Kỷ niệm 215 năm Quang Trung đại phá quân Thanh
Những gì còn lại
15:51', 20/1/ 2004 (GMT+7)

Biểu diễn trống trận tại Bảo tàng Quang Trung (ảnh Đào Tiến Đạt)

Ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thân này, nhân dân ta kỷ niệm 215 năm Quang Trung đại phá quân Thanh. Đã hơn hai thế kỷ trôi qua nhưng vó ngựa của đoàn quân chân đất mà thủ lĩnh là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ chừng như còn âm vang nơi vùng quê Tây Sơn này.

Trong suốt 143 năm tồn tại của mình, nhà Nguyễn luôn cố tìm mọi cách để xóa đi những dấu vết có liên quan đến nhà Tây Sơn. Vì sợ hệ lụy, nhiều địa phương đã nén lòng làm theo mệnh lệnh của triều đình, riêng với đất Tây Sơn - Bình Định, anh em Quang Trung có một đời sống riêng trong lòng người dân nơi đây - mảnh đất đã sinh ra Quang Trung và đưa tên tuổi của ông đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta như một huyền thoại. Lớp bụi thời gian của hơn hai thế kỷ cùng với bao cấm đoán ngặt nghèo vẫn không khuất lấp được ánh hào quang của người anh hùng.

Bảo tàng Quang Trung ngày nay tọa lạc trên khuôn viên 60.000 mét vuông, được xây dựng ngay trên nền nhà cũ của anh em Quang Trung. Suốt 25 năm đầu của triều Nguyễn, nơi đây là bãi đất hoang. Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế (1802) thì cũng là lúc những gì liên quan đến nhà Tây Sơn bị xóa sạch, trong đó có ngôi nhà và khu vườn - nơi ba anh em Tây Sơn cất tiếng chào đời tại làng Kiên Mỹ huyện Tây Sơn. Dấu vết còn lại có liên quan đến ba anh em nhà Tây Sơn là một giếng nước cùng cây me ba trăm tuổi. Chưa có sử sách nào lý giải được vì sao cây me và giếng nước ấy lại thoát khỏi lưỡi gươm của sự trả thù. Chỉ biết rằng, đối với người dân Tây Sơn, những hiện vật đó là vô cùng thiêng liêng với họ. Hai mươi lăm năm sau ngày vua tôi nhà Tây Sơn bị trả thù đẫm máu tại Phú Xuân, năm 1827, người dân làng Kiên Mỹ mới âm thầm xây tại đây một ngôi đình để thờ ba anh em Tây Sơn nhưng được núp dưới cái tên là "đền Kiên Mỹ". Hàng năm, tại đền này có hai lệ giỗ vào rằm tháng 11 và mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Hai ngày này đều liên quan đến các sự kiện lịch sử của Quang Trung. Thế nhưng, người dân Kiên Mỹ không dám công khai điều đó mà chỉ nói là "cúng cơm mới". Bài sớ thứ nhất đọc giữa thanh thiên bạch nhật là vái trời đất, hoàng thành, thổ địa; còn bài sớ thứ hai được đọc trong "điện thờ" là vái ba anh em Tây Sơn. Sự việc này diễn ra đến năm 1945 mới chấm dứt cùng với dấu chấm hết một trang sử đầy biến động của vương triều nhà Nguyễn. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cùng với lệnh "tiêu thổ kháng chiến" đã biến ngôi đền ấy thành ngọn đuốc khổng lồ thắp sáng cả vùng Tây Sơn suốt trên 10 ngày trời! Nền nhà cũ của anh em Tây Sơn một lần nữa trở thành bình địa.

