Khắp nơi tưng bừng đón giao thừa
1:18', 22/1/ 2004 (GMT+7)

Năm 2003 vừa qua, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, dân và quân Bình Định đã phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất, năng động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2003 với những kết quả tích cực: nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển; các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức đề ra; các hoạt động văn hóa - xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân nhiều vùng dân cư được cải thiện, đặc biệt nhân dân các cùng bị thiên tai được cứu giúp kịp thời và không để xảy ra đói; chính trị và xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Vì vậy có thể nói, Tết năm nay là một cái Tết vui hơn mọi năm đối với người Bình Định. Tuy vào ngày 30 Tết, trời bất ngờ chuyển lạnh và đổ mưa nhưng không khí đón giao thừa tại các địa phương trong tỉnh vẫn rất náo nức, tưng bừng.

Dọc các trục đường chính của thành phố Quy Nhơn, từ nội thành đến ngã ba Phú Tài, từ vài ngày nay, những tấm panô đã sáng lên bằng lời Chúc mừng năm mới, sắc cờ nheo đỏ hòa lẫn cũng băng rôn vải, những ánh đèn màu, càng làm cho tâm hồn người ta thêm náo nức, thúc giục. Chiều 30 Tết và đầu buổi tối giao thừa (21-1), trời chuyển mưa và se lạnh, nên trên đường phố, dòng người có phần vợi đi vẻ tấp nập. Tuy nhiên, tại các hiệu bán hàng Tết, vẫn không vắng bóng những người đi mua sắm. Có những người mãi đến tận thời điểm này mới có thời gian đi sắm Tết, lại có những người, tranh thủ mua sắm thêm vài vật dụng cho Tết thật sự đủ đầy. Có lẽ, năm vừa qua, kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng khá, đời sống người dân đã được nâng lên một bước nên sức mua, đặc biệt là sức mua ngày Tết tăng. 

Chợ hoa Quy Nhơn sát giờ giao thừa (ảnh: Thúc Giáp)

Càng đến gần thời điểm giao niên, khi những cơn mưa đã ngớt, dòng người dần tấp nập trở lại. Chợ hoa Quy Nhơn vẫn chưa hết sự náo nhiệt. Những chậu hoa tươi tắn sắc màu, mang theo cả niềm vui, những ước vọng về hạnh phúc và những điều tốt đẹp vẫn tuôn về những nẻo đường, đến với mỗi nếp nhà. Khoảng 22 giờ, từ các ngả đường, 5 đội lân múa cổ động và di chuyển dần về phía đường Lê Duẩn, nơi sẽ diễn ra dạ hội giao thừa. Các đội lân tập kết hai bên cánh gà sân khấu, múa dạ náo đón khách. Tiếng trống múa lân, nhịp bước chân người làm không khí đêm hội càng trở nên náo nức. Trên sân khấu, bắt đầu màn đồng diễn võ thuật khỏe khoắn, đẹp mắt, thể hiện truyền thống của miền đất võ. Màn đồng diễn thu hút người xem và qua đó, càng làm nổi rõ ý nghĩa của đêm hội: phát huy truyền thống Quang Trung, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.

22 giờ 30 phút, chính thức khai hội. Một chương trình văn nghệ công phu, hoành tráng với chủ đề Đất nước vào xuân đã bắt đầu. Tham gia chương trình này, là các nghệ sỹ của Nhà văn hóa thành phố Quy Nhơn, Nhà hát Tuồng Đào Tấn và các em thiếu nhi trong tốp ca Nhà Thiếu nhi thành phố. 11 tiết mục trong chương trình, được chia làm 3 phần chính.

