|
Con trâu vẫn còn gắn bó với người nông dân. |
Tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn đã "tháo" con trâu ra khỏi cái ách cày và "tra" vào nó cái ách của những chiếc xe cộ. Thế rồi, những chiếc xe "cọc cạch" ra đời lại đẩy con trâu vào tình cảnh "nằm chơi xơi cỏ"! Bây giờ thì số phận con trâu đi về đâu?
Một thời, con trâu đã được ông bà chúng ta đặt lên làm "đầu gia nghiệp"! Điều này chứng tỏ con trâu đã cống hiến sức lực không ít cho cuộc sống của con người. Thuở những chiếc máy cày còn ở tận trời Tây thì trên khắp các cánh đồng của một đất nước có đến hơn 80% dân số làm nông nghiệp như nước ta thì con trâu đã phải gánh trọng trách thực hiện công việc làm đất. Vào mùa, con trâu hầu như chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Hết trong ách cày lại phải chuyển sang ách bừa. Hết ruộng nhà là tiếp ngay đến ruộng người. Chân trâu luôn lội trong bùn và lưng trâu luôn dính với chiếc roi. Ngày xưa chỉ có những hộ phú nông mới có đủ khả năng để sắm được cặp trâu cày. Sắm được rồi cũng chẳng dễ gì đào tạo chúng trở thành một bộ đôi cày giỏi, thường thì các chủ trâu phải thuê các "trai cày" thiện nghệ về huấn luyện cho chúng. Khi đã thuần thục, cặp trâu cày ấy sẽ trở thành cái "máy in tiền" cho các ông chủ. Bởi ruộng thì "cò bay thẳng cánh" mà trâu cày thì hiếm nên vào vụ sản xuất là chúng chẳng bao giờ hết việc. Thật ra thì việc cày bừa lũ bò làm cũng tốt chán, nhưng hầu hết nhà nông đều thích các đường cày sâu của trâu hơn. Bởi đường cày sâu là một trong một yếu tố quyết định cho năng suất của mùa màng.
Những con trâu cái cũng không chịu kém cỏi hơn lũ trâu đực trong việc mang lại lợi ích cho con người. Nó xứng đáng được đứng vào hàng ngũ "đầu cơ nghiệp" của nhà nông khi chúng cũng được ông bà ta nói đến với một tình cảm thật yêu thương: "Muốn giàu nuôi trâu cái, muốn lụn bại nuôi bồ câu"! Nhiệm vụ chính của những con trâu cái không phải là trên đồng ruộng mà là thực hiện cái "thiên chức" làm mẹ của nó. Hằng năm, mỗi con trâu cái cứ đều đặn cho ra đời một chú trâu nghé là công trạng của nó được sánh bằng ba vụ mùa làm việc cật lực của một chú trâu đực. Chỉ cần sau 12 tháng được chăm sóc, khi trâu mẹ đẻ trâu em thì những chú trâu ấy được đổi chủ để bắt đầu bước vào sự nghiệp cày bừa. Đó là chỉ mới nói đến những chú trâu bình thường, với những chú trâu mang dáng đẹp như: "Trâu hoa tai, bò gai sừng", hoặc "Trâu chóp tóc, bò mũi mấu" (ấy là những con trâu khỏe) thì giá của chúng càng cao theo sự "ái mộ" của những nhà nông dày kinh nghiệm. Quả thật con trâu một thời là niềm tự hào của các nhà nông và nó cũng được xem là của quý để mang ra cạnh tranh sự giàu có với nhau: "Anh có sừng trâu bạc, tôi có giác trâu đen"! Thật là vàng son một thuở!
Thế nhưng cách đây không lâu, những chiếc máy cày đã đẩy con trâu về lại chuồng và đẩy chúng ra khỏi sự sủng ái của nhà nông. Từ là "đầu cơ nghiệp", con trâu bỗng trở thành một món thịt thương phẩm chẳng được mấy ưa chuộng ở các buổi chợ mặc dù theo các nhà nghiên cứu thì thịt trâu có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều các loại thịt gia súc khác. Những con trâu tưởng là đời mình chỉ còn mỗi một con đường là "đi đến lò mổ" thì sự bùng nổ giao thông nông thôn đã cứu vớt chúng. Sức kéo của chúng lại được tận dụng vào các phương tiện vận chuyển thô sơ để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu ở các vùng nông thôn như: chuyên chở lúa gạo, phân bón và nhất là vật liệu xây dựng. Vào thời điểm ấy, mỗi ngày mỗi chiếc cộ trâu có thể mang lại cho những người chủ của chúng từ 40-50 ngàn đồng, một khoản thu nhập không nhỏ cho người nông dân. Vả lại, điều khiển một chiếc cộ trâu là công việc có thể dễ dàng đối với tất cả mọi người từ trẻ con, phụ nữ đến người già. Trâu là loài vật khôn ngoan, có trí nhớ tốt nên nếu là những tuyến đường quen thuộc thì người "cầm lái" chỉ cần ra một roi là nó có thể đủng đỉnh đi đến nơi về đến chốn. "Lạc đàng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu" mà! Còn nếu là những tuyến đường lạ thì việc điều khiển cũng dễ dàng bằng những động tác giật dây cương theo 2 hướng "dí, thá".
Cứ ngỡ đời trâu như thế là đã yên ổn, bỗng dưng những chiếc xe cọc cạch ào ạt ra đời chiếm hết công việc của những chiếc cộ trâu chậm chạp. Thời điểm này "đất sống" của những chiếc cộ trâu là những tuyến giao thông liên thôn mà những chiếc xe cọc cạch không vào được. Do đó, nguồn thu nhập của những chiếc cộ trâu bị giảm mạnh, thậm chí bị "thất nghiệp"! Những chiếc cộ lần lượt bị xếp xó vườn và con trâu lại bị "thất sủng"! Giá cả của con trâu theo đó cũng bị tuột thảm hại, chúng chỉ còn chờ được vỗ béo để "hành phương Nam" theo chân của các lái trâu từ các tỉnh phía Nam ra mua để cung cấp cho các tỉnh có nhiều diện tích canh tác lúa ở Nam bộ. Cứ ngỡ thế đã là đường cùng. Lại bỗng dưng những chiếc xe cọc cạch bị cấm lưu thông trên những tuyến giao thông chính, thế là cộ trâu lại "lên ngôi"! Chẳng một cảnh sát giao thông nào nỡ huýt còi chặn một phương tiện vận chuyển hiền lành và không có khả năng gây tai nạn giao thông như những chiếc cộ trâu. Con trâu lại đột ngột lên giá.
Anh Ba Khanh ở thôn An Hòa (Nhơn Khánh - An Nhơn) cho biết: "Con trâu mà tôi đang kéo cộ trước đây chỉ mua có 2,5 triệu (5 chỉ vàng) nay đã tăng đến 10 triệu đồng. Nếu công việc có đều như bây giờ thì với những người nông dân như chúng tôi thì không có việc làm ăn nào ổn định bằng sắm một chiếc cộ trâu, bởi lúc này nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng. Mỗi ngày 4 chuyến đi về (Nhơn Khánh - thị trấn Bình Định) với các loại hàng: lúa gạo, phân bón, gạch ngói, củi… cũng kiếm được cả 100.000đ. Chúng lại rất dễ nuôi, chỉ ăn cỏ bình thường và thực phẩm bồi dưỡng cũng rất đơn giản như: đường, cháo trắng."
Quả là, qua nhiều bước "thăng trầm", hiện con trâu vẫn chưa đánh mất niềm tin vào sự có ích của chúng đối với nhà nông!
VŨ ĐÌNH THUNG |