Rộn ràng ngày hội khai trường ở Bình Định
9:31', 6/9/ 2003 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà phát biểu tại lễ khai giảng ở trường Quốc học Quy Nhơn (ảnh: Cát Hùng)

Một năm học mới lại bắt đầu. Sáng 5-9, cùng với 22 triệu học sinh (HS) trên cả nước, hơn 418 ngàn HS ở Bình Định nô nức bước vào lễ khai giảng năm học 2003-2004. Sau đây ghi nhận của Báo Bình Định về ngày hội khai trường ở tỉnh nhà.

Năm học 2003-2004 là năm học có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển giáo dục từ năm 2001 đến 2010 của Đảng. Theo dự báo của ngành GD-ĐT, năm học này số lượng HS có sự biến động so với các năm học trước; cụ thể toàn tỉnh có khoảng 182 ngàn HS tiểu học (giảm 3.670 HS), 132 ngàn HS THCS (tăng 4.960 HS), 47 ngàn HS bậc THPT (tăng 1.904 HS)… Để niềm vui ngày khai giảng năm học mới được trọn vẹn, ngay từ những ngày đầu tháng 9, ngành GD-ĐT đã có sự chuẩn bị về mọi mặt.

Trên địa bàn TP Quy Nhơn, không khí rộn ràng của năm học mới đã bắt đầu với lễ khai giảng của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vào sáng 4-9. Cũng từ chiều 4-9, nhiều trường THCS và tiểu học đã tổ chức thành từng đoàn cổ động vòng quanh các đường phố và hô vang các khẩu hiệu vận động cho ngày "toàn dân đưa trẻ đến trường". Đúng 7 giờ sáng 5-9, tất cả các trường chính thức bước vào lễ khai giảng. Tại trường THPT Quốc Học, ông Trần Xuân Bình (Phó Hiệu trưởng) đã đọc thư Chủ tịch nước Trần Đức Lương gởi giáo viên, HSSV cả nước. Năm học vừa qua, số lượng HS giỏi cấp quốc gia và cấp tỉnh của trường đều tăng hơn so với năm trước (11 HS giỏi quốc gia và 40 HS giỏi cấp tỉnh); là trường duy nhất trong tỉnh 3 năm liền có HS đậu tốt nghiệp 100%... Trong niềm xúc động, HS Nguyễn Ngọc Anh (lớp 10A3) hứa sẽ cố gắng phấn đấu để xứng đáng là HS của trường. Thay mặt cho lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà đã nhắc nhở thầy và trò trường Quốc Học nói riêng, các trường trên địa bàn tỉnh nói chung, phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa; đồng thời, kêu gọi ngành GD-ĐT và các ban, ngành, đoàn thể tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các trường hoàn thành tốt nhiệm vụ "dạy chữ, dạy người".

Học sinh trường THCS Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, cổ động chào mừng năm học mới (ảnh: Cát Hùng)

So với mọi năm, chương trình khai giảng của trường THPT Trưng Vương không có gì mới nhưng lại gây ấn tượng mạnh. Đó là việc 519 học sinh khối lớp 10 diễu hành qua trước mặt lễ đài với những tràng pháo tay cổ vũ và những bó hoa tươi thắm của các anh, chị lớp 11 và lớp 12. HS Lê Phùng Thiện (lớp 10A1) tâm sự: "Bước vào ngôi trường mới cũng là năm học mới, em sẽ phấn đấu học thật giỏi để đạt thành tích bằng hoặc hơn các anh chị lớp 11 và lớp 12 vừa được Ban giám hiệu gọi lên tặng thưởng trong buổi lễ khai giảng".

Ở các huyện, ngày khai trường cũng rộn ràng không kém. Mới từ sáng tinh mơ, dọc các con đường làng, HS cùng nắm tay nhau đổ về các điểm trường. Khắp nẻo đường, thôn xóm đâu đâu cũng tràn ngập những gương mặt rạng rỡ, những hoa và cờ. Năm học này, huyện Phù Cát có hơn 50 ngàn HS ở 67 trường thuộc các cấp học. Chuẩn bị cho năm học mới, ngay trong 3 tháng hè ngành GD-ĐT huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và địa phương bồi dưỡng chính trị, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; triển khai chương trình thay sách giáo khoa (SGK) cho lớp 2, lớp 7; bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy; xây dựng mới và sửa chữa trường lớp. Nhờ đó nhiều nơi số HS tăng cao, cũng như không để xảy ra tình trạng học ca 3.

