|
Đầu lân và mặt nạ ông địa được 'sản xuất' tại nhà anh Thái |
Sắp đến Trung thu, chúng tôi tìm đến hẻm 285/8 Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) tìm nhà ông Phan Truyền - một lão làng trong nghề làm lân, địa. Vào đến trước cửa nhà, tôi đã nhìn thấy ngổn ngang những đầu lân, địa trắng xóa chưa được tô kẻ phơi đầy ngoài sân cùng với một đám trẻ con đứng trước nhà chờ đợi. Anh Phan Thanh Thái (con trai ông Truyền) mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi lem luốc sơn vội dọn tạm đồ nghề lỉnh kỉnh dàn đầy trong căn phòng để có chỗ cho tôi ngồi, rồi nói như phân bua: "Phải tranh thủ có nắng phơi lân cho khô để làm kịp hàng đã đặt. Hàng làm không kịp mà bọn trẻ đến mua cứ réo mãi".
Qua trò chuyện với anh, chúng tôi được biết, gia đình anh làm nghề sản xuất lân, địa từ năm 1978. Má anh vốn dĩ là người dân xứ bắc, hồi ấy bà thường buôn đồ trung thu, thấy ngoài Hà Nội có nhiều người làm lân, địa mà ở Quy Nhơn thì chưa có, nên bỏ vốn làm. Bà lấy mẫu ngoài Hà Nội về cho cha anh - ông Phan Truyền - xem rồi làm theo. Vốn có máu sáng tạo nghệ thuật, cha anh tìm tòi mẫu, nhất là các mẫu lân của người Tàu để làm đầu lân có mẫu mã phong phú hơn. Anh Thái theo cha học hỏi nghề. Những năm gần đây, cha anh đã già yếu, mắt kém nên anh phải đảm đương hết mọi công việc.
Vật liệu để chế tạo lân rất đơn giản, gồm: giấy, hồ, tre, vải, hột châu, sơn, len, lân và khuôn lân bằng xi măng. Hiện thời, anh có 10 khuôn lân tự tạo với kích cỡ khác nhau. Để tạo được đầu lân, anh lấy giấy báo lót lên khuôn xi măng rồi bắt đầu cắt bìa dán lên lớp giấy báo. Phải dán cho đều, không dày quá, không mỏng quá. Dày thì múa không nổi, mỏng thì mau hư. Đầu lân được chống đỡ bằng khung tre. Khi lớp hồ khô, gỡ khung đầu lân ra và quét lót lớp sơn tráng lên bìa rồi đem phơi nắng. Đầu lân khô, bắt đầu khâu trang trí. Dụng cụ làm đầu lân gồm: dây thép, dây dù, 1 sợi dây thun để có sự đàn hồi. Dây dù dùng để điều khiển mắt và tai. Ở hai bên đầu lân đều có 1 công tắc để điều khiển bóng đèn ngay con mắt, 2 râu mũi lân được làm bằng len. Những cục châu làm mắt và lông được mua từ TP Hồ Chí Minh. Khi sơn màu chưa khô thì rải kim tuyến lên những chỗ cần trang trí. Lân lớn nhất thì 2-3 ngày mới làm xong 1 cái, lân nhỏ 1 ngày 1 cái, nhỏ hơn nữa thì ngày 10 cái. Lân lớn nhất giá 400.000 - 450.000 đồng/cái. Lân loại vừa thì 100.000 - 120.000 đồng/cái, lân nhỏ thì 20.000 - 80.000 đồng/cái. Ngoài lân, anh còn làm mặt nạ ông địa. Hiện anh có 4 mẫu ông địa. Loại khó làm thì ngày 3 cái, dễ thì ngày 10 cái. Giá "ông địa" bỏ sỉ 8.000 đồng/cái, có lúc lên 12.000 đồng/cái (do không đủ hàng đáp ứng phải thức khuya để làm).
Một bộ lân gồm: Tề thiên, Bát giới, đầu lân và ông địa. "Trọn bộ" thiên-địa-giới đẹp nhất tổng giá là 32.000 đồng. Còn giá đầu lân chủ yếu phụ thuộc vào kích cỡ.
Tại cơ sở của anh Thái, tới mùa Trung thu mới làm lân, địa nhưng lúc trái mùa nếu có khách hàng yêu cầu thì anh vẫn làm. Qua mỗi năm, số lượng lân, địa càng tăng. Năm nay anh đã sản xuất được cả ngàn lân, địa lớn nhỏ. Nguồn tiêu thụ chủ yếu ở Quy Nhơn, Phú Tài. Các tỉnh bạn như Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa phải đặt trước 20 ngày. Số lượng hàng đặt nhiều nhưng làm không kịp cho nên có lúc anh không dám nhận hàng.
Khi được hỏi yếu tố nào khiến cơ sở sản xuất lân, địa của anh lại thu hút khách hàng đông đến như vậy, anh "bật mí": "Phải đảm bảo chắc, đẹp, bền và điều quan trọng mẫu mã phải có sự sáng tạo phong phú".
Tiễn chúng tôi ra cửa, đám trẻ con lại kéo đến réo đòi vợ chồng anh làm nhanh để giao hàng. Nhìn dáng vẻ bận rộn của anh lúc này, tôi chợt nghĩ, nghề làm lân, địa cũng hay, nó vừa góp phần làm cho người sản xuất có thu nhập mà cũng vừa mang lại niềm vui cho biết bao nhiêu em nhỏ đang náo nức chờ đợi Tết Trung thu...
. Thu Hiền
|