Thấy gì qua Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất?
16:30', 7/9/ 2003 (GMT+7)

Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-8-2003. Hội chợ là một trong những hành động thiết thực nhằm xây dựng, nuôi dưỡng và khai thác tốt nhất tiềm năng to lớn của mối quan hệ giữa Nhà nước, người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (LĐ), cơ sở đào tạo nghề và các Trung tâm giới thiệu việc làm trong việc xây dựng chiến lược tìm kiếm thêm việc làm và việc làm tốt hơn cho NLĐ, đặc biệt là tuổi thanh niên. Hội chợ cũng là một trong những việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo cơ hội việc làm cho NLĐ trong tỉnh, là yếu tố trọng tâm trong cuộc chiến chống lại nghèo đói của tỉnh, đồng thời là một trong những nội dung nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh trong tương lai.

Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức nhưng Hội chợ đã gây nhiều bất ngờ. Điều bất ngờ thứ nhất là, kế hoạch ban đầu dự định chỉ vận động 45 đơn vị tham gia và sử dụng từng ấy gian hàng. Nhưng đến trước ngày triển khai thiết kế mặt bằng Hội chợ thì có đến 59 đơn vị đăng ký tham gia và sử dụng 76 gian hàng, chưa tính hoạt động Hội trại của Tỉnh Đoàn.

Điều bất ngờ thứ hai là, tham gia Hội chợ không chỉ có các doanh nghiệp trong tỉnh mà còn có 11 doanh nghiệp ngoài tỉnh đến từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, các Chi nhánh của Trung ương tại các tỉnh phía nam.

Điều bất ngờ thứ ba là, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các đơn vị tại Hội chợ việc làm lần này là 18.500 người chiếm gần 92,5% số LĐ cần giải quyết việc làm hàng năm của tỉnh. Trong đó, số LĐ được tuyển chính thức tại Hội chợ so với số LĐ được sơ tuyển và phát giấy hẹn bổ sung hồ sơ để tuyển dụng trên 26% (các Hội chợ việc làm khác chỉ đạt khoảng 20%). Bên cạnh đó, ngành nghề tuyển dụng tại Hội chợ cũng rất đa dạng với 24 loại công việc khác nhau.

Điều bất ngờ thứ tư là, trong hai ngày diễn ra Hội chợ có 5 vạn lượt người đến tham dự và phân bổ đều trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ. Ngay buổi sáng khai mạc đã có gần 1 vạn người đến dự. Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ đã phát hành trên 23.500 bộ hồ sơ đăng ký tuyển LĐ. NLĐ đến Hội chợ tuyệt đại đa số là thanh niên và có nhu cầu việc làm thực sự. Đáng chú ý, đến với Hội chợ không chỉ LĐ trong tỉnh mà có cả LĐ của các tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Một số LĐ của tỉnh Bình Định đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng về dự Hội chợ, mong tìm được cơ hội làm việc tại tỉnh nhà.

Một trong những nội dung của Hội chợ việc làm lần này là tổ chức buổi giao lưu với chủ đề: "Cơ hội việc làm và nghề nghiệp" do Sở LĐ-TB-XH và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, Tỉnh Đoàn cùng phối hợp tổ chức. Buổi giao lưu có trên 300 LĐ ở hầu hết các địa phương, các thành phần kinh tế trong tỉnh tham gia và có 19 cơ quan, doanh nghiệp trả lời trực tiếp các câu hỏi của NLĐ. Tất cả các câu hỏi đặt ra rất thiết thực, thẳng thắn và chất lượng cao. Rất tiếc, buổi giao lưu quá ngắn (chỉ có 120 phút) trong khi rất nhiều vấn đề của NLĐ đưa ra chưa kịp giải đáp.

