Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn: Vươn đến tương lai
17:10', 5/1/ 2004 (GMT+7)

Cách đây hơn 40 năm, ngôi trường mang tên Trường Trung học Kỹ thuật Quy Nhơn khai giảng khóa học đầu tiên chỉ với 160 học sinh học hướng nghiệp. Còn bây giờ, trường đang từng bước đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, thu hút gần 3.000 học sinh đang theo học nhiều hệ.

* "Vườn ươm" thợ lành nghề

"Những năm trước chúng tôi chỉ xét tuyển, vậy mà có năm vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Còn bây giờ, cả hai, ba năm nay học sinh đăng ký học đông quá, trường phải tổ chức thi tuyển cả hai hệ trung cấp kỹ thuật và công nhân kỹ thuật. Hệ trung cấp kỹ thuật tỷ lệ 1 chọi 4.  Bây giờ mọi chuyện đã khác…" - ông Ngô Xuân Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Công nhân kỹ thuật (CNKT) Quy Nhơn, mở đầu câu chuyện về sự phát triển của trường như vậy.

Năm học 2003-2004 này, trường có gần 3.000 học sinh hệ CNKT, trung cấp kỹ thuật (TCKT) và đại học tại chức đang theo học, trong đó, có gần 2.500 học sinh thuộc hệ CNKT và TCKT. Từ những ngành nghề đào tạo đơn giản ban đầu với hai hệ CNKT và TCKT, đến nay, trường đã liên kết, mở rộng đào tạo ra gần 20 ngành nghề, với đủ mọi hệ: CNKT, TCKT, kỹ thuật viên và đại học. Với phương châm "đào tạo theo thị trường lao động yêu cầu", những năm qua trường đã cung cấp hàng ngàn lao động lành nghề cho các đơn vị sản xuất trong và ngoài tỉnh. Ông Thủy cho biết: "Thay vì chỉ chuyên chú đào tạo một nghề như trước, bây giờ các em còn được học thêm các nghề ghép. Ví dụ học sinh ở khoa Cơ khí tổng hợp, ngoài nghề tiện, các em còn được học thêm sơ qua nghề gò hàn, nguội để ra trường rộng đường xin việc".

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, hàng năm trường đều tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi cấp trường. Các giáo viên trẻ đều được yêu cầu phải đăng ký các tiết dạy tốt. Hội thi học sinh giỏi cấp trường hàng năm thu hút hàng trăm học sinh tham gia, tạo điều kiện cho các em học hỏi thêm bạn bè và giúp các em tự khẳng định mình. Các phong trào đăng ký tiết học tốt, dạy tốt được duy trì thường xuyên, tạo không khí học tập sôi nổi trong toàn trường. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ngày càng cao, năm 1997 là 95%, năm 2002 lên đến 98%. Hội thi thiết bị dạy nghề tự tạo của trường được đều đặn tổ chức hàng năm. Qua đó, đã góp phần làm phong phú thêm thiết bị thực hành và lý thuyết tại các ban nghề. Nhiều thiết bị của trường đã đạt giải cao qua các cuộc thi toàn quốc.

Nhờ đào tạo có chất lượng, hiện nay, học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đều dễ dàng kiếm được việc làm. Thậm chí nhiều doanh nghiệp như Huyndai Vinashin (Khánh Hòa), Tổng Công ty Xây dựng 72 (Quảng Ngãi), Công ty TNHH An Bình (An Nhơn)… đến tận trường "đặt hàng" hoặc trực tiếp tuyển dụng ngay từ khi học sinh chưa tốt nghiệp. "Ở các tỉnh bạn như Kon Tum, Gia Lai cũng đến đặt vấn đề nhưng làm gì có đủ học sinh mà cung cấp" - ông Thủy nói.

* Trường cao đẳng: tại sao không?

Theo thống kê hiện nay, Bình Định mới chỉ có 1,12% dân số có trình độ cao đẳng trở lên. Trong đó, cán bộ có trình độ cao đẳng chỉ hơn 5.000 người, chủ yếu là cao đẳng sư phạm. Tại các trường THCS và THPT trong và ngoài tỉnh vẫn thiếu giáo viên kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, các trường đã phải chuyển giáo viên dạy sinh vật, vật lý sang dạy các môn này.

