Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?
16:52', 21/9/ 2003 (GMT+7)

Một điểm truy cập internet công cộng ở Quy Nhơn

Các điểm truy cập internet công cộng (ICC) ở Bình Định hầu như đang bị thả nổi. Điều ấy cho thấy một thực tế - các cơ quan chức năng của Bình Định chưa có công cụ hữu hiệu để quản lý hình thức kinh doanh này.

Theo thống kê mới đây của Sở VHTT, trừ ba huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, tất cả các huyện thành phố còn lại đều đã xuất hiện nhiều điểm ICC. Trong đó, Quy Nhơn nhiều nhất với 31 điểm ICC. Có thể nói, việc phát triển nhanh và rộng dịch vụ internet công cộng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đáp ứng nhiều dạng nhu cầu của nhân dân (thông tin, liên lạc, học tập...). Tuy nhiên, do thiếu quản lý và quản lý không đến nơi đến chốn, nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ internet đã diễn ra. Hiện tượng vi phạm này đã trở thành vấn đề đáng báo động.

Đội 814 của tỉnh đã kiểm tra 49 điểm ICC, kết quả 100% các điểm ICC được kiểm tra có sai phạm, trong đó:

- 49/49 điểm không dán nội quy về việc sử dung internet tại nơi truy cập.

- 19/49 điểm ICC để người truy cập xâm nhập vào các trang web đồi trụy.

- 19/49 điểm không có hợp đồng làm đại lý internet.

- 12/49 điểm không có giấy phép kinh doanh.

Phần lớn các điểm ICC, kể cả những điểm thuộc loại lớn ở Quy Nhơn, đều thiếu hiểu biết những qui định về loại hình kinh doanh mới mẻ này. Chủ một điểm ICC, ở huyện Phù Mỹ, cho biết: "Trước khi khai trương điểm ICC này tôi đã chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để tìm hiểu những văn bản qui định về việc kinh doanh internet để biết như thế nào là đúng, như thế nào là sai để biết mà tránh. Đến Phòng VHTT huyện thì một cán bộ ở đấy cũng mù mờ còn hơn cả tôi. Đã thế anh ta lại bảo cứ về khai trương đi rồi... tính sau. Ấy vậy mà đùng một cái, chỉ nửa tháng sau chính anh ta cùng những người trong đoàn 814 đến phê bình điểm ICC của tôi là sai phạm do không dán nội dung quy định truy cập internet tại cơ sở. Tại sao lúc tôi đi xin phòng không hướng dẫn, để khi có chuyện rồi thì phê bình này nọ, lại còn dọa phạt. Có phải như vậy là làm khó cho dân hay không". Điều dễ hiểu, những sai phạm trên không thuộc mục đích vụ lợi về mặt kinh tế. Anh Thắng, chủ một điểm ICC nằm trên đường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn), phân tích: "Không cơ sở ICC nào cho phép khách hàng truy cập vào trang web đồi trụy. Ngay cả khi để ý thật kỹ, kiểm soát gắt gao thì cũng chỉ phát hiện ra sai phạm khi nó đã xảy ra rồi. Và cái cách ngăn chặn này thật ra cũng chỉ là "be bờ khi nước đã tràn đồng". Chúng tôi hoàn toàn có thể đối phó với các cơ quan chức năng bằng cách xóa đi nhật ký truy cập vì cán bộ kiểm tra chỉ xét trên máy mà thôi. Nhưng chính chúng tôi cũng không muốn các trang web bẩn ấy được phép lưu hành. Muốn đạt kết quả tối ưu các cơ quan chức năng cần phải dựng lên những bức tường lửa (firewall) đủ mạnh để kiểm soát ngay từ đầu nguồn. Nếu cứ chạy theo sự vụ, ra theo các cơ sở thì cơ quan chức năng và cả chúng tôi nữa cũng chỉ chạy sau lưng hành vi sai phạm. Phải ngăn nó lại, không cho nó có cơ hội xuất hiện trên mạng mới là việc cần làm. Ai sẽ làm việc này nếu không phải là những nhà cung cấp dịch vụ internet. Bởi lẽ mạng là do họ quản lý, tiền truy cập, khi có lợi ích phát sinh do việc có nhiều người truy cập internet họ cũng chính là những người hưởng lợi trước tiên".

Tại buổi sơ kết về việc thanh, kiểm tra các điểm ICC trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Nguyễn An Pha - Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh, cho biết: "Phải xác nhận rằng kiến thức, trình độ chuyên môn về Internet nói riêng và công nghệ thông tin nói chung của lực lượng thanh tra của ngành VHTT vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra các dịch vụ ICC. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan liên ngành cũng chưa đồng bộ. Trong khi đó chúng ta cũng chưa có những qui định cụ thể, rõ ràng cho hoạt động dịch vụ ICC. Nói cách khác, hiện đang thiếu một khung pháp lý đầy đủ để quản lý, kiểm soát và điều chỉnh hoạt động kinh doanh ICC". Cũng tại buổi sơ kết, nhiều ý kiến đặt ra cho ngành Bưu điện, đơn vị trực tiếp cung cấp dịch vụ này cần có những giải pháp để khóa những trang web đồi trụy, như vậy việc quản lý loại hình dịch vụ internet công cộng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nguyên nhân của tình trạng nhùng nhằng trong quản lý dịch vụ ICC như hiện nay, đầu tiên là do các cơ quan quản lý Nhà nước, ngành Bưu điện và các nhà cung cấp dịch vụ mạng còn thiếu quan tâm đến lợi ích chung. ICC ở Bình Định phát triển một cách tự phát, thiếu sự hỗ trợ và định hướng chặt chẽ của tỉnh. Nhà cung cấp dịch vụ (ở Bình Định hiện chỉ có Công ty Điện toán Truyền số liệu VDC) hoàn toàn ỷ lại vào các đợt kiểm tra của cơ quan quản lý trật tự văn hóa (ở đây là Đội 814 của tỉnh). Trái bóng trách nhiệm được chuyền qua chuyền lại vẫn chưa xác định cụ thể ai, ngành nào sẽ là chủ công, ai giữ việc kiểm soát các yếu tố kỹ thuật... Dự kiến vào năm 2010 Bình Định sẽ có 10.000 thuê bao internet. Nếu không có công cụ quản lý tốt, không khó hình dung lắm nếu nghĩ về hậu quả.

. Anh Lê

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nông dân sắm nhiều xe máy: Niềm vui và nỗi lo   (19/09/2003)
"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót   (18/09/2003)
Trên đường vươn tới đỉnh Olympia  (17/09/2003)
Công tác xây dựng Đảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ   (16/09/2003)
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Bình Định đã có bước tiến dài   (14/09/2003)
Sôi động phong trào chơi phong lan ở Quy Nhơn   (12/09/2003)
Còn những điểm chưa phù hợp với thực tế   (11/09/2003)
Nghề làm lân, địa   (10/09/2003)
Hội Trăng rằm cho tuổi thơ   (09/09/2003)
Ghi nhận qua đợt đầu tập trung người lang thang, cơ nhỡ   (08/09/2003)
Thấy gì qua Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất?   (07/09/2003)
Rộn ràng ngày hội khai trường ở Bình Định   (06/09/2003)
Năm học 2003-2004: Tất cả đã sẵn sàng   (04/09/2003)
Nhơn Mỹ: khi truyền thống là sức mạnh   (03/09/2003)
Sự học ở Lộ Diêu   (02/09/2003)