Năm học 2003-2004: Tất cả đã sẵn sàng
16:48', 4/9/ 2003 (GMT+7)

Lễ tuyên dương học sinh giỏi tại huyện Tuy Phước (ảnh: Diễm Phương)

Ngày 5-9, trên 410 ngàn học sinh trong toàn tỉnh đến trường tham dự ngày khai giảng truyền thống. Đối với các em, đây là mốc thời gian bắt đầu một chặng đường rèn luyện để mở mang kiến thức. Đối với ngành GD-ĐT, đây cũng là thời điểm cuối cùng để hoàn tất những công việc chuẩn bị cho năm học mới.

Theo dự báo của ngành GD-ĐT, năm học 2003-2004, học sinh các cấp vẫn tiếp tục biến động. So với năm học trước, quy mô học sinh tiểu học tiếp tục giảm khoảng 3.670 HS (1,96%), học sinh THCS tiếp tục tăng 4.960 HS (3,9%), học sinh bậc THPT tăng 1.904 HS (4,2%)… Sự tăng, giảm học sinh các bậc học, cấp học luôn đặt ngành GD-ĐT vào những khó khăn triền miên về thiếu trường lớp, thừa-thiếu giáo viên mà sự "đáp ứng" luôn ở trong tình thế bị động, bất cập.

Năm học 2002-2003, toàn tỉnh có 583 trường học, trong đó có 45 trường mầm non, 131 trường mẫu giáo dân lập, 244 trường tiểu học, 104 trường THCS, 46 trường THPT… với 8.481 phòng học. Tỷ lệ phòng học ở cấp tiểu học đạt 1,33 lớp/phòng, THCS là 1,58 lớp/phòng, THPT là 1,21 lớp/phòng… Để đáp ứng nhu cầu học sinh tăng, nhiều trường học mới đã tiếp tục được xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm học 2003-2004 như ở Vĩnh Thạnh, đã đầu tư xây dựng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện để chuẩn bị tách học sinh phổ thông ra khỏi Trường Nội trú dân tộc của huyện. Ở Phù Cát đã xây dựng Trường THCS Cát Minh để tách học sinh THCS của Trường THPT Phù Cát số 2. Ở Hoài Ân, xây dựng thêm trường PTTH (cấp 2 và 3) Ân Tường Tây để phục vụ nhu cầu đi học của học sinh ở các xã cánh nam của huyện; xây dựng Trường THCS Tăng Bạt Hổ để tách Trường THCS thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) mà quy mô học sinh ở đây đang trở nên quá tải…

Để đảm bảo đủ trường, đủ lớp cho học sinh, cũng ngay từ năm học trước, ngành GD-ĐT đã chủ động triển khai kế hoạch xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp phòng học, đặc biệt là xúc tiến chương trình "kiên cố hóa trường, lớp học". Theo chương trình này, trong năm 2003, tỉnh sẽ phải xây dựng mới để xóa 103 phòng học tạm và 476 phòng học chống ca ba. Đến nay, đã có 98 phòng học xây dựng xong được đưa vào sử dụng, 100 phòng học khác đang tiếp tục thi công. Bà Đoàn Thị Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Ngành đã chỉ đạo cho các trường có những biện pháp tạm thời để khắc phục tình trạng học ca ba như mượn cơ sở khác, phòng học khác để học tạm… Do đó, đến nay chưa có trường nào phải lâm vào tình trạng học sinh học ca ba.

Công tác chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 7 nói riêng và thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông nói chung cũng đã được ngành quan tâm, thực hiện. Đến nay, 1.879 giáo viên dạy lớp 2 và 4.795 giáo viên THCS đã được tập huấn dạy thay sách, đảm bảo 100% giáo viên dạy chương trình mới đều được bồi dưỡng phương pháp dạy mới trước khi bước vào giảng dạy. Về SGK, ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đến nay đã có trên 2,4 triệu bản SGK và sách giáo viên được phát hành. Trong đó, SGK và sách giáo viên lớp 2 có 475 ngàn bản, lớp 7 có 640,8 ngàn bản. Ngành cũng đã thực hiện việc cấp SGK lớp 2 và lớp 7 cho các xã đặc biệt khó khăn với số lượng trên 61 ngàn bản. Nhìn chung, lượng SGK, sách giáo viên đã có đủ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Về thiết bị dạy học, ngành đã đặt mua 9.130 bộ thiết bị dạy học lớp 2 và 2.880 bộ thiết bị lớp 7, đảm bảo mỗi lớp 2 có một bộ và 3 lớp 7 có một bộ thiết bị. Đến ngày 25-8, số thiết bị trên đã được phân phối về các trường đạt khoảng 60-65%...và dự kiến sau ngày khai giảng sẽ có đủ.

Năm học 2002-2003, toàn tỉnh có 13.783 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên trên lớp ở bậc tiểu học là 1,05 GV/lớp, THCS là 1,44 GV/lớp, THPT là 1,56 GV/lớp. Để bổ sung đội ngũ giáo viên đảm bảo yêu cầu giảng dạy trong năm học mới, ngành GD-ĐT đã phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền tổ chức tuyển thêm 641 giáo viên cho các cấp học. Cùng với số giáo viên đã có, năm học này tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung đủ giáo viên cho các cấp học (chỉ còn thiếu một số ít giáo viên địa lý, thể dục, họa và công nghệ…). Đội ngũ giáo viên đã được tổ chức bồi dưỡng chuyên môn hàng năm. Theo ông Trần Văn Quí, đã có 209 giáo viên mầm non và tiểu học được bồi dưỡng chuẩn hóa trong hè vừa qua. Bên cạnh đó, các lớp đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên đã tiếp tục được tổ chức, nhờ đó tỉnh đã có thêm 1.395 giáo viên tiểu học và 1.825 giáo viên THCS được đào tạo đạt trình độ đại học bằng phương thức học từ xa. Ngoài ra, ngành đã phối hợp với Trường Đại học Nghệ thuật Huế đào tạo thêm 100 giáo viên nhạc họa có trình độ trung cấp trở lên, 300 giáo viên cao đẳng TDTT cũng được ngành phối hợp với Trường Đại học TDTT đào tạo lên đại học TDTT… Đội ngũ giáo viên đã được tham gia các đợt bồi dưỡng chính trị thường xuyên trong hè…Do đó, có thể nói, hầu hết giáo viên trong toàn tỉnh đã sẵn sàng tâm thế để bước vào giảng dạy trong năm học 2003-2004.

. Ngọc Quỳnh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Mỹ: khi truyền thống là sức mạnh   (03/09/2003)
Sự học ở Lộ Diêu   (02/09/2003)
Mùa thu, về Tân Trào   (01/09/2003)
Nhà trọ công nhân: Phát triển tự phát?   (31/08/2003)
Buồn - vui nhà trọ công nhân   (31/08/2003)
"Đổi nhà" cho con vào đại học   (29/08/2003)
Phước Mỹ - Còn đó nỗi lo phá rừng   (28/08/2003)
Năm học mới đến sớm  (27/08/2003)
Mưu sinh bên bãi sông   (26/08/2003)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)
Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở một số Đảng bộ trong tỉnh   (19/08/2003)