Sự học ở Lộ Diêu
17:13', 2/9/ 2003 (GMT+7)

Trường "nhô" ở Lộ Diêu (ảnh: Công Tâm)

Năm 2000, cả thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, có 2 học sinh vào được trường Đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ). Đó là những sinh viên đầu tiên của cả thôn kể từ sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Khi năm học mới 2003-2004 sắp bắt đầu, tôi đã có dịp về lại Lộ Diêu. Ông Võ Xuân Kinh, Trưởng thôn Lộ Diêu, vui mừng thông báo: "Lộ Diêu đã có 6 sinh viên ĐH, CĐ." Để có được điều đó, học sinh, phụ huynh ở đây phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, bởi chữ "học" ở đây gắn liền với hình ảnh những học sinh gò lưng qua đèo cõng chữ…

* Chân dung "những nhà leo núi"

Khi chúng tôi về đến xã Hoài Mỹ cũng là lúc học sinh của Trường THCS Hoài Mỹ vừa tan buổi họp mặt. Hôm nay nhà trường tổ chức cho các em đến trường họp lớp, dọn vệ sinh để chuẩn bị cho khai giảng. Thầy Giang, Hiệu trưởng của trường, tươi cười: "Lát nữa tan trường, anh cứ theo chân các em học sinh Lộ Diêu để về bên ấy, anh sẽ thấu hiểu phần nào nỗi khổ của các em và trăn trở của chúng tôi".

Gần 10 giờ trưa, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình theo chân những cô cậu học trò nhỏ quê ở thôn Lộ Diêu, những thầy cô giáo ở đây vẫn thường hay gọi các em là "những nhà leo núi". Tôi và thầy Giang lẳng lặng đi theo sau các em. Cái nóng chừng như dữ dội hơn khi chúng tôi đến chân đèo. Từ dưới chân đèo nhìn ngược lên con đường đất đỏ trông từ xa như dải lụa vắt ngang lưng trời, bóng các em như những chấm trắng thoắt ẩn, thoắt hiện sau những lùm cây ven đường. Chúng tôi bắt đầu cho xe ì ạch bò lên đèo, chiếc Cub 70 mà thầy Giang đang điều khiển là chiếc xe duy nhất Phòng GD-ĐT huyện Hoài Nhơn cấp cho trường để làm phương tiện đi lại công tác ở Lộ Diêu. Bỗng chiếc xe khựng lại và tắt máy ngay giữa đỉnh đèo. Thầy Giang cười như mếu: "Chết rồi, xe bị rúp-bê máy mất rồi, thôi anh qua bên đó đi, tôi phải quay ngược trở lại đổ đèo để sửa chữa, khi nào xong sẽ qua, hoặc nếu có muộn quá thì ta hẹn gặp nhau tại trường trung tâm nhé! ".

Quãng đường từ bên trường trung tâm sang Lộ Diêu dài hơn 8 km, trong đó quá nửa là đèo núi. Cái đặc biệt của Lộ Diêu là miền biển nhưng lại có tính đặc thù của miền núi. So với xã miền núi duy nhất của Hoài Nhơn (được Nhà nước công nhận) là Hoài Sơn thì đường đi đến Lộ Diêu khó hơn rất nhiều, thậm chí đường đi đến La Vuông (Hoài Sơn) cũng chưa thể so sánh với địa thế nơi đây. Dốc gấp khúc, dựng đứng. Cũng do quãng đường đi khó khăn lại nguy hiểm nên các em học sinh buổi sáng phải bắt đầu đến trường trung tâm vào lúc 5 giờ và các em về đến nhà lúc 13 đến 14 giờ chiều. Còn học sinh buổi chiều thì đến trường lúc 10 giờ trưa và về đến nhà có khi đến 20 giờ. Gặp những tháng mùa đông, cái khổ của các em chừng như nhân lên gấp bội. Con đường đèo cao ngất là thế đến mùa mưa trở nên nhầy nhụa, trơn tuột. Đến giờ con cái tan trường, phụ huynh phải mang đèn, đội mưa, đội gió qua đèo để đón con cháu. Có tận mắt chứng kiến cái cảnh các em đi học về trưa, mặt mày tái nhợt vì đói, mồ hôi nhễ nhại vì trèo đèo lê từng bước chân mệt mỏi trên con đường đất đỏ mới thấu hiểu hết cái sự học nơi đây khổ như thế nào.

