Tết này, dân khu 9 sẽ có nước
16:41', 18/1/ 2004 (GMT+7)

. Phóng sự của Ngọc Quỳnh

Bà Phạm Thị Chín, 81 tuổi, mắt lòa rưng rưng, tay sờ soạng, vuốt ve từng đoạn ống nước mà các chú công nhân vừa chở đến tập kết trước cổng nhà bà. Đời ông, đời cha và đến đời bà, đời con cháu của bà đã oằn lưng đi gánh nước xa vài cây số, giờ đây thì nước đã sắp về và ở rất gần… Gương mặt già nua của người đàn bà "gần đất xa trời" căng lên bởi cái cười nở ra từ nỗi khó nhọc dồn nén của cả một đời thiếu nước.

* Ngàn lẻ một… nỗi khổ

Cách trung tâm thành phố không xa nhưng dân cư các tổ 47,48,49 của khu vực 9, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, như sống ở một thế giới khác. Thổ cư của họ là những chòm đất nổi quanh đầm Thị Nại qua những cuộc bồi sông, lấn biển. Gần đất liền, gần phồn hoa đô hội nhưng vẫn là những ốc đảo đầy gió và cát. Dòng Hà Thanh hiền hòa tẽ những nhánh sông đưa nước về với biển. Một điều tưởng như rất ngược đời, dân cư khu 9 được bao bọc bởi những nhánh sông mà bao đời nay vẫn khát. Khát vì nước nhiễm mặn, khát vì thiếu nước ngầm. Ông Phạm Đình Liên, 72 tuổi ở tổ 47, bồi hồi nhớ lại những chuyện thiếu nước từ thời xa xưa, ông bà ông phải đi sõng vào tận khu 5 (khu vực 3, khu vực 4 bây giờ) để lấy nước về dùng. Trong kháng chiến, khu vực 9 là cái nôi cách mạng, người dân đã kiên cường bám trụ nuôi dưỡng, che dấu cán bộ trong những vẹt đưng, vẹt mắm trước sự lùng sục gắt gao của địch. Chúng ngăn sông không cho dân đi lấy nước, mỗi hộ chỉ được phép chở về một vò nước đủ uống trong ngày, không cho dân tiếp nước cho cách mạng. Trong muôn vàn nỗi khổ của chiến tranh và thiếu nước, những người dân khu 9 vẫn dè xẻn từng hạt nước chờ đêm đến đem ra vẹt, ra đưng cho cán bộ.

Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng phải chịu nhiều ám ảnh về nỗi khổ thiếu nước. Chị Nguyễn Thị Hà, 46 tuổi, ngày ngày lao động cật lực bên ruộng muối, đêm về mấy mẹ con rủ nhau ra sông Hà Thanh tắm, rồi chạy về nhà "tưới" thêm vài ca nước ngọt cho đỡ ngứa. Những đứa trẻ ở đây sinh ra mắt lúc nào cũng kèm nhèm, da dẻ đen trũi cháy nắng, khô ráp vì thiếu nước. Cậu bé Hữu, học lớp 9 mà nom bé choắt đưới đôi thùng nước trĩu nặng. Chị Hà mô tả cảnh tờ mờ sáng và chiều tà chị em trong thôn í ới rủ nhau đi gánh nước. Từng đoàn lũ lượt. Đòn gánh kẽo kẹt trên vai, chân trần bấm đất trên con đường ruộng ngoằn nghèo xa vài cây số… Rồi bất giác chị nở nụ cười gượng gạo: "Cực nhưng cũng vui"! Suốt ngày đầu tắt mặt tối bên ruộng muối, về đến nhà việc đầu tiên của người đàn bà là sờ tay vào chum xem nước còn hay hết. Những đứa trẻ bé choắt, những người phụ nữ với đôi vai lột từng lớp da, chai sần. Mẹ và con cùng nhau đi gánh "chuyên" (thay phiên nhau gánh mỗi người một đoạn). Bà Chín nhớ lại cái thời của bà đi gánh nước với đôi vò đất nặng trĩu. Có hôm về gần đến nhà thì dây gánh đứt, vò bể, nước đổ, bà đã ngồi tần ngần mãi bên những mảnh vò vỡ còn đọng nước vì thương cái công "dã tràng". Đến đời con gái bà tiến bộ hơn, đã thay được đôi vò đất nặng trĩu bằng đôi thùng tôn, nhưng nỗi khổ thiếu nước thì vẫn còn đeo đẳng.

* "Vàng trắng" đã về

Ngày 14-1-2004 quả là một ngày đáng nhớ của những người dân tổ 47, 48 khu vực 9 khi những công nhân của Công ty cấp thoát nước đã đặt những mét ống đầu tiên để chuẩn bị nối nước máy về với dân. Từ sáng đến giờ, ông Liên cứ ra ra vào vào, lúc đi tìm thêm cho các chú công nhân cây búa, lúc đem ra ca nước mát mời anh em. Ông cho biết: "Chúng tôi đã được thông báo bắt nước từ lâu rồi nhưng từ lúc anh em công nhân về làm lòng cứ thấy chộn rộn, đứng ngồi không yên."

