|
Năm học mới 2003-2004 đã bắt đầu |
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định: Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là một trong những khâu đột phá đưa đất nước đi vào thế kỷ 21, từng bước phát triển kinh tế tri thức, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản đưa nước ta thành một nước công nghiệp. Quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết, sau hơn 2 năm thực hiện, sự nghiệp GD-ĐT Bình Định đã có nhiều khởi sắc. Kết quả nổi bật là đến nay toàn tỉnh đã có 153/155 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ (tăng 5 xã so với năm 2001), chiếm 98,7%, đặc biệt có 104/155 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (tăng 67 xã so với năm 2001), chiếm 67,1%; 97,2% dân số trong độ tuổi 15 đến 35 biết chữ; 94,8% số trẻ em 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học. Chúng ta cũng đã có 125/155 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS, chiếm 80,6%, có 3 huyện Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn đạt chuẩn phổ cập THCS.
Với việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đã làm thay đổi diện mạo của hệ thống giáo dục tỉnh nhà. Mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp: trường tiểu học đã có ở thôn, làng; trường THCS đã có ở xã hoặc liên xã; ở mỗi huyện, thành phố hoặc cụm xã, phường đều có trường THPT. Toàn tỉnh đã có 23 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (tăng 20 trường so với năm 2001). Số trường ngoài công lập tăng đáng kể, nhất là ở mẫu giáo và THPT. Bên cạnh đó, quy mô giáo dục tiếp tục phát triển ở hầu hết các cấp học, bậc học. So với năm học 2000-2001, tổng số học sinh đi học của Bình Định tăng từ 40,7 vạn lên 42,6 vạn vào năm học 2002-2003; trong đó số cháu đi nhà trẻ tăng 67,8%, mẫu giáo tăng 11,2%, THCS tăng 19,2%, THPT tăng 5,3%, THCN và dạy nghề tăng 45,8%, đại học và cao đẳng tăng 22,7% (riêng tiểu học giảm 7,6%). Số học sinh dân tộc ít người đi học phổ thông chiếm 27,5% so với số dân là người dân tộc ít người. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập ở nhà trẻ đạt 54,2%, mẫu giáo 93% (cả nước 59,56%), THPT 46,9% (cả nước 32,6%). Tỷ lệ học sinh đi học so với dân số trong độ tuổi ở các cấp học ngày càng tăng và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra giữa nhiệm kỳ.
Niềm tự hào của ngành GD-ĐT Bình Định trong những năm gần đây là chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn có bước phát triển mới. Số học sinh khá, giỏi tăng đáng kể qua các năm. Tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trong năm học 2002-2003, ở khối lớp 5 có 154 học sinh đạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh (tăng 34 giải so với năm học trước); ở khối lớp 9 có 156 học sinh đạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh, tăng 3 giải so với năm học trước. Tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, năm 2001 Bình Định có 39 học sinh đạt giải, năm 2002 có 38 học sinh đạt giải và năm 2003 có 53 em đạt giải.
Đến thời điểm này, chúng ta không những khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, mà còn có một đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn về trình độ. Không những thế, số giáo viên có trình độ đạt chuẩn và vượt chuẩn này ở một số cấp học còn cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn ngành hiện có 13.783 giáo viên; trong đó có 65,4% giáo viên mầm non (cả nước 54,5%), 86,2% giáo viên tiểu học (cả nước 87,5%), 97,8% giáo viên THCS (cả nước 91,05%), 99,7% giáo viên THPT (cả nước 95,35%), 98,1% giáo viên THCN (cả nước 85,17%) đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Thành quả mà ngành GD-ĐT Bình Định đạt được trong hơn 2 năm qua là rất đáng khích lệ. Song, bước vào năm học mới, sự nghiệp GD-ĐT Bình Định vẫn còn nhiều việc phải làm. Kết quả xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi chưa thật vững chắc; tiến độ phổ cập THCS ở 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão còn chậm. Việc hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh còn nhiều khó khăn. Ở những vùng sâu, vùng xa, chất lượng giáo dục chậm được cải thiện, hiệu quả giáo dục chưa cao. Phương pháp giáo dục còn nặng về truyền thụ kiến thức, chưa khuyến khích sự năng động, sáng tạo của học sinh, chưa coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên năng lực tự lập tư duy và năng lực thực hành. Cơ sở vật chất trường học vẫn còn trong tình trạng nghèo nàn, còn 40% số phòng học xây dựng lâu năm, không đúng tiêu chuẩn nay đã xuống cấp nhưng chưa được xây dựng lại. Phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy và học tập mới đáp ứng khoảng 30% yêu cầu, tình trạng dạy chay, học chay vẫn còn phổ biến.
Mặc dù còn đó những khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về GD-ĐT và với những hành trang đã tạo dựng được trong những năm qua, trong năm học 2003-2004, ngành GD-ĐT Bình Định sẽ gặt hái những thành quả mới, rực rỡ hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
. Hồ Xuân Ánh
|