Sôi động phong trào chơi phong lan ở Quy Nhơn
16:8', 12/9/ 2003 (GMT+7)

Bà Trần Thị Ngọc Oanh, chủ vườn lan Song Thảo, đang chăm sóc lan

Thời gian gần đây, phong trào kinh doanh và chơi hoa lan ở Quy Nhơn phát triển mạnh. Người chơi hoa lan ngày càng nhiều hơn, và khác với trước phần đông những người chơi lan thuộc về tầng lớp trung bình chứ không phải chỉ có hàng "quý tộc".

* Bình dân hóa một thú chơi quý tộc

Khoảng 5 năm trước, phong lan được xem là một loài hoa "quý tộc" và cả thành phố chỉ có khoảng vài mươi người chơi loại hoa này. Bởi lẽ, vào thời điểm ấy, một giò lan thấp nhất cũng cả trăm nghìn, gặp lan ngoại giống hiếm giá lên đến vài triệu vì lan ngoại đỏng đảnh rất khó nuôi. Đã vậy, những tài liệu hỗ trợ người chơi hoa lại rất hiếm.

Không như các giống hoa khác thường chỉ nở vào một mùa nhất định, hoa lan là loại hoa có thể chơi suốt bốn mùa trong năm. Một giò lan được cho là đẹp khi nó hội đủ các yếu tố: giống mới, nhiều hoa, bông to, cánh kín và màu sắc phải tươi đẹp. Vài ba năm gần đây, phong lan nhập ngoại từ Thái Lan, Đài Loan tràn ngập thị trường Việt Nam. Nhiều giống lan được di thực, thuần dưỡng để phù hợp với khí hậu Việt Nam, từ đó phong trào chơi phong lan ở Bình Định có điều kiện phát triển mạnh. Giá hoa ngày càng rẻ, tài liệu hướng dẫn nuôi trồng nhiều, giống hoa dễ chăm sóc có chủng loại nhiều hơn. Và đặc biệt các nhà nhập khẩu thường xuyên nhập về nhiều giống hoa đẹp, thời gian nở lâu hơn, dễ chăm sóc hơn. Anh Nguyễn Minh Hoàng (85 Trần Cao Vân - Quy Nhơn) cho biết: "Mình rất thích chơi phong lan nhưng mấy năm trước giá cao quá, một giò lan vừa mắt cũng mất ít nhất nửa chỉ vàng. Trong khi ấy mình chưa biết gì về loài hoa này nên không dám chơi. Giờ thì hoa rẻ hơn nhiều, tài liệu về loài hoa này được biên soạn, xuất bản rất nhiều, trên các trang web thì vô tư, chỉ cần bỏ ra vài ba chục ngàn là mình có thể tậu một giò lan Dendro khá đẹp để treo chơi".

Quy Nhơn là nơi tiêu thụ phong lan lớn nhất Bình Định. Phong lan bán phổ biến trên thị trường chủ yếu các loại như: Dendrobium (Trúc lan), giá cây đã ra hoa từ 50.000 -100.000 đồng/giò; Phalaenopsis (Hồ điệp), giá từ 85.000-150.000 đồng/giò; và các loại như Oncidium (Vũ nữ), Vanda (Vân lan), Cattleya (Cát lan) có giá từ 50.000 đến vài triệu đồng/giò. Riêng Ngọc điểm có hai loại, giá ngoại nhập đắt hơn rất nhiều so với Ngọc điểm mọc ở rừng Việt Nam... Mỗi giống lan có rất nhiều loài tương ứng với các kiểu hoa, sắc hoa khác nhau. Ví dụ ở thị trường Quy Nhơn, giống lan hài hiện có các loài như: Hài gấm, Hài hồng, Hài râu, Hài bóng, Kim hài, Hài đỏ... Hồ điệp có khoảng 10 loài, Cát lan cũng có khoảng 50 loài khác nhau. Những người trồng phong lan vì mục đích kinh doanh thường phát triển trồng Dendrobium vì giống này dễ trồng, giá rẻ, hoa nhiều, lâu tàn, dễ cắt cành, dễ tiêu thụ. Giá một giò Dendro khoảng 30.000-50.000 đồng. Còn những người vừa chơi vừa kinh doanh thì trồng đủ các loại từ Vũ nữ, Lan hài, Hồ điệp, Đại châu (hay còn gọi là Lan báo hỉ, Nghinh xuân, Đuôi chồn), Vân lan (những loại này có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn/giò)... Nhưng dù có là dân kinh doanh hay chỉ chơi tài tử cũng vậy, đã chơi phong lan không thể không có vài giò Cattleya – loại lan được mệnh danh là Hoàng hậu lan.

