Làng cúc vào xuân
17:1', 16/1/ 2004 (GMT+7)

Chợ hoa xuân Quy Nhơn

Tôi về làng hoa cúc Vĩnh Liêm, thị trấn Bình Định (An Nhơn) giữa trưa nắng xuân. Những bông hoa cúc đại đóa vàng càng trở nên rực rỡ hơn. Đi đến đâu tôi cũng gặp những đôi mắt lấp lánh niềm vui của những người chủ vườn. Năm nay làng cúc Vĩnh Liêm được mùa.

Dừng chân bên vườn cúc của ông Nguyễn Hữu Phước, người có thâm niên trồng cúc gần 20 năm, đôi tay ông đang thoăn thoắt với chiếc kéo bấm cọc rào chậu cúc đại đóa với những bông vàng to bằng lòng bàn tay, đôi mắt ông rạng ngời niềm vui. Ông cho biết: "Năm nay thuận trời, mưa nắng đúng kỳ hạn cho nên hoa cúc ở Vĩnh Liêm trồng rất đạt. Vườn của tôi 700 chậu cúc năm nay nhất định sẽ cho thu nhập cao hơn. Năm ngoái do thời tiết thất thường nên đa số cúc ở Vĩnh Liêm ra hoa trễ. Nhưng nhờ được chăm sóc tốt mà 500 chậu cúc của tôi đã bán được 450 chậu (còn 50 chậu làm quà) lãi được 10 triệu đồng…". Ông Phước cho biết kinh nghiệm trồng hoa của mình: Phải thường xuyên theo dõi cúc có bệnh hay không, đọt cúc như thế nào để ra bông. Đọt cúc non không được tưới phân (giai đoạn làm búp). Đọt cúc làm búp trong khoảng từ đầu đến rằm tháng 11. Đưa tôi dạo quanh khu vườn của mình, ông Phước "bật mí" điều để vườn cúc của ông luôn "trúng quả", đó là cách ông cho hoa trổ búp sớm vào đầu tháng 11, rồi cắt bỏ búp đi trong 15 ngày sau nứt búp lại là chắc ăn cúc sẽ ra hoa đúng dịp Tết…

Đến vườn cúc của anh Nguyễn Việt Hùng, 600 chậu cúc của anh cũng không kém vườn của ông Phước bao nhiêu. Anh Hùng cho biết: Thường thì trồng hoa cúc không bị lỗ (do chủ yếu lấy công làm lời) chỉ có lãi ít hay lãi nhiều mà thôi. Bình thường lúc cúc bán được thì khoảng 400 chậu sẽ lãi chừng 15 triệu đồng. Chỉ sợ rủi ro do thời tiết, gió bão gãy cành mới thất thu thôi… Theo những người trồng hoa thì cúc năm nay sẽ nhiều bởi thuận trời. Chỉ tính riêng các làng cúc Vĩnh Liêm, Ngãi An và Cửa Tiền (thị trấn Bình Định) đã có đến khoảng 45.000 chậu cúc (tăng hơn so với năm ngoái). Những người gắn bó với cúc thường là để giải quyết việc nông nhàn, nhưng cũng có người vướng vào sự "lỡ mê" cúc. Anh Nguyễn An Đình - một "cúc lão" ở Ngãi An tâm sự: "Cứ khoảng từ rằm đến 20-11 âm lịch, ra vườn mà nhìn thấy ánh trăng dát vàng lên những chiếc búp to bằng ngón tay sáng lấp lánh thì mọi khổ cực tụi tui bỏ ra suốt mấy tháng trời cũng đều tan biến…".

