Cát Hải những ngày giáp Tết
17:13', 14/1/ 2004 (GMT+7)

Hành - cây trồng chủ lực thoát nghèo ở Cát Hải

Bởi đã có ấn tượng với những đường đèo đầy đá sỏi, nên từ TP Quy Nhơn chúng tôi khởi hành thật sớm và khi đặt chân đến Cát Hải (Phù Cát), buổi sáng tháng Chạp trời hãy còn ẩm mùi sương.

* Ba đèo gió cát

Khi những tia nắng đầu tiên chạm lên mặt cát trông Cát Hải thật tươi tắn và lạ lẫm. Đứng trên đỉnh đồi Tân Thanh nhìn xuống, Vũng Tô như một chiếc bát úp mà con đường ven biển đang thi công như một nét màu sáng tươi. Đập vào mắt chúng tôi, giữa trung tâm Vũng Tô, là một khu vui chơi dành cho các em mới được xây dựng, nằm kề ngôi trường cấp II khang trang vừa mới xây.

Trong ký ức của người dân Cát Hải, hình ảnh những ngôi làng cõng trên lưng ba đèo gió cát tưởng như chỉ mới vừa hôm qua. Anh Trần Cừ, Trưởng thôn Tân Thanh, chỉ cho chúng tôi dấu tích của con đường đèo um tùm lau lách, và nói: "Đấy, anh thử tưởng tượng, trước, người Cát Hải đi chợ cũng phải vượt qua những ngọn đèo cheo leo như vậy. Phương tiện duy nhất để đem những sản phẩm từ đồng ruộng ra thị trường hồi đó chỉ là đôi thúng oằn trên vai những người phụ nữ".

Nhưng sợ nhất với người dân Cát Hải vẫn là gió. Tháng Sáu, mùa gió Nam. Gió gào lên, như muốn lật đổ nhà. Cùng với gió là cát. Những doi cát bỏng rát, thổi bạt vào mặt người, nóng rát cả thịt da. Gió, nắng, và cùng với nó là cảnh đói nghèo đeo đẳng với người Cát Hải. 

Bên những cánh đồng đang trở xanh màu mạ mới, anh Mai Sào, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Hải, tâm sự: "Anh tính, bây giờ, lúa lên xanh như vậy, chứ hồi xưa, chỉ riêng chuyện đào ao tát nước, dưỡng cây đậu phụng không thôi cũng bã tay. Hồi đó, không có nước, có nơi làm được ruộng một vụ đã khổ, nói chi đến chuyện luân canh, thâm canh".

* Bắt núi cúi đầu

"Bắt núi cúi đầu, giải phóng đôi vai" - Đó là ước mơ của người Cát Hải từ nhiều năm trước. Tưởng chỉ mãi là ước mơ, vậy mà nay, ước mơ đó đang dần thành hiện thực.

Trước tiên, thoát khỏi nỗi ám ảnh muôn đời về những cánh đồng khát nước, là những chiếc giếng khoan, khai thác mạch nước ngầm. Những năm đầu, đóng một chiếc giếng khoan, mất một chỉ vàng, nhưng người dân vẫn phải chắt bóp, tằn tiện để làm, và càng hiểu cái giá của những giọt nước ngọt ngào. Nhưng nếu chỉ giếng khoan không thôi thì chưa đủ xanh đồng thắm ruộng. Một niềm vui khác lại đến với người Cát Hải. Từ năm 2001, người dân trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia. Không chỉ phục vụ đời sống, có điện, người Cát Hải đã có thể dùng máy bơm nước từ giếng khoan, tưới khắp các cánh đồng. Nước đã có đủ cho ba vụ. Nhờ vậy, vài năm trở lại đây, Cát Hải đã phát triển mạnh cây hành và nó trở thành thứ cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo của người dân. Toàn xã hiện có 147 ha trồng hành, năng suất đạt 50 tạ/ha. Anh Mai Chí, một nông dân, cho biết: "Với cây hành, một năm gia đình tôi thu khoảng 10 triệu đồng".

Hai năm nay, thêm một tin vui đến với Cát Hải. Đó là việc tỉnh quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển từ Nhơn Hội đến Tam Quan. Hiện tuyến đường này đang thi công. "Con đường mở ra cho người Cát Hải  bao cơ hội. Trước, hành sản xuất ra, dễ bị ép giá, có con đường này, nhiều thương lái đến tận ruộng mua. Giá cả do vậy, dễ chấp nhận hơn" - anh Mai Sào phân tích. Bên cạnh đó là 9 tuyến đường đi về các thôn trong xã với hơn 7 km đã được cấp phối và sẽ được trải bê tông trong năm 2004.