Ông Dương Văn Giới, khu vực trưởng khu vực 9, tâm sự: "Bà con ở đây khát từ lâu đời nên luôn mơ đến ngày nước về". Thấu được nỗi khổ của dân, trước đây, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều giải pháp tình thế như xây dựng hồ chứa rồi bơm nước trung chuyển về đến ngã ba (gần khu dân cư khu vực 47). Tuy nhiên, công suất máy bơm nhỏ, lực đẩy yếu, qua nhiều khâu trung gian nước bị hao hụt nhiều nên cuối cùng giải pháp đã thất bại. Một vài năm gần đây, một số tư nhân đã sắm ghe máy qua tận bán đảo Nhơn Hội bơm nước chảy từ các khe núi về bán lại cho dân. Nhà nhà bắt đầu xây bể để chứa nước. Ông Giới cho biết: "Trước đây, chở hai mét khối nước từ Nhơn Hội về, các ghe lấy của dân 25 ngàn đồng nhưng từ khi Nhà nước xây dựng cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội thì giá nước lên đến 35 ngàn đồng do gầm cầu thấp, các ghe không chui qua được phải tăng bo."

Dùng nước ghe, người dân đã thoải mái hơn nhưng không phải ai cũng có tiền để mua nước. Chị Hà cho biết, gia đình chị có 8 nhân khẩu nên mỗi tháng tiết kiệm lắm cũng phải mất 120 ngàn đồng tiền nước. Đây là một khoản chi phí khá lớn đối với các hộ gia đình ở đây. Nỗi bức xúc của dân ai cũng biết, cũng thấu hiểu nhưng bài toán vẫn khó giải. Bà Lê Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết: "Từ khi Công ty cấp thoát nước thực hiện dự án nâng công suất cấp nước thành phố Quy Nhơn từ nguồn vốn vay của ADB. Chính quyền phường đã nghĩ ngay đến việc bắt nước máy cho dân". Có mặt tại hiện trường đang thi công lắp đặt hệ thống nước máy cho dân cư khu 9, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng kỹ thuật Công ty cấp thoát nước Bình Định, cho biết thêm: "Hiện nay, một số gói thầu của dự án nâng công suất cấp nước đã phát huy hiệu quả, lượng nước sản xuất của công ty đã đạt được 24.000 m3/ngày-đêm, áp lực lưu lượng nước đạt 24/24 giờ nên mới đủ nước để cung cấp cho khu vực này. Tuy nhiên, do các hộ dân khu vực 9 ở xa các tuyến ống chính, nhà dân lại thưa thớt không tập trung nên để bà con cuối nguồn có nước dùng thì các hộ đầu nguồn phải có kế hoạch sử dụng nước thật tiết kiệm."

Tiết kiệm nước là thói quen đã bao đời nay ở vùng đất này nên người dân sẵn sàng cam kết với nhà máy. Và cũng vì thế nên nghe được thông tin bắt nước máy, nhiều hộ gia đình dù rất nghèo cũng cố chạy cho được mấy trăm ngàn để làm hợp đồng bắt nước với công ty. Bà Ánh cho biết: "Chi phí để bắt nước vào mỗi hộ dân ở đây phải từ 2-3 triệu đồng. Đây là một khoản tiền quá lớn đối với người dân. Bởi vậy, chính quyền phường đã xin ý kiến thành phố về chủ trương lấy 5% tiền đền bù đất từ dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội của phường để hỗ trợ bắt nước máy cho dân và đã được thành phố đồng ý. Nhờ vậy, kinh phí bắt nước máy của mỗi hộ giảm xuống còn khoảng 500-600 ngàn đồng".

Đã có điện, giờ có nước và rồi đường sá nâng cấp, giao thông thuận tiện, kinh tế bắt đầu phát triển từ những dịch vụ, ngành nghề được mở ra. Đời sống người dân "ốc đảo" - nơi "chó ăn đá, gà ăn muối" sẽ khá hơn… Nhìn những cư dân trong thôn đang vui vẻ tiếp sức cho các công nhân đào đường ống dẫn nước với lời đảm bảo "Tết này, cô bác sẽ có nước!", tôi đã cố hình dung ra cái Tết đầu tiên không khát vui như... Tết của người dân khu vực 9, phường Đống Đa.

NGỌC QUỲNH

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng cúc vào xuân   (16/01/2004)
Tết này, rượu Bầu Đá sang Tây  (15/01/2004)
Cát Hải những ngày giáp Tết  (14/01/2004)
Tết sớm ở vùng rốn lũ   (13/01/2004)
Niềm vui khi nước sạch về làng  (12/01/2004)
Giáp Thân nay nhớ Mậu Thân xưa  (11/01/2004)
Thăng trầm đời con trâu  (09/01/2004)
Phố đồ cũ   (08/01/2004)
Hãy để hoa thay cho súng đạn  (07/01/2004)
Hoạt động văn hóa, xã hội ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (06/01/2004)
Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn: Vươn đến tương lai  (05/01/2004)
Sau 5 năm thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở: Hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước   (05/01/2004)
Khi phái đẹp gánh việc phường   (05/01/2004)
Một số ý kiến đánh giá của bạn đọc đối với Bình Định điện tử  (01/01/2004)
Một năm "nhắp chuột" với Bình Định điện tử  (01/01/2004)