Những ngày gần Tết không những chủ vườn tích cực chăm sóc vườn hoa cúc của mình mà đội ngũ bán cúc rong cũng bận bịu không kém. Làng cúc vào xuân, hoa xuân chẳng những được tiêu thụ tại chỗ mà còn được đưa đi rất xa nhờ vào đội ngũ "rong hoa" này. Hàng năm cứ đến độ 25-26 tháng Chạp thì những người bán cúc rong lại tìm đến các vườn cúc ở Vĩnh Liêm, Ngãi An và Cửa Tiền. Họ mua mỗi vườn vài ba trăm chậu. Rồi ba người hợp tác lại với nhau thuê nguyên những chuyến xe chở hoa đi bán dọc các huyện phía bắc Bình Định ra đến Hoài Nhơn, rồi có những chuyến xe chở hoa lên cao nguyên: Buôn Mê Thuộc, Kon Tum, An Khê, Gia Lai. Hình thức mua bán của họ là mua "sô" từ các chủ vườn và bán "tuyển". Từ giá mua "sô" chừng 12-17 ngàn đồng/chậu thì họ lại lựa ra những chậu có thể bán cao hơn gấp 3-4 lần hoặc có khi chỉ 7-8 ngàn đồng/chậu. Số tiền lãi của họ nằm trong cái khoản chênh lệch ấy. Thời gian đầu, những người bán hoa rong thường có thu nhập khá vì không tốn tiền đóng bãi như bây giờ mà họ chỉ tốn một khoản phí vận chuyển. Nhưng bây giờ thì lại phải tốn tiền đóng bãi và số tiền này cũng không nhỏ như lời anh Hà Văn Toàn cho biết: "Hiện ở địa phương chúng tôi để có 1 bãi đất để chừng 40 chậu cúc thì chúng tôi chỉ trả khoảng 30.000 đồng thôi. Nhưng khi đưa xuống đến Quy Nhơn thì chúng tôi phải đóng đến vài trăm ngàn cho chừng ấy chậu. Người nào xin tận dụng được những vỉa hè dọc thành phố của những chủ nhà dễ tính thì coi như đỡ khổ…".

Việc bán cúc rong cũng lắm nỗi khổ mà theo chị Trần Thị Hạnh ở Kim Châu (thị trấn Bình Định) trong những năm bôn ba với nghề cho biết: "Những ngày giáp Tết, đồng quê chẳng còn nhiều việc để làm, đi bán cúc rong có thêm tiền tiêu Tết nên bọn mình cũng thích lắm, dù biết rằng rong hàng lên tận cao nguyên sẽ rất khổ. Cao nguyên trong những ngày cuối tháng Chạp lạnh phải biết, ấy vậy mà bọn mình cả ngày lẫn đêm dang mình mời khách. Đêm đến đôi lúc cũng gặp những thanh niên địa phương say rượu đến quậy phá vài chậu, phận gái xa nhà đành phải chịu thôi… Cực khổ là vậy nhưng nhờ vui nên mình cũng chẳng sợ".

Mùa xuân mới đang đến gần. Các vườn cúc ở Vĩnh Liêm đang rất đẹp. Các chủ vườn đang rạng ngời niềm vui. Họ mong rằng Tết đến cúc được giá, cuộc sống gia đình sẽ được cải thiện hơn nhờ vào thu nhập từ những chậu cúc này…

THU HIỀN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tết này, rượu Bầu Đá sang Tây  (15/01/2004)
Cát Hải những ngày giáp Tết  (14/01/2004)
Tết sớm ở vùng rốn lũ   (13/01/2004)
Niềm vui khi nước sạch về làng  (12/01/2004)
Giáp Thân nay nhớ Mậu Thân xưa  (11/01/2004)
Thăng trầm đời con trâu  (09/01/2004)
Phố đồ cũ   (08/01/2004)
Hãy để hoa thay cho súng đạn  (07/01/2004)
Hoạt động văn hóa, xã hội ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (06/01/2004)
Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn: Vươn đến tương lai  (05/01/2004)
Sau 5 năm thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở: Hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước   (05/01/2004)
Khi phái đẹp gánh việc phường   (05/01/2004)
Một số ý kiến đánh giá của bạn đọc đối với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Một năm "nhắp chuột" với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Bình Định điện tử "thôi nôi"  (01/01/2004)