|
Nhà lưu niệm Chi bộ Hồng Lĩnh tại Nhơn Mỹ (ảnh: V.T) |
Tự hào là nơi khai sinh chi bộ cộng sản đầu tiên ở An Nhơn, người Nhơn Mỹ hôm nay đang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Cuộc sống mới bừng lên trên mỗi nếp nhà…
1. Từ huyện lỵ An Nhơn đi lên chừng 13km, đến thôn Đại An (xã Nhơn Mỹ), rẽ lên hướng bắc, ta gặp đồi Đại An, còn có tên khác là Hòn Chùa - nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh, chi bộ cộng sản đầu tiên ở An Nhơn.
Vào cuối những năm 1930, đầu năm 1931, phong trào quần chúng Bình Định phát triển khá sôi nổi. Để chặn đứng phong trào, thực dân Pháp và tay sai đã tăng cường khủng bố trắng. Phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề, các tổ chức cơ sở cách mạng phần lớn bị phá vỡ. Những năm 1932-1935, phong trào cách mạng toàn tỉnh ở vào giai đoạn hết sức khó khăn. Sau tháng 4 năm 1936, một số tù chính trị bị giam tại các nhà lao Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Kon Tum được trao trả tự do; trong đó có ông Huỳnh Đăng Thơ. Tại An Nhơn, ông Huỳnh Đăng Thơ đã tích cực tuyên truyền giác ngộ và phát triển Đảng cho một số thanh niên và nông dân tích cực ở các làng Đại An, Đại Bình (An Nhơn), An Vinh, Thủ Thiện (Bình Khê), liên lạc với một số đảng viên ở La Hai (Phú Yên) cùng hoạt động và bắt liên lạc với cấp trên.
Điều kiện đã chín muồi, ngày 20-10-1936, tại Hòn Chùa, một chi bộ Đảng được thành lập, lấy tên là Chi bộ Hồng Lĩnh. Ban đầu, Chi bộ có 7 người, do ông Nguyễn Mân làm Bí thư. Địa bàn hoạt động bao gồm các làng, xã thuộc hai huyện An Nhơn, Bình Khê và Nam Phù Cát. Sau khi thành lập, Chi bộ đã đẩy mạnh hoạt động phát triển đảng viên, xây dựng các tổ chức quần chúng, nhất là hội tương tế, tương ái để tập hợp rộng rãi nông dân và thợ thủ công địa phương; giáo dục chính trị cho quần chúng, phát động quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống sưu cao thuế nặng; phân công người đi Huế để bắt liên lạc với Xứ ủy lâm thời, giữ vững liên lạc với nhóm đảng viên La Hai...
Từ sau cuộc họp tại Đại An, các tổ chức quần chúng như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ phát triển tại nhiều làng quê. Các tổ chức phát triển rầm rộ, số hội viên ở An Nhơn, Bình Khê, nam Phù Cát phát triển lên 30 tổ với 500 hội viên, đảng viên.
Từ một lực lượng mỏng, chi bộ mở rộng địa bàn hoạt động. Các phong trào đấu tranh của nhân dân ngày càng được mở rộng, với các phong trào tiêu biểu như: chủ trương nông dân làng Đại An chống tệ nạn "thịt kiến" tháng 3-1937; đấu tranh đòi dân chủ dân sinh tại Chùa Ông - Đập Đá vào tối 11-2-1938; đấu tranh phản đối việc đánh đập, sa thải công nhân, đòi tăng lương, ngày làm việc 8 tiếng tại Hãng dệt Thái Phát (An Thái - An Nhơn) tháng 8-1938; tổ chức mít tinh kỷ niệm phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh tại Bàu Sấu với khoảng 500 đảng viên, quần chúng tham gia... Nhân dân ngày càng tin theo Đảng, đấu tranh trực diện với kẻ thù.
Sự ra đời của Chi bộ Hồng Lĩnh đã có ý nghĩa to lớn, ghi nhận một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng ở Bình Định. Chi bộ Hồng Lĩnh là tiền thân của Đảng bộ huyện Bình Khê (Tây Sơn), An Nhơn và Phù Cát sau này.
2. Đại An hôm nay trước mắt chúng tôi đã là một thôn xóm bình yên như bao làng quê Việt Nam khác. Trước Hòn Chùa, nay chỉ còn tấm bia di tích, ghi dấu sự kiện lịch sử và một cây khế cổ thụ gần hai trăm tuổi, vật chứng lâu đời của những biến thiên lịch sử đã diễn ra trên mảnh đất này. Cách đó chừng hơn cây số, tại trung tâm xã, Nhà Lưu niệm Chi bộ Hồng Lĩnh đã được xây dựng, lưu giữ những hình ảnh và hiện vật lịch sử gắn với phong trào đấu tranh cách mạng của Nhơn Mỹ và Chi bộ Hồng Lĩnh. Đặc biệt, kỷ niệm về những tháng ngày sôi nổi với các phong trào đấu tranh, luôn thường trực trong trí nhớ mỗi người dân.
Đại An đang trong quá trình xây dựng làng văn hóa. Ông Trương Ngọc Long, Bí thư Chi bộ thôn, hồ hởi cho chúng tôi biết, cả thôn có 212 hộ thì chỉ còn 6 hộ nghèo, không còn hộ đói. Ngoài cây lúa, những ngày nông nhàn, người Đại An còn có nghề làm nón với khoảng 80% số hộ làm nghề. Ông Long nhận xét: "So với 5 năm trước, đời sống của thôn hôm nay đã phát triển khá. Khoảng 90% hộ có ti vi, 70% hộ có xe máy. Tất cả con em trong tuổi đến trường đều đi học và tỷ lệ tốt nghiệp cả ba cấp học khá cao".
Không chỉ Đại An, mà cả 9 thôn của Nhơn Mỹ cũng đang khởi sắc từng ngày. Ông Huỳnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Tự hào với truyền thống của quê hương bao nhiêu, chúng tôi xác định: phải nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nhưng cái khó của Nhơn Mỹ là một xã thuần nông, nghề phụ có nhưng không lớn, làm thế nào để thoát cái thế độc canh cây lúa. Đây vẫn là trăn trở của chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng một số cây trồng cạn nhằm bảo đảm nguồn nước tưới; đồng thời phát triển chăn nuôi". Đến nay, tổng đàn gia súc của xã là 9.383 con, có 1.032 bò lai, đạt 44,5% so với tổng đàn. Một tỷ lệ khá cao. Ngoài ra, xã cũng đã bước đầu hình thành hai trang trại chăn nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo từ 10,5% năm 2001 nay đã giảm xuống còn 8%.
3. Đứng bên gốc khế cổ thụ, dưới chân Hòn Chùa, phóng tầm mắt ra xa, tôi như cảm thấy một sức sống mới, đang bừng lên trên từng tấc đất, ở một vùng quê giàu truyền thống. Phải chăng, chính truyền thống đó đã là sức mạnh, nâng bước cho người Nhơn Mỹ hôm nay trên con đường xây dựng quê hương giàu, đẹp. Tuy nhiên, người Nhơn Mỹ cũng rất mong Hòn Chùa, di tích lịch sử đã được UBND tỉnh xếp hạng, sẽ được bảo vệ tốt hơn, tránh hiện tượng đào lấy đất làm đường gây sạt lở như đã bắt đầu khởi phát hiện nay.
. Lê Viết Thọ
|