Phố đồ cũ
15:54', 8/1/ 2004 (GMT+7)

Ở Quy Nhơn, nhắc đến phố đồ cũ là người ta nghĩ ngay đến đường Bạch Đằng. Ở đấy người ta chuyên mua và bán các loại đỗ gỗ, cửa sổ, tôn lợp nhà… Tất cả đều là đồ second hand

* Đồ cũ: mua đi bán lại

Một cửa hàng đồ cũ tại đường Bạch Đằng

Với 50 năm trong nghề, so với những người buôn bán cùng phố, thì có lẽ cửa hàng của  ông Nguyễn Ngọc Phú vào hạng "lão làng". Hàng của ông bán khá đa dạng: cửa gỗ, cửa sắt, rồi tôn cũ lẫn tôn mới, ván ép. Ông vốn là thợ mộc, chuyên đóng tủ, bàn, ghế. "Thời đó đồ gỗ mắc lắm, người nghèo khó mà mua nổi. Người khá thải đồ cũ mua đồ mới mà người nghèo thì chỉ cần hàng tốt, giá rẻ, cũ một chút cũng được. Vậy là tôi kiêm luôn tất cả hàng cũ lẫn hàng mới". Những năm thời bao cấp, ông nhận thầu đóng hàng cho các cơ quan và mua lại những đồ thải ra, bán cho người khác.

Thường thì các chủ tiệm không cần phải đi đến tận nhà từng người mua mà đã có các "chân rết" thu mua rồi bán lại. Đó là "đội quân" mua sắt phế liệu dạo. Họ mua bao nhiêu mặc, nhưng giá bán lại cho các cửa hàng thì đã có chừng. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia chủ chở hàng đến tận nơi hoặc kỹ tính hơn thì đến hỏi giá tận nơi rồi mới quyết định bán hàng.

Khách mua hàng này thường ít tiền, hiện nay chủ yếu ở quê như các vùng Hội Lộc, Huỳnh Giản hoặc ở vùng ven như Nhơn Hội. Các gia đình xây nhà cho thuê cần lấy lại vốn nhanh cũng đến đây. Thứ hàng này bán theo mùa. Mùa nắng, xây dựng nhiều, khách đến mua hàng cũng khá. Nhưng bắt đầu từ tháng 9 âm lịch trở đi thì ế ẩm đến tháng hai năm sau.

"Làm nghề này, mua vậy bán vậy đâu được, phải bỏ công ra mà tân trang, mông má lại mới ăn tiền" - anh Năm, chủ cửa hàng khác tiết lộ. Hàng mua về phải gia công lại. Cửa cũ mục phần nào thì thay lại phần đó. Chỗ nào bị nứt hoặc có tì vết phải dùng keo trít lại rồi mới lau chùi, đánh vec ni, dầu bóng cho mới. Còn tôn cũ mua về phải tán lại lỗ đinh, chùi bớt những chỗ đã sét rỉ, gò lại cho đẹp; ván ép cũ nham nhở cần tề lại đầu, cắt cho bằng phẳng…"Chúng tôi lấy công làm lời là chính. Cả gia đình tôi đều trông vào cái cửa hàng này" - bà Thọ vợ ông Phú cho biết. Ở nhà bà, anh con trai lo chuyện nặng nhọc như mang vác cửa, nhổ đinh, cưa gỗ; còn bà và cô con dâu chuyên lau chùi, quét sơn, dầu bóng.

Đồ cũ, chất lượng khác nhau nên giá cả cũng vô chừng. Hiện giá cửa sổ nằm khoảng 60.000-100.000 đồng/bộ, cửa chính loại 1m x 2m: 170-200 ngàn đồng/bộ. Tôn cũ các loại dao động ở khoảng 25.000-70.000 đồng/tấm, nhưng có tấm cũng có giá trên trăm ngàn. Một tấm ván ép Mỹ còn tốt giá đến vài trăm ngàn đồng. Loại ván ép này thường chỉ có các ngư dân mua về để đóng ghe vì chịu được nước và mưa nắng. Mỗi món đồ các chủ hàng có lời chừng 20.000-50.000 đồng trở lại. Cá biệt có món lời khá hơn nhưng thường rất hiếm. Nếu khách cần gia công lại cho phù hợp với yêu cầu của họ, các chủ cửa hàng vẫn vui lòng thực hiện.

* Trong thời buổi cạnh tranh

Ông Sáu năm nay đã trên 70 tuổi, nhà ở đường Bạch Đằng, nhớ lại: "Tui dọn về đây ở từ trước giải phóng (1975) đã thấy ở đây bán đồ cũ rồi. Hồi đó, người bán nhiều mà người mua cũng lắm. Cái gì cũng có, từ tủ thờ đến giường ngủ, bàn ghế, đến các cửa sổ, tôn lợp nhà cũ. Nói không quá, chớ đồ ở đây đủ trang bị cho một ngôi nhà. Giờ cũng còn các cửa hàng, nhưng so với trước thì ít hơn nhiều".