* Mơ những cánh đồng 50 triệu/ha

Làm việc với chúng tôi, ông Đặng Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã, phấn khởi trước tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2003 của xã: 46,2%. Đây là mức tốc độ tăng trưởng cao. Nhờ vậy, mức thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/năm. Trong năm này, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,15% so với năm 2002. Điều đáng nói, là năm 2003, xã đã xây dựng được các mô hình luân canh, cho thu nhập 50 triệu đồng/ha. Trước tiên là mô hình 4 loại cây/1 đơn vị diện tích/năm. Đó là bông vải xen đậu phụng vào vụ đông xuân và hành xen ngô vào vụ thu đông. Mô hình này có quy mô 10ha, hơn 100 hộ tham gia, cho thu nhập hơn 56,7 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi 39 triệu đồng/ha/năm. Một mô hình khác là luân canh 2 loại cây trồng/năm, vụ đông xuân trồng hành, hè thu trồng đậu phụng và vụ thu đông trồng hành. Mô hình này có quy mô 35 ha, cho giá trị thu nhập 67 triệu/ha, lãi 41,5 triệu đồng/ha. Dự án thuyền nghề đánh bắt gần bờ cũng được xây dựng. 60 hộ đã được vay vốn, mua và đóng mới 27 chiếc thuyền có công suất từ 15CV trở lên, nâng tổng số tàu thuyền toàn xã lên 61 chiếc. Giá trị khai thác trong năm của xã đạt hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra, Dự án nuôi tôm công nghiệp cũng đã được thực hiện trên diện tích 2 ha. Những dự án và mô hình như vậy đang mở ra một triển vọng mới cho Cát Hải.

Năm 2004, Cát Hải đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 19%, và xác định cây hành vẫn là cây trồng chính. Ông Liêm khẳng định: "Năm nay, xã sẽ tăng diện tích trồng hành lên 180 ha, năng suất đạt 63 tạ/ha. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở rộng mô hình luân canh cây trồng lên 50 ha, trong đó, 20 ha làm mô hình trồng đậu vụ đông xuân, rồi trồng mè, và vụ cuối trồng hành xen bắp. Dự kiến mô hình này sẽ cho thu nhập 60 triệu đồng/ha. 30 ha còn lại sẽ theo mô hình luân canh hai loại cây trong ba vụ".

Những ngày giáp Tết cũng là mùa bắt tôm hùm giống ở Cát Hải. Là nghề mới với người Cát Hải, nhưng từ đầu mùa đến nay, toàn xã đã bắt được trên dưới 200 con. Với thời giá gần 60.000 đồng/con hiện nay, thì chỉ cần bắt chục con tôm, đã dư dả tiền sắm Tết. Đi trên con đường ven biển, thi thoảng, chúng tôi lại gặp những tốp trai tráng vừa mới kết thúc sau một đêm bắt tôm hùm giống. Những khuôn mặt, mỏi nhừ sau một đêm dài trên biển, nhưng ánh mắt lại thật vui. Xen vào đó, là cảnh những người dân nao nức sắm Tết với những giỏ xe đầy hàng. Còn những người trẻ tuổi thì rủ nhau: "Tết này, có đi chơi xa?" vì bây giờ Cát Hải chẳng còn xa…

LÊ VIẾT THỌ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tết sớm ở vùng rốn lũ   (13/01/2004)
Niềm vui khi nước sạch về làng  (12/01/2004)
Giáp Thân nay nhớ Mậu Thân xưa  (11/01/2004)
Thăng trầm đời con trâu  (09/01/2004)
Phố đồ cũ   (08/01/2004)
Hãy để hoa thay cho súng đạn  (07/01/2004)
Hoạt động văn hóa, xã hội ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (06/01/2004)
Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn: Vươn đến tương lai  (05/01/2004)
Sau 5 năm thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở: Hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước   (05/01/2004)
Khi phái đẹp gánh việc phường   (05/01/2004)
Một số ý kiến đánh giá của bạn đọc đối với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Một năm "nhắp chuột" với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Bình Định điện tử "thôi nôi"  (01/01/2004)
Hoa niên thời đại  (31/12/2003)
Nét nổi bật về Hội thi báo cáo viên giỏi tư tưởng Hồ Chí Minh ở xã, phường  (30/12/2003)