Ghi nhận qua đợt đầu tập trung người lang thang, cơ nhỡ
16:44', 8/9/ 2003 (GMT+7)

Cơ quan chức năng đang phân loại các đối tượng lang thang cơ nhỡ

Cuối tháng 8 vừa qua, đợt thu gom cao điểm đầu tiên đối với các đối tượng lang
thang, cơ nhỡ đã tập trung được 134 người sống lang thang về các trung tâm xã hội. Cuộc sống của họ rồi sẽ ổn…

* Đời lang thang

Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Quảng Thị Mẫn, 39 tuổi, 3 đứa con, đứa lớn đã sang tuổi 14. Trông chị gầy khẳng, xác xơ. Mười ba năm nay, gia đình chị "định cư" ở đường 31-3, TP. Quy Nhơn. Ban ngày vợ đi nhặt ve chai, chồng đạp xích lô, đứa lớn đi bán vé số. Tối về lại chui rúc trong góc đường mà ngủ. Mùa hè thì sao cũng được, còn mùa đông gia đình phải nép vào nhau, kiếm miếng ny lon phủ ngoài màn cho đỡ rét mướt. "Người ta thương tình cho tui cái nệm này mà ngủ", chị Mẫn chỉ vào tấm nệm cũ mèm, rách tơi tả. Trên đó là 3 đứa con của chị đang ngủ ngon lành. Chị Mẫn kể, nhà mẹ chị ở đường Tháp Đôi (tổ 13, khu vực 3, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) nhưng từ khi "xuất giá theo chồng" thì chị cam lòng đi ở "bụi". Trừ thằng lớn được đẻ ở nhà ngoại, còn hai đứa sau chị đều đẻ ở ngoài đường. Cuộc sống không ổn định, lấy vỉa hè làm nhà, gặp chủ nhà tử tế thì nhờ, còn không thì lại tìm chỗ khác. Thằng con lớn học tới lớp hai thì nghỉ, đi bán vé số, còn hai đứa nhỏ học lớp học tình thương ở phường Hải Cảng.

So với ba đứa con của chị Mẫn thì cậu bé Nguyễn Thi Hùng, 10 tuổi, còn khốn khổ hơn nhiều bởi cậu sống vất vưởng một mình ở Quảng trường Chiến Thắng (TP. Quy Nhơn). "Cha cháu là ai?" - Không biết. Cậu bé chỉ biết mẹ tên là Thủy, có chị tên Hà học ở TP Hồ Chí Minh và một người dì tên Bích. "Nhà ông ngoại cháu ở tận Quảng Ngãi lận", bé Hùng chỉ nhớ đến vậy. Người ta mua cho ổ bánh mì, cậu cứ khư khư ôm lấy, như sợ ai cướp mất.

Trong số những người chúng tôi gặp thì có lẽ cụ bà Lưu Thị Thảo là người cao tuổi nhất, 81 tuổi. Bà vốn ở khu phố 4, phường Lê Mao, thành phố Vinh (Nghệ An) mới tới Quy Nhơn được một tuần nay. Chồng và ba người con của bà đã chết trong một trận bom năm 1964. Bà sống sót bởi khi ấy bà đang hái rau ngoài đồng. Bà xách nước thuê, bán vé số đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi tuổi cao sức yếu, đến công việc nhẹ nhất cũng chẳng kham nổi, anh em dù có cũng khó lòng nhờ nên khi nghe một số người rủ vào Nam kiếm sống bà quyết định đi theo. Đến Quy Nhơn thì bà dừng bởi chẳng còn sức và ở ngay khu vực rạp Lê Lợi và Hiệu sách Tổng hợp để xin ăn.

* Định cư cho người lang thang

Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Tổ trưởng Tổ Thường trực:

Đối với người lang thang trong tỉnh, nếu còn gia đình hoặc người thân thích chúng tôi sẽ chuyển trả về địa phương giao cho gia đình và địa phương quản lý. Chính quyền cùng các đoàn thể ở đó có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ có nhà để ở, đất sản xuất, có việc làm và con cái được học hành (áp dụng các chính sách như đối với hộ nghèo, người nghèo). Người có sức lao động tạm thời được cứu trợ từ 3 đến 6 tháng (10 kg gạo/tháng). Riêng đối với người lang thang còn người thân ở địa phương nhưng hết sức lao động thì được đưa vào diện cứu tế thường xuyên (45.000 đồng/tháng). Với người lang thang ngoài tỉnh có kế sinh nhai, Tổ Thường trực sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp để giải quyết. Theo tôi, với những người lang thang, không kể trong và ngoài tỉnh, nếu lao động kiếm sống lương thiện, có đăng ký tạm trú không hề gây mất an ninh trật tự, họ vẫn được tiếp tục lao động. Tuy nhiên, với những người ngủ vật vạ ngoài đường, chúng tôi buộc phải trả về nguyên quán.

