Sau 5 năm thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở: Hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước
17:13', 5/1/ 2004 (GMT+7)

Thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS) là một khâu rất quan trọng nhằm hoàn thiện cơ chế nhân dân làm chủ xã hội. Sau 5 năm triển khai QCDCCS ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy. Thực tế cho thấy, thực hiện DCCS là sự gặp gỡ, hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước…

* Khi dân biết, dân bàn, dân giám sát, kiểm tra

Chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn - một biểu hiện của sự hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân

Ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đã thực hiện dân biết được từ 10 đến 12/14 việc, thông qua nhiều hình thức, nhưng chủ yếu qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp dân, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và sinh hoạt Đảng, các đoàn thể… Đến nay, đại bộ phận nhân dân biết được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; nghị quyết HĐND, các quyết định của UBND xã, phường, thị trấn; các quy định về thủ tục hành chính giải quyết các công việc liên quan đến dân; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; công tác văn hóa - xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. UBND các xã, phường, thị trấn đã xây dựng và chấn chỉnh tác phong làm việc, thực hiện tốt hơn việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực mà nhân dân có quan hệ thường ngày; đặt hòm thư tại trụ sở để nhân dân góp ý; thông báo ngày giờ làm việc, thời gian, địa điểm tiếp dân hàng tháng; rà soát lại các văn bản, thông báo; bãi bỏ các khoản thu không đúng quy định.     

Người dân đã tham gia bàn bạc, quyết định trực tiếp từ 4 đến 5/6 việc và có 5 đến 6/8 việc nhân dân bàn nhưng do HĐND, UBND xã, phường, thị trấn quyết định. Các nội dung do nhân dân bàn bạc, quyết định ngày càng rõ và hiệu quả hơn; với phương thức thực hiện chủ yếu thông qua họp dân để phổ biến, sinh hoạt của mặt trận, các đoàn thể và sinh hoạt quân dân chính thôn, khu phố. Những việc được dân bàn bạc sôi nổi là các chủ trương huy động nhân dân đóng góp xây dựng điện, đường, trường, trạm và bê tông hóa giao thông nông thôn; xây dựng quy ước, hương ước; lập thu chi các quỹ; dự thảo phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách, thành lập đơn vị hành chính mới cấp xã; chia tách, thành lập thôn, khu phố; giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND, trưởng thôn, trưởng khu phố và ủy viên thanh tra nhân dân.

Đã thực hiện từ 6 đến 7/10 việc dân giám sát, kiểm tra. Quá trình giám sát, kiểm tra chủ yếu thông qua mặt trận, các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn. Các công trình do nhân dân đóng góp, các quỹ của dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết các vụ tiêu cực, tham nhũng của cán bộ xã, thôn… là những nội dung chủ yếu được nhân dân giám sát, kiểm tra. 

* Xây dựng cộng đồng dân cư tự quản

Cùng với việc thực hiện QCDCCS, cộng đồng dân cư tự quản từng bước được xây dựng, hình thành và đã có tác dụng tích cực. Nhân dân đã cùng nhau bàn bạc, quyết định những công việc hàng ngày của cộng đồng, hương ước, quy ước được xây dựng, từ đó, đã góp phần tăng cường tình làng nghĩa xóm, phát huy dân chủ trong việc lựa chọn, giới thiệu bầu trưởng thôn, trưởng khu phố, bầu thanh tra viên nhân dân. Đến nay, nhân dân đã bầu 1.047 trưởng thôn, trưởng khu phố và 1.086 ủy viên thanh tra nhân dân. Vai trò trưởng thôn, trưởng khu phố được nâng lên rõ rệt. Đời sống văn hóa khu dân cư được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2002, toàn tỉnh có 496 thôn, khu phố đăng ký xây dựng làng văn hóa và đã có 59 thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa cấp huyện, thành phố; 22 thôn, khu phố văn hóa cấp tỉnh; 246.188 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trong đó, có 405 gia đình văn hóa xuất sắc được tỉnh công nhận. Một số thôn, khu phố đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt của thôn, khu phố hoặc xây dựng lớp học mẫu giáo làm nơi sinh hoạt, có nơi xây nhà sinh hoạt riêng. 1.699 tổ hòa giải đã được xây dựng, mỗi năm hòa giải 2.500 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không phát sinh thành khiếu kiện.  

* Những hiệu quả thực tế

Qua thực hiện QCDCCS ở xã, phường, thị trấn đã tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đã có 70% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt QCDCCS. Quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy, nhân dân quan tâm hơn đến công việc của chính quyền, nhiều thắc mắc, bức xúc trong nhân dân được các cấp, các ngành giải quyết tốt hơn. Nhân dân cũng đã nhận thức đúng hơn, đầy đủ hơn về quyền lợi, trách nhiệm với nghĩa vụ; dân chủ với kỷ cương; dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện. Từ đó, tạo được không khí dân chủ, phấn khởi và tạo thêm động lực mới thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước; khơi dậy và phát huy các nguồn lực của nhân dân, vận động nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện QCDCCS, hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của mặt trận, đoàn thể được đổi mới theo hướng sát cơ sở, sát dân, giải quyết một cách kịp thời, hiệu quả các yêu cầu chính đáng của dân…

Tất nhiên, việc thực hiện QCDCCS ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, công tác tuyên truyền QCDCCS chưa thường xuyên, sâu rộng. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp chưa thật sâu sắc. Một bộ phận nhân dân còn biết chung chung, chưa cụ thể. Đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế về thông tin. Một số nơi, những việc phải thông báo cho dân biết thực hiện chưa đầy đủ, còn hình thức, thiếu cụ thể; việc lấy ý kiến nhân dân tham gia bàn bạc các công việc trước khi HĐND, UBND quyết định tiến hành chưa kịp thời. Có nơi không công khai kịp thời, cụ thể các khoản đóng góp của dân. Vì vậy, một số chủ trương thực hiện chưa được nhân dân đồng tình cao, nhất là trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch… Quyền giám sát của nhân dân chưa được thể chế hóa, cơ chế chưa rõ. Ban thanh tra nhân dân tuy được thành lập nhưng nhiều nơi chưa được phát huy đúng mức. Việc giám sát, kiểm tra thông qua tổ chức mặt trận, đoàn thể, ban thanh tra nhân dân vẫn còn khó khăn, lúng túng, ít hiệu quả… Những hạn chế này cần khắc phục trong thời gian tới nhằm làm cho việc thực hiện QCDCCS đạt hiệu quả thiết thực.

KHẢI NHÂN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khi phái đẹp gánh việc phường   (02/01/2004)
Một số ý kiến đánh giá của bạn đọc đối với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Một năm "nhắp chuột" với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Bình Định điện tử "thôi nôi"  (01/01/2004)
Hoa niên thời đại  (31/12/2003)
Nét nổi bật về Hội thi báo cáo viên giỏi tư tưởng Hồ Chí Minh ở xã, phường  (30/12/2003)
Công đoàn Cảng Quy Nhơn: Phát huy phong trào thi đua lao động sản xuất  (28/12/2003)
Học sinh bán trú Vân Canh: Bao giờ có trường lớp mới?   (26/12/2003)
Chuyện xây dựng đời sống mới ở giáo xứ Gò Thị   (25/12/2003)
Nhân ngày dân số Việt Nam (26-12): 42 năm và một chính sách nhất quán  (24/12/2003)
Nhà ở tập thể cho giáo viên - khó nhưng sẽ được  (23/12/2003)
Phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (22/12/2003)
Đêm bão tố  (21/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân  (21/12/2003)
Khi cựu tù chính trị làm kinh tế  (19/12/2003)