"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót
16:17', 18/9/ 2003 (GMT+7)

Tại cuộc gặp gỡ giữa UBND tỉnh Bình Định (BĐ) với các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, các đại biểu đã được phát một số tài liệu trong đó có ấn phẩm Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư (DLBĐ–TN và TVĐT). Trớ trêu thay, ấn phẩm này lại có khá nhiều sai sót,  ngay cả với những người không biết nhiều lắm về BĐ cũng dễ dàng phát hiện ra điều này.

1. Trước tiên cần phải ghi nhận rằng, DLBĐ–TN và TVĐT (Chịu trách nhiệm xuất bản: UBND tỉnh BĐ, tổ chức thực hiện: Báo Doanh Nghiệp, Giấy phép xuất bản: 79-02/XB-IN ngày 25-12-2002) là một ấn phẩm được trình bày sinh động, chất lượng in ấn cao, ảnh minh họa khá đẹp và hấp dẫn. Mục đích của ấn phẩm như tên gọi là để giới thiệu "tiềm năng và triển vọng đầu tư" trong lĩnh vực du lịch ở BĐ.

Đáng tiếc, ấn phẩm này có nhiều sai sót, khó chấp nhận được. Hẳn ai cũng biết rằng "triển vọng" mà chúng ta mang ra giới thiệu chỉ thật sự thu hút được nhà đầu tư nếu ta nói thật. Nói cách khác, tiềm năng thật thì mới đẻ ra triển vọng hấp dẫn. Nhưng ngay ở trang đầu tiên, người xem đã thấy xuất hiện sự bất ổn. Ai cũng biết rằng phía trước tháp Dương Long hoàn toàn không có hồ nước nào. Thế nhưng ngay ở trang đầu tiên tháp Dương Long của Bình Định đã được các tác giả "chế" thêm một cái hồ nước trông như lăng Taj Mahan (Ấn Độ). Chưa nói rằng nếu có hồ nước phía trước tháp sẽ đẹp hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn hay không nhưng sẽ ra sao nếu trong số những chủ doanh nghiệp ngồi bên dưới, những người đã có cơ hội tiếp xúc, đọc và nghiên cứu tài liệu này biết rằng "chi tiết" hồ nước là sai sự thật. Điều đáng tiếc là tấm ảnh này được dùng tới 3 lần: ngoài trang 1 ra, tấm ảnh sai sự thật này còn được sử dụng thêm hai lần nữa tại các trang 6 và 7.

Sai sót trong các ấn phẩm là điều khó tránh, nhưng những sai sót mà người ta nhặt được trong ấn phẩm này thật đáng trách. Ví như, trang 20 chú thích tấm ảnh có in hình ngọn hải đăng trên đảo Nhơn Châu lại đề "Đảo Thanh Châu – Thanh Châu Island). Bên cạnh việc chú thích sai một địa danh rất khó nhầm lẫn như vậy, thiết nghĩ một chú thích như vậy thật ra không giới thiệu được tiềm năng du lịch nào. Nếu nói rõ hơn về chi tiết hải đăng Nhơn Châu đã có hơn 100 năm tuổi, hàm lượng thông tin du lịch chắc sẽ nhiều hơn.

2. Không chỉ "chế" thêm tiềm năng, phạm sai sót về địa danh, ngay cả ở khâu chuyển ngữ cũng có nhiều chuyện để bàn. Tại hai trang 10, 11 của ấn phẩm có một tấm ảnh chụp cảnh biển chú thích là "Bãi biển Quy Nhơn – Quy Nhơn beach". Khi lật đến đây, ngay tại hội nghị, một doanh nhân ngồi cạnh chúng tôi đã buột miệng - Sao lại để sót lỗi cơ bản như vậy nhỉ. Tôi kín đáo dò hỏi, anh này liền phân tích: Trong tiếng Việt, để có thể gọi một nơi nào đó là bãi biển (hay bãi sông cũng vậy) trước tiên nơi đó phải có "bãi”. Trong tấm ảnh này chỉ có biển và người đi bơi, không thấy bờ, như vậy là không ổn. Và theo doanh nhân này, tấm ảnh nên chú thích là "Biển Quy Nhơn" và trong phần chuyển ngữ sang tiếng Anh và thay từ "beach"bằng từ "sea" thì phù hợp hơn. Tôi chỉ hết hồ nghi khi đã tự tay mình tra cứu Từ điển tiếng Việt và tham khảo thêm ở một cuốn Từ điển Anh Việt. Một khu vực được gọi là bãi biển (beach) điều kiện tiên quyết là nơi ấy phải có cát (sandy). Chúng tôi không hề có ý định "chẻ sợi tóc làm tư" để bắt bí nhóm thực hiện nhưng có một điều nên biết rằng những nhà đầu tư khi nghiên cứu thị trường sẽ khảo sát rất kỹ, và trong trường hợp này có lẽ họ sẽ chẻ sợi tóc ra đến mấy trăm lần. Ấn phẩm này là một trong những dữ kiện để các đối tác đo mức độ chuyên nghiệp của Du lịch Bình Định. Liệu họ sẽ hài lòng đến đâu?