Trong thời buổi hàng hóa đa dạng như hiện nay thì việc mua bán các mặt hàng này càng khó khăn hơn. Ông Phú tặc lưỡi: "Thời bao cấp mua bán vậy mà được hơn cô à. Giờ người bán nhiều mà người mua đâu có bao nhiêu. Đời sống khá hơn, mấy ai mà xài lại đồ cũ nữa. Đấy, cô xem. Nhiều món hàng mua đã 5 năm rồi mà vẫn chưa bán được. Cả tháng nay tôi đã bán được món nào đâu". Phía sau nhà ông, cửa sổ, cửa chính, tôn cũ chất la liệt ra đến tận sau vườn.

Một số cửa hàng trụ không nổi đã dẹp tiệm, chuyển qua làm nghề khác. Các cửa hàng khác, để có thể trụ lại nổi, bên cạnh mua bán đồ cũ, họ cũng nhận gia công, đóng mới các loại hàng theo yêu cầu của khách. Hiện nay hầu như không ai bán các loại đồ gỗ cũ nữa mà chỉ tập trung các loại: ván ép, các loại cửa, tôn lợp cả mới lẫn cũ. Bà Thạch, một chủ cửa hàng, cho biết: "Cửa cũ không bán được nên tôi cũng đóng thêm đồ mới. Nhưng giá thành cao quá, tính ra đến 300-400 ngàn đồng/m2. Bỏ nhiều vốn mà bán chậm lắm cô ơi. Đóng ba bốn bộ cửa đã mấy tháng nay vẫn chưa bán được bộ nào". Trong khi đó, tại cửa hàng của anh Năm, giá một bộ cửa mới bằng gỗ tốt theo kiểu dáng hiện đại vẫn chỉ nằm giá 200.000đồng/m2. Khách hàng bình dân chuộng giá rẻ. Bởi vậy, anh toàn đi mua cây gỗ cũ từ các cây đà nhà đã bị dỡ, về xẻ ra thuê thợ đóng. Để giảm bớt chi phí, anh chỉ thuê thợ đóng mộc. Các công đoạn như chà nhám, đánh vec ni gia đình đều tự làm. Anh Năm nói: "Bây giờ không chỉ có người ít tiền mới đến chỗ tôi, nhiều người ưng đồ cũ, đến đặt tôi đóng cửa bằng gỗ cũ nhiều lắm, bởi gỗ cũ không bị cong bật, lại chịu lực cao và không bị mối mọt. Nhưng kiếm đâu ra gỗ để làm. Đã 6 tháng nay tôi không mua được một cây gỗ cũ nào". Theo anh, cửa đóng bằng gỗ cũ chắc hơn gỗ mới vì không còn độ cong, bật. "Gỗ tôi mua toàn là cây đà nhà dỡ ra, loại cây dầu, sao xanh, chò… chịu lực cao mà không bị mối mọt. Nhiều cây chắc quá, xẻ hư cả lưỡi cưa, đinh đóng cũng không nổi"- anh Năm kể.

Những ngày tháng Chạp này, dạo một vòng quanh con phố, chỉ thấy các chủ hàng như ông Phú, bà Thạch tựa cửa ngồi nhìn người qua lại, khách mua hàng hầu như không có. Ngược lại, ở một số chỗ vẫn nhộn nhịp làm hàng. "Chúng đóng hàng mới, sửa hàng cũ chờ ra ngoài năm đó. Mấy thằng trẻ giờ nhanh nhạy lắm, kiểu nào nó sống cũng được. Còn bọn già chúng tôi thì chịu, rồi cũng như mấy thứ đỗ cũ này thôi. Tre già măng mọc mà", ông già Phú bảo thế.

THU HÀ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hãy để hoa thay cho súng đạn  (07/01/2004)
Hoạt động văn hóa, xã hội ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (06/01/2004)
Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn: Vươn đến tương lai  (05/01/2004)
Sau 5 năm thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở: Hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước   (05/01/2004)
Khi phái đẹp gánh việc phường   (05/01/2004)
Một số ý kiến đánh giá của bạn đọc đối với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Một năm "nhắp chuột" với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Bình Định điện tử "thôi nôi"  (01/01/2004)
Hoa niên thời đại  (31/12/2003)
Nét nổi bật về Hội thi báo cáo viên giỏi tư tưởng Hồ Chí Minh ở xã, phường  (30/12/2003)
Công đoàn Cảng Quy Nhơn: Phát huy phong trào thi đua lao động sản xuất  (28/12/2003)
Học sinh bán trú Vân Canh: Bao giờ có trường lớp mới?   (26/12/2003)
Chuyện xây dựng đời sống mới ở giáo xứ Gò Thị   (25/12/2003)
Nhân ngày dân số Việt Nam (26-12): 42 năm và một chính sách nhất quán  (24/12/2003)
Nhà ở tập thể cho giáo viên - khó nhưng sẽ được  (23/12/2003)