Một năm bán công hóa các trường mầm non quốc lập ở Quy Nhơn:
Vẫn cần sự "tiếp sức" của Nhà nước
16:38', 24/9/ 2003 (GMT+7)

Cô và cháu trường mẫu giáo bán công Hương Sen - ảnh: N.M

Trước khi chuyển các trường mầm non công lập sang loại hình trường bán công, ngành GD-ĐT đã có kế hoạch đầu tư thêm cơ sở vật chất, giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non lớn tuổi… Tuy nhiên, kế hoạch trên chưa thực hiện được mà các trường vẫn phải "nửa công".

* Từ trường công ra nửa công

Cách đây 3 năm, Trường Mầm non số 3 và Nhà trẻ 1-4 của TP Quy Nhơn đã sát nhập thành trường Mầm non Hoa Mai. Chưa kịp để ổn định đội ngũ giáo viên, cải tạo cơ sở vật chất trường học thì Trường Mầm non Hoa Mai công lập lại được chuyển đổi thành trường bán công. Trường Mầm non Hoa Mai thu nhận khoảng 160 cháu vào 5 lớp, trong đó có 2 lớp mẫu giáo, 3 lớp nhà trẻ. Tuy vậy, trường có đến 5 cơ sở để tổ chức nuôi dạy cháu. Các cơ sở nguyên thủy là nhà dân không đúng quy cách, lại phân tán manh mún và đang xuống cấp trầm trọng. Để đảm bảo an toàn cho các cháu, năm học này nhà trường phải "dồn" về hai cơ sở số 58 Ngô Quyền và số 94 Hai Bà Trưng. Thế nhưng 2 cơ sở này cũng chỉ được cải tạo chắp vá để đảm bảo việc dạy dỗ trước mắt, các cháu vẫn còn thiếu sân chơi…

Trường Mầm non bán công Hoa Mai có 21 cán bộ, giáo viên, trong đó có 15 cô giáo. Qua một năm chuyển đổi sang mô hình trường bán công, nhà trường vẫn phải "nhờ" Nhà nước hỗ trợ lương. Bà Nguyễn Thị Dần, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Mai, cho biết: "Cán bộ, giáo viên của chúng tôi đều ở trong "biên chế", hầu hết lại lớn tuổi, cô giáo trẻ nhất cũng đã bước qua tuổi 36, cô nhiều tuổi nhất đã 52. Do đó, chúng tôi phải trả lương cho giáo viên rất cao, bình quân là 1 triệu đồng/ tháng". Bà Dần phân tích: Nếu theo chỉ tiêu được giao là 160 cháu, mức học phí (cũ) là 65 ngàn đồng đối với mẫu giáo và 75 ngàn đồng đối với nhà trẻ, mỗi tháng trường thu được khoảng 11,2 triệu đồng từ "học phí" trong khi phải trả lương giáo viên đến 18 triệu đồng. Đó là chưa kể phải trả lương cho giáo viên 12 tháng trong khi học phí chỉ thu được 9 tháng. Với mức học phí như trên, các nhà trẻ và trường mầm non có nguồn gốc từ nhà trẻ sẽ gặp khó khăn hơn khi phải tự chi trả lương cho giáo viên vì theo quy định của Bộ, tỷ lệ giáo viên/ lớp ở nhóm trẻ nhỏ là 7 cháu/cô, còn ở mẫu giáo là 30 cháu/cô.

Tại Trường Mẫu giáo Hương Sen, tình hình "bán công hóa" khả quan hơn. Bà Nguyễn Thị Chín, Hiệu phó của trường cho biết: "Hai năm học vừa qua, trường đã đảm bảo được việc chi lương cho giáo viên bằng nguồn thu học phí".

