Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nỗ lực vượt khó vươn lên
16:39', 28/9/ 2003 (GMT+7)

Một tiết mục văn nghệ của các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh

Ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh, mỗi học sinh là người dân tộc thiểu số có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng với sự quan tâm giúp đỡ của nhà trường, họ đã vượt qua những trở ngại về tâm lý, những khó khăn trong cuộc sống xa nhà để vươn lên học tập tốt.

* Khát vọng

Lương Thanh Cường, học sinh lớp 12A1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh là người dân tộc Thái, quê ở Vân Canh. Từ 7 năm nay, Cường đã xa gia đình đến TP Quy Nhơn theo đuổi việc học. 7,3 - điểm trung bình của Cường trong năm học 2002-2003 có thể là chuyện bình thường với các bạn học sinh khác, nhưng với một học sinh người dân tộc thiểu số, thì đây không phải là điều dễ dàng. Nhà Cường có ba anh em trai, thì hai đang học tại trường này, em trai Cường là Lương Thiện Giang, học lớp 11, cũng là học sinh giỏi của trường. Cường tâm sự: "Ba em mất từ khi em còn học lớp 5, một mình mẹ nuôi ba anh em, rất vất vả. Do vậy, tụi em phải cố gắng học để mẹ vui lòng". Năm học 2002-2003, Cường đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý lớp 11 và đã đoạt giải ba (không có giải nhất và giải nhì). Ngoài chuyện học tập, Cường còn là một lớp trưởng năng nổ.

Ở Trường PTDTNT tỉnh, mỗi bạn có một hoàn cảnh khác nhau. Có bạn, nhà ở các xã vùng sâu, vùng xa; có bạn, được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Tất cả gặp nhau ở khát vọng được học để mở mang kiến thức, giúp ích cho đời. Đoàn Kim Tòa, học sinh lớp 11A2, người làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tâm sự: "Em đã học tại trường từ năm lớp 6, nên quen với trường lớp, thầy - cô và có nhiều bạn bè lắm. Ở đây, bọn em không chỉ được dạy chữ mà còn được nuôi và chăm sóc bằng tấm lòng, tình cảm của các thầy - cô".

* Một phương pháp phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số

Bên cạnh sự nỗ lực của những học sinh, tập thể cán bộ, giáo viên Trường PTDTNT đã cố gắng tìm ra phương pháp quản lý, dạy và học phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiếu số, bởi thực tế cho thấy các em có đặc thù về tâm sinh lý.

Phương pháp quản lý như thế nào? Dạy học ra sao? Biện pháp nào để đạt hiệu quả cao? Trả lời cho những câu hỏi đó, với những thầy - cô giáo nhà trường, không phải bằng những lý luận dạy và học trừu tượng, mà chính bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình quản lý, giảng dạy. Hạn chế của các em học sinh ở đây là tâm lý tự ti và thao tác tư duy, đặc biệt là tư duy trừu tượng yếu, do vậy các bài học cần dùng biểu - bản đồ, thí nghiệm mới giúp các em tiếp thu nhanh được. Tất nhiên, trong từng môn học, việc áp dụng phương châm này có những nét riêng. Và nhiều phương pháp dạy hay được áp dụng vào thực tế giảng dạy trên cơ sở đó. Đến năm 2000, trường sơ kết quá trình thực hiện và tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn và tổng hợp thành tập sách "Phương pháp quản lý, dạy và học phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc trong Trường PTDTNT".

Bên cạnh đó, để giúp các em nắm chắc bài học, nhà trường còn tổ chức hai buổi giãn tiết/tuần vào buổi chiều. Không học bài mới, thời gian giãn tiết chủ yếu là làm bài tập với những kiến thức đã học. Điều này đặc biệt phù hợp với đối tượng học sinh đặc thù của nhà trường. Nhờ vậy, các em nắm chắc kiến thức đã học. Ngoài ra, từ năm 1999, trường cũng áp dụng những biện pháp nhằm quản lý chặt hơn giờ tự học của học sinh. Trong một tuần, ngoài hai ngày được dành cho giãn tiết, giờ tự học từ 14 đến 16 giờ chiều và 19 giờ đến 20 giờ là giờ tự học. Thời gian còn lại, ngoài các sinh hoạt cá nhân, là thời gian để các em vui chơi, thể dục thể thao và xem truyền hình. Ngoài tổ quản lý nội trú, giáo viên chủ nhiệm các lớp, Đoàn trường cũng tham gia quản lý, hướng dẫn học sinh trong giờ tự học.

Bằng những biện pháp như vậy, không khí học tập của trường đã có bước chuyển rõ rệt. Thầy Nguyễn Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trước năm 1999, tỷ lệ tốt nghiệp PTTH còn thấp; vài năm trở lại đây, tỷ lệ này đã tăng lên, và trong năm học 2002-2003, con số này là 97,06%. Năm học này, trường có 32 học sinh khá, 1 học sinh giỏi cấp trường và đặc biệt, là năm học đầu tiên, trường có hai học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài Cường, trong kỳ thi học sinh giỏi vừa qua, em Giang Châu (dân tộc Ba na, huyện Vĩnh Thạnh), hiện là học sinh lớp 12A2, cũng đoạt giải khuyến khích môn Địa lý. Với những kết quả đó, năm học 2002-2003, Trường đã đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

. Khải Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trường chuyên Lê Quý Đôn: Vườn ươm của những tài năng   (26/09/2003)
Sức sống của "thời trang sida"   (26/09/2003)
Những khát vọng vượt qua số phận   (25/09/2003)
Vẫn cần sự "tiếp sức" của Nhà nước   (24/09/2003)
Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị   (23/09/2003)
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)
Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?   (21/09/2003)
Nông dân sắm nhiều xe máy: Niềm vui và nỗi lo   (19/09/2003)
"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót   (18/09/2003)
Trên đường vươn tới đỉnh Olympia  (17/09/2003)
Công tác xây dựng Đảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ   (16/09/2003)
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Bình Định đã có bước tiến dài   (14/09/2003)
Sôi động phong trào chơi phong lan ở Quy Nhơn   (12/09/2003)
Còn những điểm chưa phù hợp với thực tế   (11/09/2003)
Nghề làm lân, địa   (10/09/2003)