có những ảnh, những báo treo trên cây… Phía bên phải ở trên sân đình kê những ghế dài bằng cây tre là nơi Quốc dân Đại hội họp" (Huy Cận - Hồi ký song đôi). Đình Tân Trào, cũng như bao mái đình làng Việt khác, trang nghiêm, thân thuộc, nay đã trở thành một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Rời Tân Trào, những ấn tượng quê hương cách mạng còn âm vang mãi. Ước mơ Tân Trào sẽ là khu du lịch phát triển trong tương lai, cái nôi giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ, không chỉ của người Tân Trào, mà của tất cả chúng ta, những người đã và sẽ một lần về với Tân Trào, về với cội nguồn cách mạng.

. Khải Nhân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà trọ công nhân: Phát triển tự phát?   (31/08/2003)
Buồn - vui nhà trọ công nhân   (31/08/2003)
"Đổi nhà" cho con vào đại học   (29/08/2003)
Phước Mỹ - Còn đó nỗi lo phá rừng   (28/08/2003)
Năm học mới đến sớm  (27/08/2003)
Mưu sinh bên bãi sông   (26/08/2003)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)
Sôi sục những ngày tháng Tám ở Bình Định   (18/08/2003)
Những người lưu giữ ký ức   (17/08/2003)
Hôi chợ Việc làm tỉnh Bình Định được tổ chức sinh động, thiết thực   (16/08/2003)