|
Các đối tượng lang thang được tập trung về UBND phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn |
Đầu tháng 6-2003, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đã vào tận TP. Hồ Chí Minh để nhận 22 người lang thang, xin ăn là người Bình Định. Sau một thời gian hồi hương, họ sống ra sao?
* Trước đây
Bà Võ Thị A, 59 tuổi, quê ở Cát Nhơn (Phù Cát) bỏ nhà đi TP HCM từ mười mấy năm nay. Ngày, bà buôn ve chai kiếm sống, tối chui rúc ngay Ga Bình Triệu. Trong một lần băng qua đường ray xe lửa, bà bị tàu lửa cán ngang người. Nhờ những người hảo tâm giúp đỡ cứu chữa, bà đã khỏe mạnh trở lại, nhưng hai chân đã bị cắt cụt. Không thể tiếp tục hành nghề cũ, bà lại nghĩ ra một cách kiếm tiền mới. Đó là làm thầy bói, chuyên xem tướng số cho những người nhẹ dạ cả tin. Hàng ngày, di chuyển trên chiếc xe lăn tự chế, chỉ bằng miếng phản nhỏ dưới có lắp 4 bánh xe, bà rảo khắp hang cùng ngõ hẻm để xem bói. "Mỗi "quẻ" mười nghìn. Mỗi ngày xem chừng 5 - 6 người là tui có tiền để sống" - bà nói vậy. Đêm, bà lại ngủ vạ vật ở hè phố. Cuộc sống vất vưởng cứ như vậy kéo dài.
Ông Võ Hoàng Sương, 47 tuổi, quê ở Mỹ Lộc (Phù Mỹ) thì bị liệt nửa người, nói năng ngọng nghịu khó nghe. Nguyên nhân khiến ông ly hương là cuộc sống quá khó khăn. Cha mẹ già yếu, đau ốm luôn, anh em thì có, nhưng lại chẳng nhờ cậy được ai. Vậy là 5 năm trước đây, ông đi "tàu chui" vào Nam để kiếm kế sinh nhai. Chẳng biết thế nào mà ông lại lần mò xuống tận Bình Dương, vào tận chợ Giang ở An Bình kiếm sống. Ai thuê gì làm nấy. Đêm, ông tấp vào chợ, vừa coi hàng cho các chủ sạp, vừa lấy đó làm chỗ ngủ. Người thương tình lúc cho ông vài ngàn, khi thì miếng thịt, khúc cá qua ngày. Bí quá, ông lại đi xin ăn.
Trường hợp của bé Võ Lê Chí Thanh lại càng tội nghiệp hơn nữa. Mới 6 tuổi đầu, Thanh đã phải cùng mẹ lang thang khắp phố phường ở TP. Hồ Chí Minh xin ăn. Mẹ em là chị Lê Thị Tâm (Hoài Ân) bị tâm thần, nửa điên nửa tỉnh. Cu Thanh do vậy, nhiều khi phải bữa đói bữa no.
Trong số 22 người được đưa về Bình Định, không phải người nào cũng tàn tật, xin ăn, có những người làm nghề kiếm sống nhưng lại sống lang thang, vất vưởng ngoài đường và đã được chính quyền sở tại thu gom. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Cường ở Cát Hưng (Phù Cát) vốn vào TP. Hồ Chí Minh làm thợ hồ, nhưng rồi lại ngủ vạ vật ngoài đường, nên bị thu gom. Còn ông Hồ Đặng Đoàn, nguyên quán ở Cát Khánh (Phù Cát) nhưng thường trú ở Kon Tum, có gia đình, vợ con đàng hoàng ở thị xã Kon Tum, nhưng chẳng hiểu thế nào lại bỏ nhà đi "bụi" ở Sài Gòn.
* Và bây giờ
Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội (BTXH) tỉnh gặp lúc bé Thanh đang gò lưng tập viết. Ánh mắt Thanh ngời lên sau mỗi nét chữ và bờ môi chúm chím: "Bờ" - Thanh bi bô tập đọc theo anh Chiến. Thanh đang học mẫu giáo ở Trường mẫu giáo gần Trung tâm. Thanh khoe với tôi: "Ở đây, em có nhiều bạn lắm nhé! Cả ở lớp học nữa, em cũng có tới mấy thằng bạn thân. Vui lắm!". Ngoài anh Chiến, Thanh còn có thêm chị Nở, hàng ngày lo giặt giũ quần áo cho cậu bé. Chiến và Nở cũng là những trẻ mồ côi, không nơi nương tựa ở Trung tâm.
Còn ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm BTXH, khoe với chúng tôi: "Dạo này chúng tôi có thêm một bảo vệ mới. Người ấy tự nguyện và làm việc rất mẫn cán". Té ra, người ấy là ông Sương. Ông bảo: "Ở một chỗ, đến bữa đi ăn cơm mãi cũng chán. Tôi xin với các cô chú ở đây cho tôi ra trực chung với bảo vệ cơ quan, vừa giúp ích cho Trung tâm vừa thấy nhẹ nhõm trong lòng". Câu chuyện đương nửa chừng thì ông dừng lại bởi có người lạ vào Trung tâm. Ông tất tả bước thấp bước cao trong sân, trông nhanh nhẹn hẳn so với lúc ngồi nói chuyện với chúng tôi. Hôm đưa về đây, ông xin được ở lại.
Ngoài 3 người ở lại Trung tâm BTXH là bà A, ông Sương và cháu Thanh, 3 người được đưa ra Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn, đã có 8 người được gia đình nhận về nuôi dưỡng ngay sau khi được Sở LĐ-TB-XH thông báo tin. Trong đó có người bị bệnh ho lao rất nặng như anh Trần Thanh Tùng (thôn Tình Giang, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) đã được gia đình đem về chăm sóc. Tuy nhiên, đã có một số người bỏ trốn sau khi được đưa về Trung tâm. "Trước nay, ở đây chưa xảy ra tình trạng này bao giờ bởi những người đến Trung tâm đều tự nguyện. Cổng, hàng rào không kiên cố nên họ đã trốn được ra ngoài" - ông Châu giải thích.
Trong dịp này, chúng tôi cũng đã gặp những người lang thang mới được tập trung trong đợt cuối tháng 8 vừa qua. Hầu hết đều được ổn định chỗ ở, và được săn sóc tử tế. Hai vợ chồng ông bà Thành và Xoa, trên 70 tuổi, trước kéo nhau đi ăn xin khắp chốn đã mấy chục năm nay, giờ khẳng định: "Chúng tôi đã quyết ở đây luôn, không đi lang thang xin ăn nữa".
|