* 420 hộ dân và một ước mơ chưa thành hiện thực

Từ trên đèo cao nhìn xuống Lộ Diêu giống như chiếc cánh cung khổng lồ bật vào núi, do địa thế nơi đây hiểm trở nên ngày xưa "Đoàn tàu không số" đã từng dùng làm nơi trú ẩn. Diện tích tự nhiên của Lộ Diêu là 1.150 ha, có 420 hộ dân với 1.890 nhân khẩu đang sinh sống. Đời sống kinh tế chủ yếu của thôn là đánh bắt thủy sản và nông nghiệp. Tuy nhiên việc đánh bắt thủy sản thì bế tắc vì ngư trường ngày càng cạn kiệt, trong khi đó sản xuất nông nghiệp thì chủ yếu dựa vào nguồn nước trời nên cũng bấp bênh. Ước mơ của người dân Lộ Diêu là cho con cháu học lấy "cái chữ" để đời nó bớt khổ. Nhưng quả thật, để học lấy cái chữ cũng chẳng dễ dàng gì, cho nên đã không ít gia đình, không ít học sinh đành bỏ học nửa chừng theo cha, theo anh ra biển. Rồi thì cái vòng luẩn quẩn đó như cái "hạn" mà người dân Lộ Diêu đã bao đời qua vẫn chưa giải được.

Ông Võ Xuân Kinh, một người đã giữ chức vụ Trưởng thôn Lộ Diêu hơn 20 năm không giấu nỗi chua xót khi tâm sự: "Do tính đặc thù của địa phương, là miền biển nhưng lại có địa thế của vùng cao miền núi, con đường độc đạo đi đến đây đèo dốc hiểm trở, để cải tạo lại con đường là một điều không thể làm được, do đó chúng tôi chỉ mong ước làm sao Nhà nước xem xét để cho Lộ Diêu chúng tôi được xếp vào diện vùng sâu, vùng xa, để học sinh Lộ Diêu được hưởng các chế độ ưu đãi dành cho vùng sâu, vùng xa, khuyến khích các cháu đi học. Nếu được như thế may ra chúng tôi đỡ khổ một chút…".

Trước năm 2000, ở Lộ Diêu chỉ có một trường tiểu học, khi các em bước vào lớp 6 là phải vượt đèo ra ngoài trường trung tâm để theo học THCS. Đến năm 2000, được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm ở TP. HCM, Lộ Diêu được xây thêm một "trường nhô" gồm có 4 phòng để dạy lớp 6,7, nhưng khi lên lớp 8 thì các em lại phải tiếp tục hành trình vượt đèo cõng chữ.

Cái khó, cái khổ bây giờ tiếp tục nảy sinh trong hội đồng sư phạm của Trường THCS Hoài Mỹ. Lực lượng giáo viên của trường vốn đã mỏng, giờ phải tăng cường sang dạy bên Lộ Diêu nên càng mỏng hơn. Thậm chí một giáo viên sang dạy nơi đây phải ôm đồm cả những bộ môn khác. Khó khăn như thế nhưng những thầy cô giáo dạy ở Lộ Diêu cũng không được hưởng một chế độ ưu đãi nào. Có người còn tâm sự: "Nếu sang dạy ở Lộ Diêu thì thà rằng lên dạy vùng cao ở huyện An Lão hay Vân Canh còn sướng hơn." Đành rằng những thầy - cô giáo ở đây có thừa nhiệt tình và lòng say mê nghề nghiệp, nhưng theo chúng tôi, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến đời sống cũng như chế độ đãi ngộ đối với các giáo viên dạy ở Lộ Diêu, có như thế họ mới yên tâm và dốc hết lòng vì sự nghiệp "trồng người".

Thầy Nguyễn Lâm Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Mỹ, cho biết: "Đó thực sự là một khó khăn rất lớn cho trường, giáo viên của từng bộ môn không thể chạy xe qua Lộ Diêu dạy xong một tiết học lại chạy về bên này, do đó phải cử giáo viên qua ăn ở tại chỗ và phải dạy hết các bộ môn. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ về lâu về dài thì cách này không ổn được…".

Một năm học mới nữa lại về. Một hành trình vượt đèo cõng chữ của những "nhà leo núi nhỏ tuổi" ở Lộ Diêu lại đến. Một ước mơ vẫn còn canh cánh trong lòng những học sinh và người dân Lộ Diêu.

. Công Tâm

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa thu, về Tân Trào   (01/09/2003)
Nhà trọ công nhân: Phát triển tự phát?   (31/08/2003)
Buồn - vui nhà trọ công nhân   (31/08/2003)
"Đổi nhà" cho con vào đại học   (29/08/2003)
Phước Mỹ - Còn đó nỗi lo phá rừng   (28/08/2003)
Năm học mới đến sớm  (27/08/2003)
Mưu sinh bên bãi sông   (26/08/2003)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)
Sôi sục những ngày tháng Tám ở Bình Định   (18/08/2003)
Những người lưu giữ ký ức   (17/08/2003)