Tết này, rượu Bầu Đá sang Tây
9:37', 19/1/ 2004 (GMT+7)

Sản phẩm Rượu Bầu Đá.

Rượu Bầu Đá (RBĐ) là đặc sản của quê hương Bình Định, có xuất xứ từ thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn). Nấu rượu là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Xưa nay RBĐ chỉ sản xuất bằng thủ công, đặc biệt là tất cả các dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng. Muốn có rượu ngon, khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm có thể không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất. Theo những người sành về rượu, thì RBĐ có những nét riêng không có nơi nào có được. Đưa rượu lên rót, tiếng rượu thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng dịu, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi tăm, ngát hương, uống vào cho cảm giác lâng lâng, bay bổng. Chính nhờ những đặc trưng này mà danh tiếng của RBĐ vang xa, RBĐ đã có mặt khắp nơi trong cả nước và được người tiêu dùng chấp nhận.

Từ mấy trăm năm nay, RBĐ được sản xuất bởi vài chục hộ ở thôn Cù Lâm, thì giờ đây đã lan ra cả xã, thậm chí các xã lân cận cũng ăn theo, tổ chức sản xuất RBĐ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong ngoài tỉnh cũng đã nhảy vào kinh doanh mặt hàng mang thương hiệu RBĐ. Tại thôn Cù Lâm, mỗi ngày có hàng trăm lít rượu được xuất xưởng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dù người nấu rượu không giàu lên được từ rượu nhưng nhiều hộ lấy hèm từ rượu chăn nuôi heo, nuôi bò lai đã khá lên rất nhiều. Ông Lưu, một người dân có thâm niên trong nghề nấu rượu ở Cù Lâm, thổ lộ: "Mấy năm gần đây, RBĐ bắt đầu tiêu thụ mạnh nên những người nấu rượu như chúng tôi thu nhập ngày càng khá hơn nhiều".

Theo thống kê của Phòng Công nghiệp huyện An Nhơn, thôn Cù Lâm có 31 hộ thì 29 hộ nấu rượu, trong đó có trên 15 hộ nấu rượu có truyền thống lâu năm và đạt chất lượng. Nếu tính toàn xã Nhơn Lộc thì có khoảng 300 hộ nấu rượu, riêng trong dịp Tết lại tăng lên (tổng cộng khoảng 500 hộ). Trong những ngày thường, trung bình mỗi hộ nấu từ 7-10 lít rượu/ngày, Tết đến số lượng tăng lên 12-17 lít/ngày. Ông Lê Quang Tâm, chủ doanh nghiệp RBĐ ủ trong lúa Tâm Hường (thị trấn Bình Định, An Nhơn), một trong những doanh nghiệp bán RBĐ có uy tín được khách hàng nhiều nơi đặt mua, cho biết: "Ngày nay, RBĐ ồ ạt tung ra thị trường nên thật giả lẫn lộn. Để giữ uy tín với khách hàng, tôi đã ký hợp đồng mua RBĐ dài hạn với 14 hộ nấu rượu lâu năm tại thôn Cù Lâm". Chính nhờ cách làm này nên rượu tại doanh nghiệp Tâm Hường có chất lượng rất cao. Mỗi ngày doanh nghiệp tiêu thụ từ 50-70 lít rượu, dịp Tết tiêu thụ 250-300 lít/ngày. Hiện nay Tâm Hường cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ RBĐ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày hàng trăm lít rượu.

Mới đây, HTX thủ công mỹ nghệ Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã hợp đồng với doanh nghiệp Tâm Hường để thu mua và đưa RBĐ sang Mỹ chào hàng. Việc RBĐ được đưa sang Mỹ chào hàng cũng là dịp tình cờ. Năm 2001 tại TPHCM diễn ra "Hội thảo và triển lãm hãng thủ công mỹ nghệ" do JICA (Nhật) phối hợp với Cục phát triển ngành nghề nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức. Đến giờ phút cuối, trước khi Hội chợ diễn ra, sản phẩm RBĐ lại không nằm trong top hàng triển lãm. Thế là RBĐ được đem đi biếu cho mọi người, có cả khách nước ngoài, và đã được mọi người đồng loạt khen ngợi. Họ liền đặt vấn đề đem RBĐ tiêu thụ ở nước ngoài. Trong một dịp đem hàng thủ công mỹ nghệ sang Mỹ chào hàng, bà Sương - Giám đốc HTX Ba Nhất - đã mang theo 3 sản phẩm rượu: Gò Đen (Long An), Thanh Hóa và RBĐ Bình Định. Sau khi thử qua 3 loại rượu này, người tiêu dùng Mỹ đã chọn RBĐ. Dự kiến qua Tết Giáp Thân này, sau khi thẩm định chất lượng RBĐ một lần nữa, RBĐ sẽ chính thức tiêu thụ tại Mỹ.

Một tin vui nữa lại đến với RBĐ Bình Định, mới đây, doanh nghiệp tư nhân sản xuất RBĐ Ngọc Hương (TP. Quy Nhơn) đã xuất lô hàng RBĐ Ngọc Hương đầu tiên sang Paris. Lô hàng gồm 100 thùng, với số lượng 1.200 chai để cho khách nước ngoài thưởng thức. Đồng thời cũng là cơ hội cho bà con người Việt xa quê thưởng thức hương vị đặc trưng của quê nhà trên đất khách.

Cùng với việc sản phẩm RBĐ được tiêu thụ mạnh khắp nơi, Tết Giáp Thân này RBĐ đã sang Tây, đó là một tín hiệu vui cho RBĐ và người sản xuất RBĐ Bình Định.

NGUYỄN PHÚC

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cát Hải những ngày giáp Tết  (14/01/2004)
Tết sớm ở vùng rốn lũ   (13/01/2004)
Niềm vui khi nước sạch về làng  (12/01/2004)
Giáp Thân nay nhớ Mậu Thân xưa  (11/01/2004)
Thăng trầm đời con trâu  (09/01/2004)
Phố đồ cũ   (08/01/2004)
Hãy để hoa thay cho súng đạn  (07/01/2004)
Hoạt động văn hóa, xã hội ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (06/01/2004)
Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn: Vươn đến tương lai  (05/01/2004)
Sau 5 năm thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở: Hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước   (05/01/2004)
Khi phái đẹp gánh việc phường   (05/01/2004)
Một số ý kiến đánh giá của bạn đọc đối với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Một năm "nhắp chuột" với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Bình Định điện tử "thôi nôi"  (01/01/2004)
Hoa niên thời đại  (31/12/2003)