Những khát vọng vượt qua số phận
15:20', 25/9/ 2003 (GMT+7)

Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Định thật sự là mái ấm của trẻ mồ côi. (ảnh: Phạm Văn Chai)

Buổi sáng, các em cồng kênh chở nhau trên những chiếc xe đạp đến trường. Buổi chiều buổi tối, các em lại cùng nhau ôn bài; anh lớn kèm em nhỏ. Đó là những hình ảnh thường nhật tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Định nằm trên địa bàn huyện An Nhơn.

* Vượt lên số phận

Mẹ mất từ khi Khổng Trường Chiến hãy còn rất nhỏ. Lớn lên, Chiến sống với người cha bị bệnh tâm thần ở xã Nhơn An, huyện An Nhơn. Hằng ngày, nhìn các bạn cùng tuổi được đi học mà phát thèm. Thích được đi học, Chiến thường lấp ló ngoài cửa lớp học lỏm, nghe lời thầy cô giảng và mượn thêm sách vở của mấy đứa bạn cùng tuổi để đọc. Bằng cách này, Chiến đã học hết trình độ lớp 4. Cảm động trước cái đức hiếu học của Chiến, một cô giáo đã xin cho cậu được đi học cùng các bạn. Ngày đầu tiên đến trường, Chiến được đặc cách, cho vào học ngay lớp 5. 3 năm trước đây, Chiến được đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Định, khi cậu đang theo học lớp 6.

Bây giờ thì cậu bé 14 tuổi này đang là học sinh lớp 9 Trường THCS thị trấn Bình Định (An Nhơn). Chiến khoe, từ trước đến nay, năm nào cậu cũng được nhận danh hiệu học sinh tiên tiến. Tôi hỏi: "Ước mơ của Chiến là gì?". - "Em muốn được như anh Sơn, học lên đại học, còn không thì đi học kiếm lấy một cái nghề để vào đời". Anh Sơn mà Chiến nói ở đây là Trương Hùng Sơn, cũng đã được nuôi dưỡng và học tập tại Trung tâm. Sơn hiện đang học năm thứ ba Đại học Thủy sản Nha Trang.

Hè vừa rồi, không chỉ dành thời gian cho việc ôn bài, Chiến còn được học may với 20 bạn khác. Lớp học may được Trung tâm mở ra trong ba tháng hè. Đến giờ, Chiến khoe, cậu đã có thể may được quần đùi, pyjama, cả áo sơ mi và quần tây nữa. Chị Đoàn Thị Ngọc, giáo dưỡng Trung tâm cho hay, Chiến là học sinh xuất sắc của lớp học may. Những bộ quần áo cậu may rất khéo, không thua học viên các lớp may khác ngoài xã hội.

Lý Thị Mỹ Chi lại là một trường hợp khác. Chi mồ côi cha mẹ từ khi còn ẵm ngửa. Chi và anh trai, Lý Nhất Duy, vào Trung tâm từ đó. Hiện nay, Chi đang học lớp 6, còn anh trai thì học lớp 7. "Ước mơ của em là được trở thành luật sư"- Chi bảo với tôi vậy.

* Và mái ấm Trung tâm

Chiến, Thanh, Sơn chỉ là 3 trong số 75 bạn nhỏ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Định. Những bạn nhỏ khi vào Trung tâm đều được tạo điều kiện để học chữ, học nghề. Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm, tâm sự: "Chúng tôi hiểu, học chữ, học nghề, đó là tất yếu để các em có một tương lai". Hiện nay, Trung tâm có 41 em theo học phổ thông, 2 em học bậc cao đẳng, đại học và 2 em học trung cấp. Với các em không thể học lên cao hơn, Trung tâm tạo điều kiện cho các em học nghề, để có thể sống tự lập khi trưởng thành. Hiện nay, 11 em đang được theo học nghề tại Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn và 3 em khác đang học các nghề ngắn hạn.

Điều đáng mừng là các bạn nhỏ ở Trung tâm bước đầu đã có ý thức vươn lên trong học tập. Trong 41 em học phổ thông, năm học 2002-2003, có 8 em đạt học sinh tiên tiến. Còn 11 em đang học nghề tại Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn, trong đó em Trà Quý Lĩnh 2 năm liền đạt học sinh khá và được nhận học bổng của trường. Để động viên tinh thần vươn lên trong học tập, hè vừa qua, Trung tâm đã tổ chức cho 8 bạn học sinh tiên tiến và 2 bạn khác chấp hành nội quy tốt đi tham quan ở Gia Lai. Các bạn nhỏ được đến thăm công trình Thủy điện Yaly và một số danh thắng khác.

Trưởng thành từ mái ấm Trung tâm, không hiếm những bạn trẻ đã học nghề và tự kiếm sống bằng bàn tay lao động của mình. Đó là Nguyễn Thị Nga, Đào Thị Lệ Thu, Hồ Thị Thu… hiện đang làm nghề may xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm, cho biết: "Thỉnh thoảng, các em vẫn thường về thăm Trung tâm. Trung tâm đã thật sự là mái nhà của họ".

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vẫn cần sự "tiếp sức" của Nhà nước   (24/09/2003)
Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị   (23/09/2003)
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)
Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?   (21/09/2003)
Nông dân sắm nhiều xe máy: Niềm vui và nỗi lo   (19/09/2003)
"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót   (18/09/2003)
Trên đường vươn tới đỉnh Olympia  (17/09/2003)
Công tác xây dựng Đảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ   (16/09/2003)
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Bình Định đã có bước tiến dài   (14/09/2003)
Sôi động phong trào chơi phong lan ở Quy Nhơn   (12/09/2003)
Còn những điểm chưa phù hợp với thực tế   (11/09/2003)
Nghề làm lân, địa   (10/09/2003)
Hội Trăng rằm cho tuổi thơ   (09/09/2003)
Ghi nhận qua đợt đầu tập trung người lang thang, cơ nhỡ   (08/09/2003)
Thấy gì qua Hội chợ việc làm tỉnh Bình Định lần thứ nhất?   (07/09/2003)