Trường Hương Sen là một trong 2 đơn vị mầm non của TP Quy Nhơn đã làm thí điểm mô hình trường "công lập chuyển sang bán công" từ năm học 2001-2002. Đây là một trong những đơn vị có chất lượng nuôi dạy trẻ khá tốt, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư tương đối đã đáp ứng được yêu cầu nuôi dạy. Năm học này, trường đã thu nhận được 270 cháu vào 7 lớp mẫu giáo. Tuy vậy Nhà nước vẫn "bao cấp" cho trường các khoản chi phí về điện, nước, điện thoại… Do đó, tiếng là bán công nhưng thực ra các trường vẫn được sự trợ giúp rất lớn của Nhà nước.

* Bao giờ các trường mới "tự lực cánh sinh"?

Thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành học mầm non ở những vùng thuận lợi, từ năm học 2002-2003, TP Quy Nhơn đã chuyển đổi 8 trường mầm non quốc lập của TP sang mô hình trường bán công. Bà Trần Thị Thanh Trúc, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn, cho biết: Ngoài một số trường mầm non có cơ sở vật chất tương đối khang trang như Mầm non Quy Nhơn, Hoa Hồng, Hương Sen, Mầm non 2/9… các trường còn lại do cơ sở vật chất còn ọp ẹp, ít hấp dẫn phụ huynh học sinh nên còn khá chật vật trong việc lấy "thu" bù "chi".

Năm học 2002-2003, để trả lương cho 143 giáo viên và 24 cán bộ quản lý của 8 trường mầm non chuyển sang bán công, ngân sách cần phải có 2,4 tỉ đồng. Trong khi đó, tiền học phí thu được từ 1.825 học sinh nhà trẻ, mẫu giáo của các trường này chưa được một nửa. Do đó, Nhà nước vẫn còn phải "bao cấp" khá nặng. Mặt khác, tuy chuyển đổi sang mô hình trường bán công nhưng hầu như các trường mới làm được một động tác là thu học phí và hạch toán lương cho giáo viên trong khi còn rất nhiều vấn đề đặt ra khi thay đổi loại hình trường như sắp xếp tổ chức, biên chế và những vấn đề liên quan đến "con người", như giải quyết chế độ cho giáo viên lớn tuổi, giáo viên dôi dư, giáo viên hợp đồng sao cho thỏa đáng… Trong ngổn ngang việc cần làm như vậy thì đến năm 2005, các trường mầm non bán công TP Quy Nhơn sẽ phải "tự lực cánh sinh" như đề án đã đưa ra là điều rất khó thực hiện.

Chuyển các trường mầm non công lập sang bán công ở những vùng thuận lợi là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Qua một năm bán công hóa hệ thống mầm non quốc lập ở TP Quy Nhơn, những tín hiệu tích cực đã được khẳng định: Ban giám hiệu các trường đã năng động hơn, chất lượng nuôi dạy được quan tâm đầu tư hơn và các cô giáo cũng bị "hút" vào "guồng máy" để tự khẳng định mình trong thế cạnh tranh giữa các loại hình trường. Tuy nhiên, trong quá trình tự khẳng định, hệ thống trường mầm non bán công vẫn rất cần đến sự tiếp sức của Nhà nước.

. Ngọc Quỳnh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị   (23/09/2003)
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)
Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?   (21/09/2003)
Nông dân sắm nhiều xe máy: Niềm vui và nỗi lo   (19/09/2003)
"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót   (18/09/2003)
Trên đường vươn tới đỉnh Olympia  (17/09/2003)
Công tác xây dựng Đảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ   (16/09/2003)
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Bình Định đã có bước tiến dài   (14/09/2003)
Sôi động phong trào chơi phong lan ở Quy Nhơn   (12/09/2003)
Còn những điểm chưa phù hợp với thực tế   (11/09/2003)
Nghề làm lân, địa   (10/09/2003)
Hội Trăng rằm cho tuổi thơ   (09/09/2003)
Ghi nhận qua đợt đầu tập trung người lang thang, cơ nhỡ   (08/09/2003)
Thấy gì qua Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất?   (07/09/2003)
Rộn ràng ngày hội khai trường ở Bình Định   (06/09/2003)