Một điều khá khôi hài chung quanh ngôi đền thờ ba anh em nhà Tây Sơn cũng như lễ hội chiến thắng Đống Đa này là cả hai đời tổng thống ôm chân ngoại bang là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đều núp dưới bóng Quang Trung để hô hào "Bắc tiến"! Họ cho xây lại điện thờ Quang Trung và tổ chức hai cuộc lễ lớn chưa từng có (1963 và 1973) nhân kỷ niệm Quang Trung đại phá quân Thanh (mùng 5 tháng Giêng). Mặc cho những nhà chính trị "làm xiếc" trên ánh hào quang của người anh hùng áo vải, người dân Tây Sơn tưởng nhớ người anh hùng bằng cách của riêng mình. Hàng năm, cứ đúng vào dịp Tết cổ truyền, hàng vạn người lại đổ về Tây Sơn. Bao nam thanh nữ tú lại chen nhau qua cầu Kiên Mỹ để được… rớt xuống sông! (chuyện "rớt xuống sông" đã được chấm dứt kể từ khi nhà nước xây một chiếc cầu vĩnh cửu bắc qua sông Côn). Bao người hành hương về quê hương Nguyễn Huệ để được nghe âm hưởng hào hùng của trống trận Quang Trung, để được xem nhưng nam nữ thanh niên của đất Tây Sơn đi quyền, múa võ.

Trong những hiện vật liên quan đến nhà Tây Sơn còn lưu giữ đến ngày nay, có lẽ giá trị nhất là những gì thuộc về văn hóa phi vật thể chứ không hẳn là những hiện vật mang dấu ấn của lịch sử. Kẻ bạo chúa có thể thiêu hủy cả một công trình kiến trúc kỳ vĩ nhưng làm sao xóa được một bài ca? Trống trận Quang Trung là một trong những "bài ca" ấy. Đó là một loại "vũ khí" độc đáo còn lưu giữ đến ngày nay. Chị Võ Thị Thuận - người phụ nữ khá mảnh mai của đất Tây Sơn từng làm xao lòng hàng vạn khách thập phương hành hương về Kiên Mỹ qua đôi tay tài hoa và điệu nghệ của chị cùng 12 chiếc trống. Đoàn quân áo vải của người anh hùng đã bao phen xông trận và làm nên những chiến công lừng lẫy qua những âm thanh còn lại này đây. Ông Trần Đình Ký, Giám đốc bảo tàng Quang Trung, cho biết, chị Thuận là đời thứ 9 trong một gia đình có truyền thống "chơi" trống trận Quang Trung, kế nghiệp "nghề" này. Đây không chỉ đơn thuần là việc cầm dùi gõ vào mặt trống mà người "chơi" trống phải như một nghệ sĩ, biết phả vào những chiếc trống vô tri kia những cảm xúc của riêng mình". Chính vì thế mà từ nhiều năm qua, Bảo tàng Quang Trung rất chú trọng đến việc tìm người "kế vị" chị Thuận. Mới đây, người ta đã "tìm" được em Phan Thị Mai. Tuy nhiên, nói như ông Cảnh, Phó giám đốc Bảo tàng Quang Trung thì, em Mai mới chỉ thuần thục trong việc "đánh" trống chứ chưa phả vào đó những cảm xúc của người chơi trống. Cùng với trống trận Quang Trung, "võ Tây Sơn" cũng được lưu truyền đến ngày nay. Xem các võ sinh của Bảo tàng Quang Trung đánh côn, những khúc gỗ bay vù vù trên những đôi tay rắn chắc của họ, tôi như nghe tiếng vó ngựa của đoàn quân áo vải năm nào đang tiến quân ra đất Thăng Long để đuổi giặc ngoại xâm từ hơn hai trăm năm trước.

Bao vương triều hưng hay phế rồi cũng qua đi, chỉ có những anh hoa thì còn ở lại.

TRẦN ĐĂNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đón Tết ở ba biên   (19/01/2004)
Canh Tiến đón Tết   (19/01/2004)
Tết này, dân khu 9 sẽ có nước   (18/01/2004)
Làng cúc vào xuân   (16/01/2004)
Tết này, rượu Bầu Đá sang Tây  (19/01/2004)
Cát Hải những ngày giáp Tết  (14/01/2004)
Tết sớm ở vùng rốn lũ   (13/01/2004)
Niềm vui khi nước sạch về làng  (12/01/2004)
Giáp Thân nay nhớ Mậu Thân xưa  (11/01/2004)
Thăng trầm đời con trâu  (09/01/2004)
Phố đồ cũ   (08/01/2004)
Hãy để hoa thay cho súng đạn  (07/01/2004)
Hoạt động văn hóa, xã hội ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (06/01/2004)
Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn: Vươn đến tương lai  (05/01/2004)
Sau 5 năm thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở: Hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phép nước   (05/01/2004)