Dạ hội mừng Đảng mừng Xuân đón giao thừa tại trung tâm TP Quy Nhơn (ảnh: Thúc Giáp)

Phần một tập trung ca ngợi hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn nhân kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2004). Mở đầu chương trình là hợp xướng hát múa Mùa đào Kỷ Dậu (biên đạo Hoàng Việt) khá hoành tráng. Người xem như được trở về với mùa xuân chiến thắng năm xưa, khi Quang Trung cùng nghĩa binh Tây Sơn hành quân thần tốc ra Bắc, quét sạch 29 vạn quân Thanh. Tiết mục múa Mùa xuân luyện võ (biên đạo NSND Đặng Hùng, do các diễn viên Nhà hát Tuồng Đào Tấn biểu diễn) đã thể hiện sự tiếp nối truyền thống đó của thế hệ trẻ hôm nay.

Ở hai phần 2 và 3, là những bài hát ngợi ca Đảng, ca ngợi quê hương, đất nước: Đảng đã cho ta mùa xuân, Tình ca Tây Bắc, đất nước trọn niềm vui, Thành phố tuổi xuân, Xuân và tuổi trẻ, Cung đàn mùa xuân, Hành khúc thanh niên Bình Định… và nói lên niềm tự hào dân tộc, khát vọng vươn tới tương lai xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những tiết mục hiện đại, hoành tráng, vui tươi hòa cùng không khí sôi nổi náo nức của đêm hội mùa xuân. Những chùm bong bóng bay được thả lên bầu trời đã nồng ấm không khí mùa xuân như một lời cầu chúc, một sự gửi gắm ước vọng và một niềm tin, tự lúc nào, đã được khơi lên trong tâm hồn ta trước thềm xuân.

Kết thúc chương trình văn nghệ mừng xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đọc thư chúc Tết và đánh trống khai niên. Những tiếng trống âm vang, cộng hưởng trong mỗi con người. Giao thừa. Cả bầu trời như nở hoa với màn pháo hoa rực rỡ. Mùa xuân đã đến rồi!

Pháo hoa trên bầu trời Quy Nhơn (ảnh: Thúc Giáp)

Cũng tại Quy Nhơn, còn có hơn 40 người nước ngoài (không kể Việt kiều về ăn Tết) cùng vui đón giao thừa với nhân dân thành phố. Họ là những người đến làm việc tại Bình Định và khách du lịch ghé qua Quy Nhơn trong dịp Tết. Nhiều người đã tỏ ra hồi hộp và hào hứng đón chờ giây phút giao thừa.

Những người nước ngoài đến Quy Nhơn theo các tour du lịch trong dịp Tết được các khách sạn ở Quy Nhơn và đơn vị tổ chức tour chuẩn bị các món ăn, thức uống trong ngày Tết truyền thống ở Việt Nam. Có mặt tại khu vực tổ chức Lễ hội đón giao thừa (tại khu vực sân bay Quy Nhơn cũ) để xem chương trình Lễ hội và tiết mục bắn pháo hoa, nhiều người rất vui khi được tham gia một chuyến du lịch trong không khí tưng bừng đón Tết của người Việt Nam.

Những người nước ngoài hiện đang làm việc và kinh doanh ở Bình Định thì chuẩn bị đón Tết và đón giao thừa kỹ lưỡng hơn. Đôi vợ chồng Đức - Việt Tobias Barisch và Thảo Miên (Tobias là Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn VIET- EURO) thì đã chuẩn bị một cái Tết Việt Nam khá chu đáo, tại ngôi nhà số 11- Nguyễn Trung Ngạn, Quy Nhơn, với bàn thờ ông bà đầy đủ hương, hoa, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, các loại bánh mứt, hạt dưa… mang hương vị cổ truyền Việt Nam. Chị Thảo Miên đã không quên chọn những chậu hoa hướng dương rực rỡ để bài trí cho phòng khách của mình, bởi chị biết chồng và người Đức rất yêu loài hoa này.

Vợ chồng Tobias và Thảo Miên đang chuẩn bị đón giao thừa (ảnh: Ngọc Diên).