Trong số 134 đối tượng lang thang, cơ nhỡ tập trung được, sau khi được đưa về Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội tỉnh để phân loại bệnh lý và xác định đối tượng, các cơ quan chức năng đã chuyển 30 đối tượng tâm thần vào Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn, đưa 21 người vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và chuyển trả về địa phương 84 người trong đó có 49 người trong tỉnh.

Đây là nỗ lực của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho những người yếu thế trong xã hội có cuộc sống ổn định và được chăm sóc tốt hơn. Trước đó, UBND tỉnh đã thông báo cho các cơ quan, ngành chức năng chuẩn bị tốt cho công tác thu gom. Ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn thông báo: "Chúng tôi đã làm vệ sinh sạch sẽ và cấp phát quần áo cho các bệnh nhân mới vào. Tuy nhiên, các trang thiết bị như giường, tủ, bàn ghế ăn cho các bệnh nhân vẫn còn thiếu." Còn tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Châu cho biết: "Đã thu xếp chỗ ở ổn định cho các đối tượng mới vào. Mức ăn của họ cũng giống như những đối tượng khác trong Trung tâm là 130.000 đồng/người/tháng".

Về kết quả thu gom đợt đầu, ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Tổ trưởng Tổ thường trực về công tác này của tỉnh, đánh giá: "Do có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và địa phương nên việc tổ chức thu gom đã diễn ra thuận lợi. Sau khi được đưa về khu tập trung, các đối tượng đều được chăm sóc chu đáo về sức khỏe và nơi ăn chốn ở. Chỉ trong vòng 3 ngày, chúng tôi đã phân loại xong đối tượng". Tuy nhiên, theo ông Hải, số đối tượng đã thu gom chỉ bằng nửa so với kết quả điều tra sơ bộ ban đầu. "Có thể họ biết qua các phương tiện thông tin đại chúng nên đã tự nguyện về quê nhưng cũng không loại trừ khả năng các đối tượng tạm thời tránh né". Hiện nay việc xác định các đối tượng ngoài tỉnh (hiện có người lang thang của 15 tỉnh thành khác) rất khó khăn bởi các cơ quan chức năng chỉ dựa vào lời khai của họ là chính.

Từ nay đến cuối năm 2003, ngoài những đợt thu gom thường xuyên, tỉnh sẽ tiến hành hai đợt  thu gom cao điểm nữa (đợt hai từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 11). Với những kết quả đạt được trong đợt  thu gom đầu tiên, chúng ta có thể tin rằng những người yếu thế trong xã hội sẽ được sống tốt hơn và đến năm 2004 Bình Định sẽ không còn những người lang thang trên các nẻo đường phố.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thấy gì qua Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất?   (07/09/2003)
Rộn ràng ngày hội khai trường ở Bình Định   (06/09/2003)
Năm học 2003-2004: Tất cả đã sẵn sàng   (04/09/2003)
Nhơn Mỹ: khi truyền thống là sức mạnh   (03/09/2003)
Sự học ở Lộ Diêu   (02/09/2003)
Mùa thu, về Tân Trào   (01/09/2003)
Nhà trọ công nhân: Phát triển tự phát?   (31/08/2003)
Buồn - vui nhà trọ công nhân   (31/08/2003)
"Đổi nhà" cho con vào đại học   (29/08/2003)
Phước Mỹ - Còn đó nỗi lo phá rừng   (28/08/2003)
Năm học mới đến sớm  (27/08/2003)
Mưu sinh bên bãi sông   (26/08/2003)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (25/08/2003)
Vệ sinh môi trường nông thôn – Bài toán chưa có lời giải   (24/08/2003)
Chạy đua chọn trường cho con   (23/08/2003)