Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị
16:48', 23/9/ 2003 (GMT+7)

Các thí sinh tham dự Hội thi chụp ảnh lưu niệm

Hội thi giảng viên lý luận chính trị do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức lần đầu tiên đã mang lại một không khí mới, sôi nổi, hứng khởi, khác với những gì người ta thường nghĩ: chính trị là khô khan, giáo điều.

Thí sinh Nguyễn Đình Hiền đã lên bục giảng sau lời xướng danh của người dẫn chương trình. Nhiều người trong hội trường hôm ấy đều ồ lên: Đây là ông tiến sĩ duy nhất của hội thi đấy! Quả thật bài giảng của thí sinh Hiền, tiến sĩ, giảng viên trường ĐHSP Quy Nhơn thật thuyết phục. Anh đã chọn vấn đề "Cơ cấu các thành phần kinh tế…", một phần rất nhỏ trong phần II "Nội dung chủ yếu của chiến lược kinh tế" của bài 4 "Đường lối về chiến lược phát triển kinh tế" trong chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới để trình bày. Vấn đề "nhỏ" đòi hỏi giảng viên phải hiểu sâu, lý luận nhiều mới chuyển tải "lọt tai" người nghe và Nguyễn Đình Hiền đã thể hiện xuất sắc phần giảng của mình với phong thái tự tin, đĩnh đạc, dẫn dắt logic bằng sơ đồ minh họa sinh động. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cổ động viên, bài giảng này hơi nặng về lý thuyết, còn hạn chế về liên hệ thực tế.

19 giảng viên là cán bộ của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) huyện, thành phố và trường ĐHSP Quy Nhơn đã tham gia hội thi. Nhìn chung, nhiều thí sinh đã thể hiện được phong cách tự tin, nắm vững vấn đề, diễn đạt khá mạch lạc, rõ ràng như bài giảng của thí sinh Phan Văn Lại, Phó Giám đốc TT BDCT huyện Phù Cát, thí sinh Hoàng Hoa Thắm, Giám đốc TT BDCT huyện Hoài Ân; thí sinh Nguyễn Nhiên, Giám đốc TT BDCT huyện Vĩnh Thạnh… Nhiều giảng viên lớn tuổi như Nguyễn Hữu Nhị (57 tuổi, Giám đốc TT BDCT Huyện ủy Hoài Nhơn), Nguyễn Văn Tới (56 tuổi, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thạnh)… đã tham gia hội thi với tinh thần "cầu thị", thể hiện qua sự cố gắng đầu tư cho bài giảng của mình.

Bên cạnh đó, các cổ động viên tuy ít nhưng tinh thần cổ vũ khá nhiệt tình. Ban giám khảo cũng đã dành cho cổ động viên nhiều câu hỏi và nhận được khá nhiều câu trả lời xuất sắc, mang lại cho hội thi một không khí nhẹ nhàng, sôi nổi.

Trong những năm qua, các TT BDCT cấp huyện đã đóng vai trò lớn trong việc trang bị lý luận chính trị, truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, xây dựng và quản lý Nhà nước cho cán bộ đảng viên trên địa bàn huyện. Do đó, vai trò của các giảng viên chính trị cấp huyện là rất lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2002, các TT BDCT huyện, thành phố đã mở được 147 lớp bồi dưỡng cho 13.349 đối tượng kết nạp đảng, đảng viên mới, bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, báo cáo viên cơ sở… Do đó,việc nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cơ sở là vô cùng cần thiết.

Ông Nguyễn Bá Trà, Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Ban tổ chức hội thi cho biết: Hội thi có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị tại các TT BDCT cấp huyện. Thông qua hội thi này, nhằm từng bước nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác giáo dục chính trị trao đổi, học tập kinh nghiệm nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời phát hiện giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị. Qua đó, cổ vũ phong trào thi đua giảng dạy theo phương pháp mới, góp phần đưa hoạt động của các TT BDCT cấp huyện ngày càng đi vào chiều sâu trở thành nề nếp.

Kết quả, thí sinh Nguyễn Đình Hiền đã giành giải nhất; hai giải nhì thuộc về thí sinh Trương Thị Lý và Phan Văn Lại. Giải ba có các thí sinh: Trần Hóa, Nguyễn Nhiên và Hoàng Hoa Thắm. Ngoài ra còn có 6 thí sinh đạt giải khuyến khích. Ông Nguyễn Bá Trà nhận xét: "Những yêu cầu, mục đích đề ra của hội thi đã cơ bản đạt được".

. Minh Quang

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)
Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?   (21/09/2003)
Nông dân sắm nhiều xe máy: Niềm vui và nỗi lo   (19/09/2003)
"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót   (18/09/2003)
Trên đường vươn tới đỉnh Olympia  (17/09/2003)
Công tác xây dựng Đảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ   (16/09/2003)
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Bình Định đã có bước tiến dài   (14/09/2003)
Sôi động phong trào chơi phong lan ở Quy Nhơn   (12/09/2003)
Còn những điểm chưa phù hợp với thực tế   (11/09/2003)
Nghề làm lân, địa   (10/09/2003)
Hội Trăng rằm cho tuổi thơ   (09/09/2003)
Ghi nhận qua đợt đầu tập trung người lang thang, cơ nhỡ   (08/09/2003)
Thấy gì qua Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất?   (07/09/2003)
Rộn ràng ngày hội khai trường ở Bình Định   (06/09/2003)
Năm học 2003-2004: Tất cả đã sẵn sàng   (04/09/2003)