Còn anh Noel Bloxham, người New Zealand, là chuyên gia bảo vệ thực vật, đang làm việc cho tổ chức VSA VIETNAM tại Bình Định thì sửa soạn rất tươm tất ngôi biệt thự mình đang ở tại 90 Biên Cương. Anh vui vẻ giới thiệu bếp ăn của mình có đầy đủ bánh chưng xanh, dưa hành, thịt heo quay… cho những ngày Tết. Trong phòng khách có một cành mai xuân và một chậu cúc vàng, ngoài sân có một chậu quất, do anh tự chọn mua ở chợ hoa Tết. Vợ chồng trẻ người Úc, Robert và Jane là chuyên gia y tế, tuy mới đến làm việc ở Bình Định chỉ vài tháng, chưa một lần đón Tết ở Việt Nam, nhưng nhờ những cộng sự người Việt Nam, anh chị cũng đã chuẩn bị những món ăn trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam và háo hức chờ thời khắc giao thừa ở Quy Nhơn. Những người nước ngoài làm việc và kinh doanh ở Bình Định cũng tỏ ra rất phấn khởi khi những ngày cuối năm, lãnh đạo tỉnh, thành phố đã đến thăm hỏi và chúc Tết họ.

Tại Tây Sơn, giao thừa năm nay như vui hơn do không khí của Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2004) đã tràn ngập trên các nẻo đường phố huyện. Ngay từ buổi chiều, không khí chuẩn bị đón Tết và Lễ hội Đống Đa trên đất Tây Sơn càng thêm náo nức. Trên các con đường ở thị trấn Phú Phong lộng lẫy cờ hoa, lung linh ánh đèn. Tại sân vận động Tây Sơn, khán đài đã được tu sửa, cổng tam quan được dựng lên ngay lối vào. Ngoài cầu Kiên Mỹ mới được bố trí hệ thống chiếu sáng, cầu Kiên Mỹ cũ - nơi trước đây du khách thường chen nhau để rớt... xuống sông - cũng đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng để phục vụ Lễ hội Đống Đa. Bảo tàng Quang Trung cũng lộng lẫy đủ sắc cờ tung bay. Có 4 chú voi từ Đắc Lắc đã về đây để chuẩn bị tham gia Lễ hội. Trên bờ sông Kôn, bên kia bến Trường Trầu cũng đã xuất hiện các quầy hàng ẩm thực do các nhà hàng, khách sạn từ Quy Nhơn lên tổ chức...

Gói bánh tét (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Tại Tuy Phước, vượt qua hai đợt lũ lụt lớn vào giữa tháng tháng 10, mùa xuân năm nay, trong số 676 hộ dân tại các xã thuộc khu Đông của huyện Tuy Phước đã có gần 500 hộ dân được đón Tết trong những căn nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa. Hơn 2,5 tỷ đồng đã được UBND huyện Tuy Phước và các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ đã đến tay người dân để ổn định cuộc sống. Niềm vui không chỉ lăn dài theo giọt nước mắt của người lớn mà còn ánh lên trong nét tinh nghịch của các em nhỏ vùng rốn lũ. Vì thế, đêm giao thừa ở đây dường như vui hơn.

Đêm giao thừa, huyện Tuy Phước tổ chức chương trình ca nhạc đặc sắc với chủ đề mừng Đảng, mừng xuân mới. Những tiếng hát, lời ca, điệu múa ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ kính yêu, ca ngợi mùa xuân do chính những chàng trai cô gái là các ca sĩ không chuyên biểu diễn bằng tất cả lòng nhiệt tình và sức trẻ như thắp sáng ngọn lửa mùa xuân trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vào sáng mùng 1 Tết, tại sân vận động Trường Úc, người đi hội chợ Gò sẽ được tham gia vào nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: hái lộc đầu năm, khán giả cùng múa-hát theo chủ đề, thi đấu cờ người…

