|
Xe máy trên đường làng |
Hiện nay, khi số lượng xe máy (XM) bán ra tại các thành thị đã bão hòa thì ngược lại, ở nông thôn, lượng XM được bán ra ngày càng tăng, nhất là các loại XM của Trung Quốc do giá cả phù hợp với người nông dân. Điều đó cho thấy, đời sống và thu nhập của người nông dân trong tỉnh đã được nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó có rất nhiều chuyện đáng lo, nhất là tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) do XM gây ra.
Nếu hai, ba năm trước, mỗi ngày chỉ có vài chiếc XM qua lại trên các con đường làng thì hiện nay, con số này đã phát triển gấp trăm lần, nhất là khi các con đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa. Anh Thành, chủ một đại lý XM tại thị trấn Bình Định (An Nhơn), cho biết: "Từ khi tôi mở thêm đại lý tại các vùng nông thôn, mỗi ngày số xe bán ra rất cao, nhất là các loại xe có giá từ 6-8 triệu đồng/chiếc". Theo ông Phan Long Thuần, Phó chủ tịch xã Nhơn An (An Nhơn), mỗi ngày trong xã có tới gần chục chiếc XM đăng ký mới. Toàn xã Nhơn An có 2053 hộ nhưng có tới gần 1.500 chiếc XM, chưa kể số xe mà xã không nắm được. Chỉ tính riêng thôn Háo Đức có 356 hộ thì có tới 70% số hộ trồng mai cho thu nhập khá cao, vì vậy trong các hộ này, mỗi nhà có từ 1- 2 chiếc XM là chuyện bình thường.
Có XM, người dân nông thôn thuận tiện hơn trong việc đi lại, chuyên chở sản phẩm đi tiêu thụ các nơi. Ông Thuần cho biết thêm: "Nhơn An nằm cách xa trung tâm huyện gần 10 km, người dân ở đây ngoài làm ruộng còn có chăn nuôi, trồng trọt các loại hoa màu. Từ khi XM phát triển ồ ạt, sản phẩm đã tỏa đi được nhiều nơi". Còn tại xã Phước Hưng (Tuy Phước), theo thống kê chưa đầy đủ toàn xã có trên 2.500 chiếc XM, chiếm tỷ lệ 78% tổng hộ dân trong xã. Vài năm trước đây, muốn mua một chiếc XM phải chạy lên trung tâm huyện hoặc xuống tận thành phố Quy Nhơn mới mua được. Bây giờ, tại xã đã có vài đại lý bán XM, thậm chí các đại lý còn "dùng chiêu" bán trả góp không tính lãi suất để cạnh tranh nhau. Bác Nguyễn Xiêm (thôn An Cửu, xã Phước Hưng) thổ lộ: "Hiện gia đình tôi đã mua được một chiếc XM Trung Quốc, hiệu Lifan với giá 6 triệu đồng, nhưng vẫn còn nợ đại lý 2 triệu đồng hẹn khi bán được lứa heo con sẽ trả". Trước tình hình số lượng XM trên địa bàn xã ngày càng tăng cao, ông Hồ Ngọc Chương, chủ tịch UBND xã vừa mừng vừa lo: "Có được chiếc XM, người dân tranh thủ chạy chợ kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cuộc sống ở ngày càng khấm khá hơn. Nhưng chưa hết vui đã phải lo "sốt vó" vì số vụ TNGT trên địa bàn xã ngày càng gia tăng". Trong 8 tháng đầu năm, trong số các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn xã đã có 15 vụ do XM gây ra, làm chết 7 người. Tại Nhơn An trong thời gian này cũng đã xảy ra 10 vụ TNGT trên các tuyến đường bê tông của xã.
Chỉ với 2 xã Nhơn An và Phước Hưng nhưng cũng đã phần nào "khái quát" được tình hình phát triển XM cùng với những niềm vui và nỗi lo tại các vùng quê khác trong tỉnh. Có thể thấy, hầu hết các vụ TNGT ở nông thôn bắt nguồn từ nguyên nhân số lượng XM tăng, trong khi mặt đường hẹp lại vừa mới bê tông hóa. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 377 vụ TNGT đường bộ, làm chết 113 người, bị thương 548 người, trong đó số vụ tai nạn ở nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao. Rõ ràng, khi nông thôn có nhiều XM là niềm vui lớn nhưng đồng thời cũng là nỗi lo của các cơ quan chức năng và người dân bởi tỷ lệ thuận với số lượng XM tăng nhanh là số vụ TNGT do XM cũng tăng nhanh. Mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã hết sức nỗ lực để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNGT do XM gây ra nhưng trước hết, mọi người dân khi tham gia giao thông phải có ý thức và chấp hành tốt luật lệ giao thông. Khi đó, niềm vui của những người nông dân sắm được XM sẽ trọn vẹn hơn.
. Nguyễn Phúc
|