Khi phái đẹp gánh việc phường
17:16', 5/1/ 2004 (GMT+7)

Hội đồng nhân dân (HĐND) phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) đương nhiệm có đến hơn nửa số ghế thuộc về phái yếu. Và điều đáng nói hơn là phường Đống Đa đang khởi sắc dần lên với nhiều chuyển động tích cực.

Phải khó khăn lắm, tôi mới hẹn làm việc được với chị Lê Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, mà chị cũng chỉ "dám" hẹn tôi sau 11 giờ trưa. Công việc của một phường luôn nhiều quá đỗi. Chị Ánh tâm sự: "Từ ngày Nhà nước có quy định cán bộ khối phường, xã làm việc ngày 2 buổi, tôi thấy nhẹ cả người. Với hàng núi công việc ở phường mà không làm hai buổi thì không sao giải quyết cho rốt ráo được, nhất là những việc ấy lại liên quan đến người dân…".

Theo chân các chị và các ngành chức năng của chính quyền thành phố trong đợt ra quân chống lấn chiếm, cất nhà trái phép ở đầu cầu Quy Nhơn- Nhơn Hội, tôi đã được chứng kiến "vũ khí" mềm mỏng và cương quyết của các chị. Các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ xây cất trái phép một cách trật tự. Chị Nguyễn Thị Thiện, Chủ tịch HĐND kiêm Chủ tịch Mặt trận phường cho biết: "Để người dân tự giác tháo gỡ là cả một vấn đề bởi đa số họ là dân lao động nghèo, không có chỗ ở… Chúng tôi đã phải kiên trì làm công tác tư tưởng, cảm thông với khó khăn của họ nhưng cũng phân tích để họ rõ không vì thế mà vi phạm quyền lợi chung. Từ đó, dân biết sai và sửa sai. Còn nếu mình làm không đúng, họ sẽ khiếu kiện…".

Vị tha, cảm thông là những đức tính thường trực trong mỗi người phụ nữ làm lãnh đạo. Bởi thế mà họ dễ "đi" được vào lòng người. Hàng xóm láng giềng va chạm quyền lợi về một lối đi chung tìm tới các chị; vợ chồng trắc trở, muốn ra tòa bỏ nhau cũng tìm tới các chị. Chị Ánh tâm sự: "Người lãnh đạo phải có cái nhìn toàn diện, hiểu được hai bên và không thiên vị bên nào. Có được như vậy thì mới giải quyết tốt các mối quan hệ trong nội bộ nhân dân".

UBND phường Đống Đa có một phong thái tổ chức công việc khá bài bản. Khách đến phường sẽ thấy sơ đồ hướng dẫn phòng làm việc của các bộ phận, bảng niêm yết, thông báo những thông tin mới nhất mà người dân cần biết.

Năm 2003, phường Đống Đa đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch. Chỉ tiêu nộp thuế đạt 102% (việc mà từ năm 2000 về trước phường chưa bao giờ hoàn thành); chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình đạt 110%; tuyển quân đạt 103%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ 23% giảm xuống còn 21,17%; từ 7,1% số hộ nghèo năm 2002 giảm xuống còn 4,9% năm 2003…

Tuy nhiên để có được đội ngũ nữ đoàn kết và làm "được việc" như hôm nay thật không dễ dàng gì. Một nam cán bộ ở phường đã "bật mí": "Quả thật lúc đầu nhìn thấy tên chị ấy (chị Ánh) trong danh sách bầu cử, tôi đã lấy bút đỏ gạch đi gạch lại nhiều lần vì không thể chấp nhận được một bà "chân ướt, chân ráo" dưới cơ sở, bỗng nhiên lên "ngồi" trên đầu mình. Nhưng bây giờ thì khác rồi, tôi phục chị ấy, tôi phục các chị cán bộ nữ ở phường…".

Tuy ở nội thành, nhưng đời sống nhân dân phường Đống Đa chưa cao bởi cư dân ở đây đông đúc (đông gấp đôi so với một số phường nội thành khác) lại sống chủ yếu bằng diêm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt và lao động phổ thông…. Phường lại đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ với nhiều dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị quan trọng của tỉnh và thành phố như dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, dự án "Công viên Tháp Đôi", "Đường Tháp Đôi", dự án mở đường "Hoa Lư - Điện Biên Phủ"… Chuyện phát triển đang nằm ở thì tương lai, còn hiện tại một bộ phận người dân đang phải đối mặt với sự mất ổn định về nơi ăn, chốn ở, phải chuyển đổi công việc, nghề nghiệp… nhất là khi việc thực hiện các dự án bị kéo dài, chế độ đền bù chậm, chưa phù hợp với thực tế, chưa bảo đảm công bằng giữa các dự án. Việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân còn khó khăn… Từ đó, phát sinh những mâu thuẫn phức tạp và thường xuyên do việc đòi hỏi chế độ đền bù, đất tái định cư, rồi việc khiếu kiện tranh chấp đất đai, thừa kế… Sự phức tạp đó, đòi hỏi những "công bộc" của dân phải có sức khỏe, nhiệt tình, năng động, sâu sát cơ sở để vừa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trên giao vừa xử lý kịp thời tình hình riêng của địa phương.

Người phụ nữ có làm gì ở ngoài xã hội đi nữa thì cũng phải là người giải quyết những việc cơ bản trong gia đình, trong khi sức khỏe lại yếu hơn vậy mà các chị ở đây đều quyết không thua nam giới. Chị Ánh cười vui: "Cũng phải chịu chơi, chịu khó, chịu cực… nói chung là đàn ông làm được gì mình cũng phải làm được, không thể thua kém".

NGỌC QUỲNH

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một số ý kiến đánh giá của bạn đọc đối với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Một năm "nhắp chuột" với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Bình Định điện tử "thôi nôi"  (01/01/2004)
Hoa niên thời đại  (31/12/2003)
Nét nổi bật về Hội thi báo cáo viên giỏi tư tưởng Hồ Chí Minh ở xã, phường  (30/12/2003)
Công đoàn Cảng Quy Nhơn: Phát huy phong trào thi đua lao động sản xuất  (28/12/2003)
Học sinh bán trú Vân Canh: Bao giờ có trường lớp mới?   (26/12/2003)
Chuyện xây dựng đời sống mới ở giáo xứ Gò Thị   (25/12/2003)
Nhân ngày dân số Việt Nam (26-12): 42 năm và một chính sách nhất quán  (24/12/2003)
Nhà ở tập thể cho giáo viên - khó nhưng sẽ được  (23/12/2003)
Phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (22/12/2003)
Đêm bão tố  (21/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân  (21/12/2003)
Khi cựu tù chính trị làm kinh tế  (19/12/2003)
An cư để lạc nghiệp   (18/12/2003)