Năm nay, Hoài Nhơn không tổ chức bắn pháo hoa trong thời khắc giao thừa như năm ngoái nhưng không khí đón giao thừa tại đây vẫn háo hức. Trong thời điểm bản lề giữa năm cũ và năm mới, người dân xứ dừa đổ ra đường để đi hái lộc, chúc tụng nhau một năm mới an lành. Toàn huyện có 4 điểm vui xuân được tổ chức khá quy mô: Tại Trung tâm VH-TT huyện (ở Bồng Sơn), thị trấn Tam Quan, Hoài Hương và Hoài Châu Bắc. Tại các điểm vui xuân này, các hoạt động vui chơi mang tính dân gian như: Lô tô, cổ nhơn… được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia. Cũng trong đêm giao thừa, khi đồng đồng hồ nhích dần đến thời điểm không giờ, vùng trung du Hoài Ân vắng hẳn người đi lại. Thỉnh thoảng chỉ một vài chiếc xe chạy vụt qua vội vàng. Nhằm tạo niềm vui cho bà cho nhân dân vui xuân, Trung tâm VH-TT huyện tổ chức các hoạt động từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng gồm các trò chơi như: Lô tô, đấu bóng chuyền, cờ tướng, thi đấu võ cổ truyền… Trong khi đó tại vùng cao An LãoVân Canh, bà con không tổ chức ra đường để đón giao thừa như dưới xuôi. Khi đồng hồ điểm 23 giờ, ngoài đường vắng không có một bóng người. Nhà nhà chong điện trước hiên làm cho không khí của núi rừng trở nên huyền hoặc, lung linh. Năm nay, 2 huyện vùng cao này tổ chức các hoạt động vui chơi theo từng đơn vị xã, chủ yếu là các hoạt động văn nghệ quần chúng và các trò chơi dân dân gian… Còn tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, không khí đêm giao thừa cũng rất sôi động. Tại xã Vĩnh Kim, đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm VH-TT huyện tổ chức chiếu phim phục vụ đồng bào từ đêm 30 Tết cho đến mùng 5 Tết. Cũng trong giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa, ở các bản làng đồng bào dân tộc đem cồng chiêng ra gióng lên từng hồi để chào đón một năm mới. Sáng mùng 1 Tết tại 7 xã của huyện đều tổ chức các hoạt động thể thao như bóng chuyền, đua thuyền, bắn nỏ, phóng lao, kéo co, đập ấm...

Hái lộc đầu năm ở chùa Long Khánh, Quy Nhơn (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Tại An Nhơn, gần đến giao thừa, trời tạnh hẳn nên không khí của đêm giao thừa ở đây vẫn khá nhộn nhịp. Các con đường ở trung tâm huyện từ chiều đã đông nghẹt người, chủ yếu là người đi mua hoa Tết. Năm nay An Nhơn được mùa hoa mai, hoa cúc nên dọc theo quốc lộ 1A và đường Quang Trung nối dài đã trở thành một chợ hoa khá lớn. Hơn 22 giờ đêm, chợ hoa An Nhơn đã gần vãn khách do các loại hoa bán rất chạy. Tại Trung tâm VH-TT huyện, bắt đầu từ 22 giờ, là chương trình văn nghệ đón giao thừa với chủ đề mừng Đảng mừng Xuân kéo dài cho đến giờ đón giao thừa đã thu hút hàng ngàn người đến xem. Bên cạnh đó, các tiết mục múa lân, xổ cổ nhơn và các trò chơi dân gian cũng thu hút khá nhiều người. Công viên thị trấn Bình Định (đối diện với UBND huyện) còn tổ chức trò chơi đu quay để phục vụ các em thiếu nhi, bên cạnh đó là chương trình văn nghệ và các tiết mục biểu diễn võ thuật. Tại các xã cũng sôi nổi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao để phục vụ nhân dân trong đêm giao thừa, như: ca nhạc, múa lân, võ thuật, đu quay, các trò chơi dân gian...