Tại 2 huyện An Lão và Phù Mỹ, mặc dù trời đổ mưa nhưng các điểm trường vẫn tấp nập HS các cấp tề tựu đông đủ, đúng giờ. Năm học này, huyện An Lão có gần 8.160 HS, tăng 330 HS so với năm học trước. Đặc biệt tại các xã vùng cao, lần đầu tiên huyện An Lão tổ chức giảng dạy 25 lớp mẫu giáo với 224 HS độ tuổi 4-5; cấp miễn phí 15.900 cuốn vở cho 2.106 HS là con em người dân tộc thiểu số và HS các xã đặc biệt khó khăn. Từ ngày 25-8 tất cả HS bậc tiểu học và khối lớp 6,7 đã học trước một tuần theo chương trình 35 tuần của Bộ GD-ĐT. Riêng Phù Mỹ, một số xã miền biển tuy điều kiện đi lại, kinh tế còn khó khăn nhưng HS vẫn đến lớp với tỷ lệ cao, nhất là HS lớp 1. Tại Hoài Nhơn, năm học này toàn huyện có trên 40 ngàn HS các cấp. Chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT huyện đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để sữa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; đồng thời sửa chữa các điểm trường: Tiểu học Hoài Sơn 1, THCS Hoài Châu, tiểu học Hoài Tân 2, tiểu học Hoài Hải và xây dựng 5 thư viện chuẩn với kinh phí trên 1 tỷ đồng.

Trong không khí của ngày hội khai trường, ngành GD-ĐT huyện Tây Sơn như được tiếp thêm sức mạnh khi trường THCS Võ Xán là trường duy nhất ở Tây Sơn vinh dự đón nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh dành cho khối THCS. Trường Võ Xán đã có nhiều thành tích nổi bật trong giảng dạy và học tập, tiêu biểu là có 13 HS giỏi cấp trường, 23 HS giỏi cấp huyện và 6 HS giỏi cấp tỉnh, đặc biệt trường có 16 HS thi đậu vào trường chuyên Lê Quý Đôn tại kỳ thi mới đây… Ngoài phần thưởng nêu trên, tại lễ khai giảng, trường THCS Võ Xán cũng là đơn vị duy nhất ở Tây Sơn vinh dự được nhận bằng Công nhận đơn vị trường học văn hóa xuất sắc cấp tỉnh. Trước khi bước vào năm học mới, ngành GD-ĐT Tây Sơn đã được đầu tư trên 4,8 tỷ đồng để xây mới 173 phòng học, tu bổ nâng cấp 3 trường THCS, xây tường rào cổng ngõ cho nhiều trường khác. Đồng thời mua trang thiết bị đồ dùng dạy học phân phối cho các trường với tổng số tiền trên 620 triệu đồng.

Lễ khai giảng tại trường Quốc học - Quy Nhơn (ảnh: Cát Hùng)

Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, ngày khai trường đã thực sự trở thành ngày hội. Năm học này, toàn huyện có gần 8.000 HS ở các cấp học, trong đó số HS vào lớp một hơn 700 em. Để chuẩn bị cho năm học này, trước đó ngành GD-ĐT huyện đã đầu tư gần 600 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; tổ chức bồi dưỡng chương trình thay SGK lớp 2 và lớp 7 cho 250 giáo viên. Đặc biệt trong năm học này, ngành GD-ĐT Vĩnh Thạnh phối hợp với UBND xã Vĩnh Sơn huy động nhân dân làng O2 đóng góp xây dựng mới một điểm trường tại làng O2 (làng xa nhất của huyện Vĩnh Thạnh). Ngành cũng huy động được 34 em HS dân tộc Bana trong độ tuổi từ 6 đến 13 tuổi vào lớp 1. Với việc xây dựng mới điểm trường tại làng O2, Vĩnh Thạnh chính thức xóa điểm trắng về giáo dục. Một phụ huynh HS ở làng O2 xúc động nói: "Thật không thể nghĩ được là hôm nay làng chúng tôi đã có trường học, con em chúng tôi được học cái chữ ngay tại làng mình. Thật sự chúng tôi không biết nói gì để cảm ơn Đảng, cảm ơn ngành GD-ĐT đã quan tâm đến con em chúng tôi…"

Trong khi đó, tại một huyện miền núi khác là Vân Canh cũng đã có hơn 3.000 HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm hơn 50% số HS trong toàn huyện) đi học. Phòng GD-ĐT cũng đã cho 100% HS ở xã đặc biệt khó khăn và HS dân tộc thiểu số được mượn SGK; mở thêm trường bán trú dân nuôi liên xã, thị trấn, thu hút gần 400 em HS lớp 6,7,8,9 ở xã Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Thuận, thị trấn Vân Canh vào học; mở thêm lớp 8 ở trường bán trú xã Canh Liên để các em có điều học hết bậc THCS; đầu tư hơn 300 triệu đồng tu sửa nhà ở, nhà bếp, nhà ăn và các công trình vệ sinh, phấn đấu thu nhận 90% HS bán trú vào ở nội trú. Đồng thời triển khai các lớp phổ cập THCS ở xã Canh Thuận và Canh Hiệp để hoàn thành vào tháng 4 năm 2004. Đặc biệt 3 trường Mẫu giáo dân lập thuộc xã đặc biệt khó khăn là Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Liên được chuyển sang hệ quốc lập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng nuôi dạy các cháu nhằm rút ngắn khoảng cách GD giữa vùng thấp, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lễ khai giảng tại trường tiểu học Cát Chánh, Phù Cát (ảnh: Công Tâm)

