Sẽ có trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành
15:30', 29/9/ 2003 (GMT+7)

Lễ khai giảng của trường ĐHSP Quy Nhơn

Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn (ĐHSP) đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ đại học cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Vì vậy có thể nói việc xây dựng ĐHSP Quy Nhơn thành Đại học Quy Nhơn (ĐHQN) đào tạo đa ngành là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục - đào tạo và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

* Có một ĐHSP Quy Nhơn đang phát triển

Trường ĐHSP Quy Nhơn được thành lập năm 1977 với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông trung học cho các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Từ năm 1990, đứng trước nhu cầu cấp bách về đội ngũ giáo viên phục vụ cho công cuộc cải cách giáo dục và đội ngũ cán bộ về các lĩnh vực kỹ thuật và kinh tế phục vụ cho công cuộc CNH-HĐH của khu vực và tỉnh Bình Định, trường đã được mở thêm một số ngành thuộc hệ sư phạm như ngoại ngữ, giáo dục tiểu học, giáo dục chính trị, địa lý, tin học. Liên kết với các trường đại học trong cả nước đào tạo kỹ sư và cử nhân các ngành: kỹ thuật điện, điện tử - viễn thông, công nghệ hữu cơ - hóa dầu, xây dựng dân dụng và công nghiệp, luật, quản trị kinh doanh du lịch, quản trị kinh doanh thương mại… Từ năm học 2002-2003, Bộ GD-ĐT đã cho phép trường  được đào tạo hệ chính quy trình độ đại học, cấp bằng cử nhân kinh tế ngành quản trị kinh doanh và bằng kỹ sư ngành kỹ thuật điện. Năm 2002, trường lại được phép thành lập 2 khoa: Kỹ thuật và Công nghệ, Kinh tế và Quản trị kinh doanh. Như vậy, dù mang tên "sư phạm" nhưng trường vẫn đang phát triển theo hướng đa ngành với 12 ngành đào tạo sư phạm và 17 ngành đào tạo kỹ sư và cử nhân khoa học với quy mô trên 12.000 sinh viên.

Hiện tại, trường có 600 cán bộ giảng viên, CNV. Trong đó, cán bộ giảng dạy có 350 người, gồm 2 phó giáo sư, 45 tiến sĩ, 130 thạc sĩ, 89 giảng viên chính và gần 100 cán bộ đang học nghiên cứu sinh và cao học. Việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được lãnh đạo nhà trường đặc biệt coi trọng, nhất là tạo nguồn cán bộ cho các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ với hơn 61% cán bộ giảng dạy cho các ngành này có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Trường ĐHSP Quy Nhơn có diện tích trên 13 ha. Trong khuôn viên rộng lớn này, trường đã xây dựng được 100 phòng học đạt tiêu chuẩn đáp ứng cho 10-15 ngàn sinh viên học 2 ca trong ngày; 1 trung tâm thí nghiệm thực hành gồm 2 khu nhà 3 tầng có diện tích gần 3 ngàn m2 với hơn 40 phòng thí nghiệm và xưởng thực hành; 4 phòng nghe nhìn phục vụ cho việc học tiếng nước ngoài; 1 trung tâm tin học với gần 300 máy vi tính; 1 thư viện với khu nhà ba tầng gồm 26 phòng đọc có diện tích 1,2 ngàn m2, đang được nâng cấp theo dự án Giáo dục đại học; 5 khu ký túc xá sinh viên với diện tích 5,6 ngàn m2 đủ sức chứa 3 ngàn sinh viên… Với những điều kiện như vậy, trường ĐHSP Quy Nhơn sẽ là một trường đại học hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trong khu vực.

* Và sự cần thiết về một ĐHQN đa ngành

Từ những số liệu trong cuốn "thực trạng lao động và việc làm Việt Nam 1998" (NXB thống kê, Hà Nội-1999) cho thấy: tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên ở đồng bằng Sông Hồng là 32,56% (so với tỷ lệ chung của cả nước), Đông Nam bộ là 27,22%, đồng bằng sông Cửu Long là 12,4%... trong khi đó, vùng Duyên hải Nam Trung bộ có 8,46% và Tây Nguyên là 2,3%. Thực trạng trên cho thấy, muốn phát triển nguồn nhân lực khoa học cho khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên để nhanh chóng đưa nền kinh tế khu vực này tiến kịp các khu vực khác trong cả nước, cần phải giải quyết ba vấn đề: Tăng nhanh số lượng đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết vấn đề không hợp lý về cơ cấu…

Ngày 4-4-2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "quy hoạch mạng lưới trường đại học cao đẳng giai đoạn 2001-2010" trong đó xác định rõ: xây dựng mạng lưới trường đại học, cao đẳng đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước…". Mục tiêu trên là kim chỉ nam cho việc mở rộng quy mô đào tạo hiện tại của trường ĐHSP Quy Nhơn và có thể khẳng định việc chuyển trường ĐHSP Quy Nhơn thành ĐHQN là phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đào tạo. Chính vì vậy, từ năm 1998, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã đồng ý lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đổi tên trường ĐHSP Quy Nhơn thành trường ĐHQN. Thể theo nguyện vọng đó, mới đây, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã về trường ĐHSP Quy Nhơn để khảo sát và thẩm định đề án xây dựng trường ĐHQN trên cơ sở trường ĐHSP Quy Nhơn và đã nhất trí đề nghị Bộ để Bộ trình Chính phủ ra quyết định thành lập ĐHQN.

Tuy nhiên, để có một trường ĐHQN ngang tầm, trường ĐHSP Quy Nhơn cần phải tạo được một bước đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên các ngành khoa học, kỹ thuật đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo đa ngành và nghiên cứu khoa học cũng phải tiếp tục bổ sung và hiện đại hóa…

. Minh Ngọc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nỗ lực vượt khó vươn lên   (28/09/2003)
Trường chuyên Lê Quý Đôn: Vườn ươm của những tài năng   (26/09/2003)
Sức sống của "thời trang sida"   (26/09/2003)
Những khát vọng vượt qua số phận   (25/09/2003)
Vẫn cần sự "tiếp sức" của Nhà nước   (24/09/2003)
Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị   (23/09/2003)
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)
Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?   (21/09/2003)
Nông dân sắm nhiều xe máy: Niềm vui và nỗi lo   (19/09/2003)
"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót   (18/09/2003)
Trên đường vươn tới đỉnh Olympia  (17/09/2003)
Công tác xây dựng Đảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ   (16/09/2003)
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Bình Định đã có bước tiến dài   (14/09/2003)
Sôi động phong trào chơi phong lan ở Quy Nhơn   (12/09/2003)
Còn những điểm chưa phù hợp với thực tế   (11/09/2003)