Phù Cát cũng bắt đầu có mưa từ mờ sáng ngày 30 Tết. Tuy nhiên từ 19 giờ tối, nhiều người mà nhất là các bạn trẻ đã tập trung xung quanh hồ sinh thái của huyện để xem những chương trình ca nhạc và nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tại đây. Trước 10 phút chuyển giao sang năm mới, mọi người đổ về các chùa để hái lộc, đến nhà người thân để uống chén rượu và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong một năm mới. Cũng trong dịp đón Tết cổ truyền này, huyện Phù Cát còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi: hai đêm mồng 1, 2 huyện tổ chức đêm ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân năm 2004; từ ngày mồng 4 đến mồng 6, huyện tổ chức giải thi đấu võ thuật toàn huyện…

Tại Phù Mỹ, sáng ngày 30 Tết, trời bắt đầu đổ mưa lất phất. Cứ thế, suốt cả ngày cuối năm cho đến thời khắc chuyển sang năm Giáp Thân, trời vẫn tí tách đổ mưa. Dù vậy, không khí hân hoan chờ đón một mùa xuân mới vẫn hiện diện khắp nơi. 19 giờ tối, nhiều thanh niên trong huyện đã diện những bộ đồ mới nhất để rong chơi trên những con đường thị trấn, dạo quanh ao cá Bác Hồ trong cơn mưa phùn. Cũng trong thời điểm này, nhiều người đã tập trung tại Nhà văn hóa huyện để vui chơi. Tại đây, ngoài chương trình ca nhạc, mọi người còn được vui chơi với những trò chơi dân gian, lô tô. Đúng thời khắc chuyển giao sang năm Giáp Thân, lượng người tỏa ra trên khắp phố thị càng đông hơn. Phần lớn mọi người đều đổ về các chùa ở thị trấn để hái lộc với hy vọng một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn, phát tài, phát lộc.

Trong vòng tuần hoàn bất tận của trời đất, khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có một ý nghĩa hết sức thiêng liêng trong tâm cảm mỗi người. Đó là lúc người ta đối diện với chính mình, suy ngẫm về một năm đã qua. Là lúc mà qua nén nhang thơm hiện tại được trò chuyện cùng quá khứ và gieo niềm ước vọng về tương lai. Như một dòng sông cuồn cuộn, mùa xuân bắt đầu cho chu trình 365 ngày với biết bao ước mơ, hy vọng... bằng dòng nhựa tuôn tràn của mình, khiến người ta mỗi ngày một nâng tầm trách nhiệm của mình lên cùng với sự trỗi dậy của quê hương.

Đất. Trời. Và Con người. Như đã quyện vào nhau làm một và bùng lên niềm thăng hoa khôn cùng. Trong nhịp sinh sôi của đất mẹ quê hương, mùa xuân là khúc hát mở đầu. Với những nốt đầy lạc quan mà người Bình Định vừa bắt nhịp, hy vọng về một năm mới tràn đầy hạnh phúc cũng đã hé lên những mầm xanh đầu tiên.

Giao thừa. Pháo hoa đã nở tung rực rỡ trên bầu trời Quy Nhơn trong ánh mắt mừng vui đón chào năm mới của mỗi người. Vâng, một năm mới lại về!

 Nhóm thực hiện:

Thúc Giáp - Bá Phùng - Viết Thọ - Lê Thu Hiền - Công Tâm - Ngọc Diên - Nguyễn Phúc - Hoàng Chi - Anh Tú - Văn Tịnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tết, Tết, Tết…đến rồi  (21/01/2004)
Cuộc sống là mơ ước và vươn lên  (21/01/2004)
Những gì còn lại  (20/01/2004)
Đón Tết ở ba biên   (19/01/2004)
Canh Tiến đón Tết   (19/01/2004)
Tết này, dân khu 9 sẽ có nước   (18/01/2004)
Làng cúc vào xuân   (16/01/2004)
Tết này, rượu Bầu Đá sang Tây  (19/01/2004)
Cát Hải những ngày giáp Tết  (14/01/2004)
Tết sớm ở vùng rốn lũ   (13/01/2004)
Niềm vui khi nước sạch về làng  (12/01/2004)
Giáp Thân nay nhớ Mậu Thân xưa  (11/01/2004)
Thăng trầm đời con trâu  (09/01/2004)
Phố đồ cũ   (08/01/2004)
Hãy để hoa thay cho súng đạn  (07/01/2004)