Qua những con số rút ra từ Hội chợ việc làm lần này đáng để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm suy nghĩ và tìm ra những giải pháp cho tương lai: Chỉ có 11 đơn vị ngoài tỉnh tham gia Hội chợ nhưng đã tiếp nhận 24,3% trên tổng số phiếu hẹn của NLĐ tại Hội chợ để tuyển dụng làm việc trong nước, trên 93,2% phiếu hẹn tuyển dụng LĐ có thời hạn ở nước ngoài, gần 35% số LĐ được tuyển dụng chính thức. Sau Hội chợ riêng Công ty giầy Đức Thành (TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức đưa 196 LĐ vào TP. Hồ Chí Minh trong các ngày 16 và 19-8-2003, Công ty EMI.Co tuyển dụng 50 LĐ nữ đi Đài Loan theo nghề lắp ráp điện tử. Ngoài ra còn có 40,8% số LĐ cần tư vấn về chính sách LĐ việc làm trong nước và 49,6% tư vấn về chính sách xuất khẩu LĐ là do các công ty ngoài tỉnh thực hiện. Điều này cho thấy, trong những năm trước mắt TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương vẫn là nơi tiếp nhận nhiều LĐ của tỉnh Bình Định. Đa phần LĐ muốn học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh (chiếm 95,6% số người nộp hồ sơ tuyển sinh). Nguyện vọng của thanh niên muốn tham gia học và làm việc các nghề: may công nghiệp, lắp ráp điện tử, cơ khí động lực, điện lạnh, tin học ứng dụng, chế biến gỗ công nghiệp. Hầu hết số người có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài muốn đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Số người đăng ký đi Malaysia rất ít, do lương thấp và điều kiện làm việc ở Malaixia chưa tốt. Các nghề chọn là loại nghề làm việc tại các nhà máy, công xưởng, không có trường hợp đăng ký đi làm điều dưỡng viên, giúp việc gia đình.

Một vấn đề cần phải hết sức lưu ý qua Hội chợ việc làm lần này là: "thừa thầy, thiếu thợ"; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm khá đông trong khi số LĐ kỹ thuật rất thiếu, nhất là ở các ngành cơ khí, điện, kỹ thuật xây dựng, da giầy, dệt nhuộm. Công ty tư nhân Duyên Hải có nhu cầu tuyển dụng chế biến gỗ 1.000 LĐ, tại Hội chợ tuyển dụng được 336 người, một phần ba của số LĐ này là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Tình trạng này cũng xảy ra ở Công ty TNHH Đức Duy, Tiến Đạt, COSEVCO, Công ty TNHH Mỹ Tài, An Bình, Công ty May mặc xuất khẩu Tân Châu, Công ty Hưng Nghiệp Fomosa... Tuyệt đại bộ phận LĐ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài là LĐ phổ thông, LĐ kỹ thuật chỉ có 0,9% trên tổng số LĐ được tiếp nhận hồ sơ.

Qua Hội chợ lần này cho ta thấy nhu cầu việc làm trong tỉnh rất lớn, nguồn LĐ dồi dào, khả năng tuyển dụng của các cơ sở sản xuất cũng rất lớn và đa dạng, nhất là các đơn vị ngoài tỉnh. Sau Hội chợ việc làm, ngành LĐ-TB-XH cần tiếp tục theo dõi việc tuyển chọn LĐ của các đơn vị tham gia Hội chợ, có kế hoạch hướng dẫn điều phối LĐ hợp lý từ nơi thừa đến nơi thiếu. Tiếp tục chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm tuyển dụng LĐ trong tỉnh cung ứng cho các đơn vị có nhu cầu trong tỉnh, ngoài tỉnh và các đơn vị tuyển dụng LĐ xuất khẩu.

Cần thực hiện các bước chuẩn bị cho Hội chợ việc làm trong năm 2004, có thể tổ chức sớm hơn vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, thời điểm mà các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề đang trong thời kỳ học tập và có thể tham gia trực tiếp Hội chợ việc làm, đồng thời là lúc thời tiết còn mát, tránh cái nắng gay gắt của mùa hè.

. Nguyễn Xuân Phong

(Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Định)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Rộn ràng ngày hội khai trường ở Bình Định   (06/09/2003)
Năm học 2003-2004: Tất cả đã sẵn sàng   (04/09/2003)
Nhơn Mỹ: khi truyền thống là sức mạnh   (03/09/2003)
Sự học ở Lộ Diêu   (02/09/2003)
Mùa thu, về Tân Trào   (01/09/2003)
Nhà trọ công nhân: Phát triển tự phát?   (31/08/2003)
Buồn - vui nhà trọ công nhân   (31/08/2003)
"Đổi nhà" cho con vào đại học   (29/08/2003)
Phước Mỹ - Còn đó nỗi lo phá rừng   (28/08/2003)
Năm học mới đến sớm  (27/08/2003)
Mưu sinh bên bãi sông   (26/08/2003)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)
Một gia đình văn hóa tiêu biểu   (21/08/2003)