Ở trang 9 có tấm ảnh biểu diễn võ thuật (ảnh chụp tại công viên Quang Trung) và phần chú thích ghi rằng: Biểu diễn võ thuật cổ truyền dưới chân tượng đài Tây Sơn (?). Tiếng Việt ghi vậy nhưng sang phần tiếng Anh lại dịch: Traditional Kungfu show under Quang Trung statue. Rất nhiều người sẽ ngớ ra không hiểu vì sao "Tây Sơn" ở tiếng Việt lại thành "Quang Trung" khi chuyển sang tiếng Anh. Chú thích và chuyển ngữ như vậy là rất cẩu thả (sai từ và bỏ quên yếu tố Quang Trung là một vị hoàng đế), đó là chưa nói đến chuyện – ở Bình Định đến nay chưa có tượng đài nào tên là tượng đài Tây Sơn.

Chúng tôi không được giỏi về Anh ngữ cho lắm nhưng khi thấy ấn phẩm DLBĐ–TN và TVĐT sử dụng từ "kung fu, traditional kung fu" để diễn đạt từ "võ cổ truyền, võ cổ truyền Bình Định" thì không khỏi băn khoăn. Từ sự băn khoăn này, chúng tôi đã thử tra cứu để xác định rõ nghĩa. Kết quả thật bất ngờ. Từ điển Anh – Việt (The pocket Oxford dictionary, Nguyễn Sanh Phúc biên soạn, NXB Đồng Nai ấn hành năm 1997) đã chú giải như thế này: "Kung fu" là môn võ thuật kung fu của Trung Hoa. Không chỉ người Bình Định mà bất cứ người Việt Nam nào có lòng tự trọng dân tộc cũng không thể chấp nhận rằng võ cổ truyền của dân tộc mình, đặc biệt là võ cổ truyền Bình Định do Hoàng đế Quang Trung phát triển lại là "môn võ thuật kung fu của Trung Hoa". Võ cổ truyền Bình Định nên dịch, chuyển ngữ như thế nào cho hay, cho đúng xin để các chuyên gia về Anh ngữ thẩm định. Nhưng rõ ràng những người nước ngoài biết tiếng Anh sau khi đọc tài liệu này sẽ tin rằng "loại võ thuật mà DLBĐ vẫn gọi là võ cổ truyền Bình Định hóa ra là... võ Tàu". Và nếu như vậy liệu tour tìm hiểu võ Bình Định có hấp dẫn, lôi cuốn được du khách nữa không?

Chưa hết, thấy chúng tôi bàn luận về ấn phẩm này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt (Hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) cho biết: "Ấn phẩm này sử dụng rất nhiều ảnh của tôi, nhưng họ không thèm trả một đồng nhuận bút, cũng không cảm ơn hoặc có lời giải thích nào. Thật hết biết!". Ngay trong sáng hôm đó, chúng tôi đã đem vấn đề này ra trao đổi với ông Bùi Quốc Hồng – Phó Văn phòng UBND tỉnh BĐ, ông Hồng cho biết, ấn phẩm này được tỉnh giao cho Sở Thương mại Du lịch BĐ làm. Khi Sở Thương mại Du lịch làm xong, họ chuyển cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Đối ngoại tỉnh để Trung tâm sử dụng (tặng cho các đại biểu, khách mời như trong cuộc gặp gỡ này chẳng hạn). Vì thế những chuyện trục trặc về nhuận bút, ông không thể trả lời.

3. Một ấn phẩm như Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư tuy rất mỏng (chỉ có 32 trang) nhưng có tác động hết sức quan trọng đối với vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Với những khiếm khuyết đã nêu, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh BĐ, Sở VHTT kiểm tra lại vụ việc này và có biện pháp chấn chỉnh phù hợp.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trên đường vươn tới đỉnh Olympia  (17/09/2003)
Công tác xây dựng Đảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ   (16/09/2003)
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Bình Định đã có bước tiến dài   (14/09/2003)
Sôi động phong trào chơi phong lan ở Quy Nhơn   (12/09/2003)
Còn những điểm chưa phù hợp với thực tế   (11/09/2003)
Nghề làm lân, địa   (10/09/2003)
Hội Trăng rằm cho tuổi thơ   (09/09/2003)
Ghi nhận qua đợt đầu tập trung người lang thang, cơ nhỡ   (08/09/2003)
Thấy gì qua Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất?   (07/09/2003)
Rộn ràng ngày hội khai trường ở Bình Định   (06/09/2003)
Năm học 2003-2004: Tất cả đã sẵn sàng   (04/09/2003)
Nhơn Mỹ: khi truyền thống là sức mạnh   (03/09/2003)
Sự học ở Lộ Diêu   (02/09/2003)
Mùa thu, về Tân Trào   (01/09/2003)
Nhà trọ công nhân: Phát triển tự phát?   (31/08/2003)