* Chơi lan amateur

"Lan amateur" là tiếng lóng của những người chủ vườn lan đặt tên cho những người chơi lan tài tử, chỉ chơi và không kinh doanh. Ông Nguyễn Giỏi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phong lan Quy Nhơn, cho biết: "Hiện nay Quy Nhơn có hơn 500 người chơi lan, trong đó 80% trong số này là dân amateur. Những người chơi lan theo kiểu này đang có xu hướng phát triển ngày càng nhiều".

Quy Nhơn có khá nhiều điểm chuyên kinh doanh phong lan và được chia ra làm hai trường phái khác nhau. Nhóm thứ nhất là những người kinh doanh theo kiểu "mì ăn liền", nhóm này thường buôn bán hoa tại khu vực Công viên Quang Trung. Nhóm thứ hai là kinh doanh bằng cách nhập mô, hoặc cây lan con, sau đó ươm trồng cho đến khi ra hoa mới tung ra bán. Nhóm này, hiện nay ở Quy Nhơn có 2 điểm lớn: vườn lan 96 Nguyễn Thái Học và một điểm có qui mô khá lớn vừa xuất hiện hơn một tháng nay tại Quy Nhơn là vườn lan Song Thảo (nằm trên đường Phạm Hùng, đoạn nối dài). Bà Trần Thị Ngọc Oanh, chủ vườn lan Song Thảo, cho biết: "Phong lan càng đắt tiền thì càng khó chăm sóc. Phong lan cũng rất nhạy cảm với ánh sáng, thời tiết. Tùy theo loại lan vào thời kỳ sinh trưởng mà áp dụng các chế độ nước tưới, ánh sáng, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh phù hợp... Vì vậy mỗi khi khách hàng đến mua chúng tôi sẵn sàng giúp họ những kinh nghiệm chăm sóc phù hợp với loại lan họ mua. "

Việc xuất hiện ngày càng nhiều các loại hoa lan ngoại ở Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung đã góp phần làm phong phú thêm thị trường hoa cảnh ở Bình Định. Trong chừng mực nào cũng có thể nói rằng - người dân Quy Nhơn ngày càng trở nên thân thiện với môi trường hơn.

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Còn những điểm chưa phù hợp với thực tế   (11/09/2003)
Nghề làm lân, địa   (10/09/2003)
Hội Trăng rằm cho tuổi thơ   (09/09/2003)
Ghi nhận qua đợt đầu tập trung người lang thang, cơ nhỡ   (08/09/2003)
Thấy gì qua Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất?   (07/09/2003)
Rộn ràng ngày hội khai trường ở Bình Định   (06/09/2003)
Năm học 2003-2004: Tất cả đã sẵn sàng   (04/09/2003)
Nhơn Mỹ: khi truyền thống là sức mạnh   (03/09/2003)
Sự học ở Lộ Diêu   (02/09/2003)
Mùa thu, về Tân Trào   (01/09/2003)
Nhà trọ công nhân: Phát triển tự phát?   (31/08/2003)
Buồn - vui nhà trọ công nhân   (31/08/2003)
"Đổi nhà" cho con vào đại học   (29/08/2003)
Phước Mỹ - Còn đó nỗi lo phá rừng   (28/08/2003)
Năm học mới đến sớm  (27/08/2003)