Là vùng rốn của lũ, thực hiện theo chỉ đạo của Đảng bộ huyện và Sở GD-ĐT tỉnh, ngành GD-ĐT huyện Tuy Phước đã triển khai cho các trường tiến hành giảng dạy sớm 1 tuần. Tuy nhiên, không khí của ngày tựu trường năm học mới ở đây cũng không kém phần náo nức. Từ 7g sáng 5-9, 62 trường thuộc các bậc học từ mầm non đến THPT; từ vùng núi Phước Mỹ đến vùng sâu Cồn Chim (Huỳnh Giản) đều long trọng tổ chức lễ khai giảng, đón HS mới vào trường. Năm học 2003-2004, Tuy Phước huy động được hơn 41.000 HS ra lớp, biên chế vào 1.199 lớp. Để công tác dạy và học được từng bước nâng cao, từ trong hè, ngành GD-ĐT đầu tư 2,6 tỷ đồng nâng cấp sửa chữa gần 100 phòng học và các công trình phúc lợi khác, tu sửa đóng mới 600 bộ bàn ghế HS. Ngành đã đầu tư gần 1 tỷ đồng mua sách và đồ dùng dạy học phục vụ cho việc thay sách ở 2 lớp 2 và 7, đảm bảo cho hơn 90% tiết đạt ở khối lớp này có đồ dùng dạy học.

Năm nay, huyện Hoài Ân có trên 30.200 HS các cấp bước vào năm học mới 2003-2004 (10.979 HS bậc học mầm non, 7.897 HS THCS và 5.521 HS THPT). Để phục vụ tốt cho việc giảng dạy năm học mới, ngành GD-ĐT huyện đã đưa vào sử dụng 18 phòng học mới; tiếp nhận 11.808 bản SGK lớp 2 và lớp 7 cấp, trên 35.800 quyển vở do Ban Dân tộc - Miền núi Trung ương hỗ trợ cho HS mẫu giáo, bậc tiểu học cho HS ở 6 xã đặc biệt khó khăn. Phòng GD-ĐT huyện cũng đã trích kinh phí thường xuyên 249 triệu đồng để sửa chữa cơ sở vật chất ở các trường, từng bước triển khai chương trình kiên cố hóa trường học tại các xã Ân Thạnh, Ân Tường Tây, Ân Hữu và Ân Nghĩa.

Còn tại An Nhơn, trong năm học mới này, An Nhơn có hơn 45 nghìn học sinh. Chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD-ĐT đã đầu tư trên 3,4 tỉ đồng, xây dựng mới 32 phòng học và sữa chữa 8 phòng học cấp 4, đóng mới hàng nghìn bộ bàn ghế kịp đưa vào phục vụ trước ngày khai giảng. Mặt khác, cùng kinh phí hỗ trợ của tỉnh, An Nhơn đã chi gần 1 tỉ đồng mua SGK và trang thiết bị dạy học theo chương trình thay SGK lớp 2, lớp 7; phân phối đầy đủ cho 28 trường tiểu học và 12 trường THCS.

Sau những nghi lễ trong buổi khai giảng, là những tiếng trống vang lên giục giã báo hiệu một năm học mới đầy hứa hẹn. Kết thúc lễ khai giảng, những quả bong bóng đủ sắc màu đã được thả lên trời tượng trưng cho ước vọng của toàn thể thầy và trò trên quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ sẽ vươn tới những thành tích cao hơn trong năm học mới 2003- 2004.

. Nhóm PV và CTV

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Năm học 2003-2004: Tất cả đã sẵn sàng   (04/09/2003)
Nhơn Mỹ: khi truyền thống là sức mạnh   (03/09/2003)
Sự học ở Lộ Diêu   (02/09/2003)
Mùa thu, về Tân Trào   (01/09/2003)
Nhà trọ công nhân: Phát triển tự phát?   (31/08/2003)
Buồn - vui nhà trọ công nhân   (31/08/2003)
"Đổi nhà" cho con vào đại học   (29/08/2003)
Phước Mỹ - Còn đó nỗi lo phá rừng   (28/08/2003)
Năm học mới đến sớm  (27/08/2003)
Mưu sinh bên bãi sông   (26/08/2003)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)
Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng   (20/08/2003)