Trong khi đó, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và Tây Nguyên mới chỉ có 4 trường cao đẳng và chưa có trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật nào. Do vậy, việc nâng cấp Trường CNKT Quy Nhơn thành trường cao đẳng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong khu vực đào tạo lại nguồn nhân lực.

Khi được nâng lên thành trường cao đẳng, trường sẽ có 8 khoa, đào tạo theo hệ chính quy cao đẳng kỹ thuật, trung cấp kỹ thuật, công nhân kỹ thuật và liên kết đào tạo hệ không chính quy. Tuy nhiên, 70% nhiệm vụ đào tạo của trường vẫn là công nhân kỹ thuật. Để đảm bảo tính liên thông trong đào tạo, từ năm học 2006-2007, trường sẽ đề nghị được đào tạo liên thông.

Để chuẩn bị cho việc nâng cấp thành trường cao đẳng, hiện nay, đội ngũ giáo viên của trường đang dần được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Hiện trường có 90 cán bộ, giáo viên; trong 79 giáo viên thì 9 người có trình độ thạc sĩ, 63 người có trình độ đại học, 5 giáo viên đạt Giáo viên dạy giỏi ngành dạy nghề toàn quốc và 20 đạt cấp tỉnh. Hàng năm trường đều cử giáo viên đi tu nghiệp ở Hàn Quốc. Theo ông Thủy, để đáp ứng yêu cầu đội ngũ cán bộ giảng dạy của một trường cao đẳng, mỗi năm trường sẽ cho 5 đến 6 giáo viên đi học thạc sĩ và phấn đấu đến năm 2010, ít nhất 35% số giáo viên có trình độ sau đại học.

Trường hiện có mặt bằng hơn 4,2 ha, với 8 xưởng thực hành, hệ thống phòng làm việc, phòng học đủ chuẩn, khu ký túc xá 3 tầng khép kín, khu sinh hoạt thể dục - thể thao và phòng thí nghiệm. Ngoài ra, trường đang xây 18 phòng học 3 tầng, và khu nhà làm việc. Về trang thiết bị giảng dạy, trường được Chính phủ Hàn Quốc viện trợ những thiết bị giảng dạy hiện đại trị giá 2,5 triệu USD như máy tiện CNC, cơ khí trung tâm CNC, PLC… Hàng năm trường đều đầu tư 300 triệu đồng để mua sắm thêm thiết bị và 50 triệu đồng để cho các giáo viên làm các thiết bị tự tạo đáp ứng yêu cầu thực hành nghề. Bên cạnh giáo trình đã có sẵn, trường sẽ đầu tư thêm để viết một số giáo trình nội bộ và có phương án phát triển thư viện để giáo viên, học sinh khai thác, cập nhật kiến thức và chuẩn bị đầy đủ mọi mặt để phát triển thành thư viện điện tử… Khi đề án được phê duyệt, trường sẽ được đầu tư để mua sắm trang thiết bị phương tiện, thiết bị, thí nghiệm, xây dựng thêm dãy nhà lớp học, khu hiệu bộ, xưởng, ký túc xá 5 tầng, nhà ăn, hội trường, thư viện.

THU HÀ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sau 5 năm thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở: Hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước   (04/01/2004)
Khi phái đẹp gánh việc phường   (02/01/2004)
Một số ý kiến đánh giá của bạn đọc đối với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Một năm "nhắp chuột" với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Bình Định điện tử "thôi nôi"  (01/01/2004)
Hoa niên thời đại  (31/12/2003)
Nét nổi bật về Hội thi báo cáo viên giỏi tư tưởng Hồ Chí Minh ở xã, phường  (30/12/2003)
Công đoàn Cảng Quy Nhơn: Phát huy phong trào thi đua lao động sản xuất  (28/12/2003)
Học sinh bán trú Vân Canh: Bao giờ có trường lớp mới?   (26/12/2003)
Chuyện xây dựng đời sống mới ở giáo xứ Gò Thị   (25/12/2003)
Nhân ngày dân số Việt Nam (26-12): 42 năm và một chính sách nhất quán  (24/12/2003)
Nhà ở tập thể cho giáo viên - khó nhưng sẽ được  (23/12/2003)
Phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (22/12/2003)
Đêm bão tố  (21/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân  (21/12/2003)